Không gian xa cách

Một phần của tài liệu khảo sát tập thơ “hải ông thi tập” của đoàn nguyễn tuấn (Trang 127 - 133)

6- Đóng góp của luận văn

3.1.1- Không gian xa cách

Cuộc đời làm quan của Đoàn Nguyễn Tuấn gắn liền với những chuyến đi, có khi là những lần đi sứ mà thời gian tính bằng tháng bằng năm, có khi là những chuyến công cán trong nước. Không có nhiều tư liệu về đời tư của Đoàn Nguyễn Tuấn trước khi ra làm quan với Tây Sơn nên chúng ta không biết nhiều về cuộc đời ông trước đó. Nhưng có thể nói từ khi ra làm quan với Tây Sơn, cuộc đời Đoàn Nguyễn Tuấn đi nhiều hơn ở:

Nhất quan bôn tẩu phong trần mạt, Bách tải xâm tầm điện lộ trung.

(Một chức bôn tẩu ở tận cuối làn gió bụi,

(Thu, dư nhập Kinh, đông mạt thủy qui, nhân ức Tố Như thị “Nhất quan bôn tẩu phong trần mạt” chi cú triền thành tứ vận - Mùa thu ta vào Kinh, cuối đông mới về, nhân nhớ câu “Nhất quan bôn tẩu phong trần mạt” của Tố Như thị bèn dàn thành bốn vần)

Những vần thơ ghi lại hành trình đi sứ là minh chứng xác thực nhất cho cuộc đời bôn ba đây đó của ông:

Viễn từ hương quốc diệc tinh sương Hữu lịch Hoan giao lưỡng độ mang. Nhân đổ thập niên sinh tụ hậu, Mã am thiên lý lộ đồ trường.

(Xa làng xa nước đã bao năm tháng, Lại qua châu Hoan, hai bận vội vàng.

Người thì nhìn thấy cảnh trù phú sau mười năm, Ngựa cũng đã quen với con đường xa ngàn dặm.) (Kinh quá Nghệ An - Đi qua Nghệ An)

Hay:

Nam Việt xuân sơ Viêm hải thượng, Bắc Hồ thu vãn Nhiệt hà biên.

(Đầu xuân còn ở trên miền biển nóng Nam Việt, Cuối thu đã ở bên sông Nhiệt Hà vùng Bắc Hồ)

(Tại Nhiệt Hà công quán mạn thành - Ở công quán Nhiệt Hà, nghĩ phiếm)

Luôn mang tâm trạng của khách tha phương, của con người nơi chân trời góc bể, trong thơ ông có một không gian xa cách dài như nỗi nhớ, rộng như nỗi suy tư và sâu như một niềm hoài niệm. Lê Thu Yến trong Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du đã nói rất sâu và rất thấm về điều này: “Có một không gian xa cách như thế dành cho người viễn khách. Người xưa

rất ngại đi xa. Được sinh ra, lớn lên, học hành, đỗ đạt và yên vị ở chỗ thành đạt của mình, đó là điều lí tưởng. Đi xa là điều bất hạnh. Tuy nhiên con người có cái thú trong sự bất hạnh đó. Có thể gọi là thú đau thương. Đi xa, trọng trách gánh trên vai, xa gia đình, người thân…người đi luôn than thở, phiền muộn, nhưng tiềm ẩn bên trong là nỗi khao khát vươn tới chiếm lĩnh khoảng không gian rộng lớn, thu vào tầm mắt tất cả những gì của thế giới để bù lại nỗi nhớ quay quắt điên cuồng về những thứ quen thuộc phải để lại ở nhà.” (Lê Thu Yến, Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên, 1999)

Trong “Hải Ông thi tập” có lần tác giả đã chia sẻ khát vọng đi xa của mình một cách chân thật:

Đại địa giang sơn du dục biến,

Cố hương phong nguyệt tuế thiên đa.

(Núi sông cõi lớn muốn chơi cho khắp; Trăng gió quê hương, ngày tháng còn nhiều.)

(Yên Đài ngẫu vịnh - Ngẫu nhiên đề vịnh ở Yên Đài)

Cảnh vật quê hương bao giờ đi thăm thú mà chẳng được còn “non sông cõi lớn” phải tranh thủ mới đi cho hết, mới khám phá hết những miền đất lạ. Đó là tâm lí chung của con người trước khi đi xa, luôn bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của những vùng đất mới cộng thêm lực đẩy của tuổi trẻ năng động và đam mê khám phá, chinh phục. Thế nhưng có một điều tưởng như nghịch lí là những chuyến đi xa lại đem con người trở về gần gụi với mảnh đất quê hương hơn bao giờ hết. Và quan trọng là đi xa giúp họ đo được lòng mình còn nặng tình sông núi biết bao nhiêu. Chân vừa chớm rời lòng đã nhớ:

Khách bộ sơ tùy thiên tiết tỷ, Hương tâm ám trục mộ vân hoàn.

(Bước chân khách chớm rời theo cờ đi sứ; Lòng nhớ quê ngầm theo mây chiều trở về) (Quá quan – Qua cửa ải)

Bởi thế khách tha hương lúc này không còn xem việc ruổi rong như một khát vọng ra đi mà xem nó như một cách lấp đầy khát vọng trở về:

Cố kinh nhất biệt hốt tam thì, Thiên lý trì khu úy viễn ty (tư).

Từ biệt cố đô thoắt đã ba mùa,

Ruổi rong ngàn dặm khuây nỗi nhớ xa.

(Hựu họa Vũ huynh nguyên vận - Lại họa nguyên vần của ông anh họ Vũ) Hay:

Dục tá đại quan thanh lữ muộn

(Muốn nhờ cảnh đẹp làm khuây nỗi tha hương)

(Thứ minh huynh Phan hầu chi tác - Họa bài thơ của người anh kết nghĩa là Phan hầu)

Không gian xa cách lại càng trở nên xa hơn khi ngày về vẫn còn mù mịt:

Phong vũ mê mông cảnh tượng u, Nguyệt hoa ưng thị luyến Quỳnh Châu. Thiên trùng dịch lộ tùy chinh nhạn, Cường bán niên quang trục khích câu.

(Gió mưa mù mịt, cảnh tượng âm u.

Trăng hoa hẳn còn lưu luyến Quỳnh Châu. Ngàn trùng đường trạm rượt theo cánh nhạn; Quá nửa năm trời thoáng tựa bóng câu.)

(Khách thứ Trung thu vô nguyệt - Nơi đất khách đêm Trung thu không trăng) Hay:

Gia hương vân vật tam thiên lý, Thân thế bình bồng ngũ thập niên.

(Cảnh vật quê hương cách ba ngàn dặm, Thân thế trôi nổi năm chục năm nay.)

(Vọng dạ túc Hải Vân sơn đính khách xá - Đêm rằm trọ tại nhà khách trên đỉnh Hải Vân)

Khoảng cách địa lí giữa nhà thơ với quê nhà có khi là “ba ngàn dặm”, có khi là “chín ngàn dặm”, thậm chí có lúc là “muôn dặm”. Nhưng chừng ấy vẫn chưa xa bằng khoảng cách tâm lí, khoảng cách thường được tác giả đo bằng đường mây trắng bay:

Cứ tọa sơn đầu ngưng viễn thế, Phiến vân phi xứ thị ngô gia.

(Ngồi xổm trên núi lặng nhìn phương xa, Nơi làn mây bay, ấy là nhà ta!)

(Đăng Kháo sơn - Lên núi Kháo) Hay:

Huống thị qui tâm hương quốc nhĩ, Bạch vân thân xá vọng như hà!

Thêm nỗi nhớ quê canh cánh bên lòng, Trông vời nhà ta dưới làn mây trắng! (Độ Hoành Sơn - Vượt Đèo Ngang)

Lấy đường mây trắng bay làm thước đo khoảng cách xa vời vời giữa khách tha hương với cố hương càng giúp chúng ta cảm nhận được sự cách xa đó là muôn trùng, là bất định. Do đó, mỗi lần trèo lên đỉnh núi cao nhìn về phía trời Nam vẫn biết nơi ấy là quê nhà nhưng tất cả đã lẩn khuất trong mây. Mây trắng cứ bay, cứ trôi và lòng lữ thứ cũng lửng lơ không một điểm tựa. Quả vậy, khi đi xa quê nhà, dù chỉ là đặt một bước chân qua vùng đất mới,

con người cũng thường cảm thấy lạc lõng trơ trọi như bị tách ra khỏi môi trường quen thuộc. Hay nói cách khác là cảm giác bất an khi thiếu một điểm tựa tinh thần. Điểm tựa tinh thần đó có thể là một người bạn tâm giao để hàn huyên tâm sự, một người họ hàng ruột thịt để ta biết mình còn có một gia đình hay đơn giản chỉ là một con đường quen thuộc mà ngày ngày ta vẫn đi trên. Điểm tựa quê hương ấy con người đã tựa nương từ thuở bé và từ lúc nào chẳng biết đã trở thành một tình nhân nhiều quyến luyến khiến người đi luôn cảm thấy day dứt vì đã phụ tấm tình non nước:

Lục tải phong trần phụ cổ san, Tạo nhi giáo ngã mệnh đồ nan.

(Sáu năm gió bụi đành phụ núi xưa, Con tạo khiến ta số mệnh long đong.)

(Họa Nguyễn Hàn lâm viện “Hành lộ nan” chi tác - Họa bài “ Hành lộ nan” của ông Hàn lâm họ Nguyễn)

Cảm giác là người phụ bạc đôi khi còn khiến nhà thơ e ngại “vườn xưa” chẳng còn nhận ra mình:

Mạn vấn trần khuyên dịch tính chân? Niên niên cô phụ cố viên xuân.

[…]

Qui lai nhất trạo tầm tam kính. Tằng phủ yên hoa nhận chủ nhân?

Vòng trần sao cứ sai khiến chân tính? Hằng năm đành phụ xuân ở vườn xưa. […]

Một chèo trở về tìm ba luống cúc, Hoa khói còn nhận ra chủ cũ không?)

(Kỷ Mùi trọng hạ y nguyên vận tiễn Ngự quan Nam hoàn - Tháng năm năm Kỷ Mùi (1799) theo nguyên vần tiễn quan Ngự về Nam)

Quả thật là một nghịch lí: khi đi xa quê hương lại cảm thấy gần quê hương hơn bao giờ hết, khi rời bỏ quê nhà lại là lúc nhận ra tình cảm mình dành cho quê nhà sâu nặng nhất. Bởi vậy cũng mang tâm trạng, nỗi niềm như hầu hết những người đi sứ khác, Đoàn Nguyễn Tuấn luôn mong đợi ngày trở về quê hương. Nhưng ngày về thì mịt mù không biết trước nên ông đành chìm vào giấc mộng để tìm điểm tựa quê hương. Và khi đó, không gian xa cách bỗng được rút ngắn lại khi hồn kẻ xa quê được thỏa nỗi nhớ quê hương dù chỉ là trong giấc mộng:

Tửu túy nhi thụy, thần quy phần du. Cái bất tri phù lộ chí trở tu!

(Rượu say rồi ngủ, hồn về quê hương.

Chẳng còn biết chặng đường hiểm trở xa xăm…) (Ngũ Hiểm than phú - Bài phú Thác Ngũ Hiểm)

Một phần của tài liệu khảo sát tập thơ “hải ông thi tập” của đoàn nguyễn tuấn (Trang 127 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)