Lễ hội và phân loại lễ hội

Một phần của tài liệu Giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội ở tỉnh nam định và việc phát huy các giá trị ấy trong giai đoạn hiện nay (Trang 27 - 31)

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hình thành và phát triển theo lịch sử xã hội loài người. Dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại cho các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau những truyền thống vô cùng quý giá, trong đó có hệ thống lễ hội văn hoá đặc sắc. Lễ hội, một di sản văn hoá quý báu đã tồn tại đồng hành và tạo nên ký ức văn hoá của dân tộc. Vượt qua thời gian, lễ hội đã lan toả và có sức sống lâu bền trong đời sống nhân dân.

Có nhiều khái niệm khác nhau về Lễ và Hội. Lễ là chỉ những nghi thức được tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó. Lễ có nghĩa là vái lạy, để tỏ lòng cung kính theo phong tục cũ và còn là khuôn phép, là sự bày tỏ lòng kính trọng, lịch sự.

Trong lễ hội, Lễ là linh hồn, cốt lõi và là phần quan trọng nhất, được mọi người chú trọng đầu tư cả về thời gian, công sức, tiền bạc. Các nghi thức của phần lễ thường gồm các động tác, các bài văn tế và các lễ vật để cúng

28

tiến. Lễ vật thường là những sản phẩm của địa phương như xôi, oản, hoa quả hoặc sản phẩm độc đáo liên quan đến nhân vật được thờ. Nghi lễ gồm tổng thể những hoạt động văn hóa mang tính thiêng liêng, được hình thành từ phong tục tập quán của dân tộc, vùng miền, quan niệm của tôn giáo, tín ngưỡng đồng thời cũng còn chịu ảnh hưởng bởi tính thời đại. Phần nghi lễ thường mang tính giáo dục và tưởng niệm sâu sắc, là phần không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội truyền thống nào.

Dù là lễ hội lớn hay nhỏ cũng phải có phần nghi lễ với những nghi thức quy định rất chặt chẽ, nghiêm túc và thể hiện một cách rất công phu, đầy niềm tin sâu sắc, diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định.

Phần lễ có rất nhiều loại hình khác nhau tùy vào nội dung lễ hội thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng, kỷ niệm sự kiện lịch sử hay tưởng niệm danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc v.v… Những người tham gia phần lễ phải là người có uy tín, vai vế, vị trí nhất định. Thực hiện các nghi thức tế lễ có chủ tế thường là bậc cao niên (già làng, trưởng bản…) có uy danh, tài đức; có người xướng lễ (dẫn nội dung); đội hành lễ gồm các nam thanh, nữ tú được tuyển lựa và một vài người phụ lễ. Tất cả những người tham gia nghi lễ đều mặc lễ phục với kiểu dáng, màu sắc, hoạ tiết hoa văn khác nhau. Yếu tố nghi lễ trong lễ hội là rất quan trọng, nó tạo nên giá trị tâm linh thiêng liêng, tính thẩm mỹ, hình thành một tâm thức chung cho cộng đồng tham dự lễ hội, tạo nên môi trường mà ở đó con người có được sự cảm thông với nhau, tạo ra sinh khí mới.

Theo Từ điển Tiếng Việt “Hội là cuộc vui chung cho đông đảo người tham dự theo phong tục hoặc dịp đặc biệt” [39, tr 12]. Hội thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm một sự kiện trọng đại nào đó liên quan đến nhiều người. Hội mang tính cộng đồng, gồm các trò diễn, các cuộc thi tài, các trò chơi, các

29

loại hình văn hoá văn nghệ mang tính giải trí. Hội trong lễ hội là phần vui nhất, thu hút đông người, không có sự tuyển chọn khắt khe như phần lễ. Tham dự hội gồm tất cả mọi người già trẻ, gái trai, người địa phương và có cả du khách thập phương, không phân biệt địa vị xã hội. Mọi người tham dự hội được thoả sức hoà mình vào không khí sôi động, náo nhiệt, vì thế mà từ lâu trong cộng đồng đã truyền miệng câu nói “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Các hoạt động của hội thường được diễn ra ngay sau hoặc đồng thời với tế lễ và thường chuyển tải ý nghĩa linh thiêng của phần lễ vào đời sống cộng đồng. Lễ là cái gắn với đạo còn hội là cái gắn với đời. Trong khi phần lễ diễn ra trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính của con người đối với thần linh, tưởng nhớ công đức của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, thì phần hội lại cực kỳ sôi động, với nhiều sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật của cộng đồng. Nội dung của phần hội cũng thường được thêm, bớt, thay đổi tuỳ theo cấu trúc của lễ hội và điều kiện cụ thể của nơi tổ chức, song các hoạt động trong phần hội thường là những sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, tín ngưỡng của cộng đồng xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu thường chia lễ hội thành hai phần: phần lễ và phần hội. Song sự phân chia đó chỉ là tương đối. Trên thực tế giữa Lễ và Hội luôn hoà quyện, đan xen với nhau. “Hội” là từ chỉ thành phần ngoài Lễ (hay hội có thể coi là hình thức của lễ) ở các dịp kỷ niệm mang tính cộng đồng từ quy mô làng, bản trở lên. Trong các trò diễn dân gian vốn là các trò diễn nghi lễ hoặc mang tính nghi lễ và ngược lại nhiều khi trong Lễ lại bao hàm cả tính chất Hội. Nếu chỉ có Hội mà không có Lễ thì mất vẻ cung kính, trang nghiêm, ngược lại chỉ có Lễ mà không có Hội thì không còn vui nữa. Chính vì vậy, từ xa xưa nhân dân đã sáng tạo ra “lễ hội” như cuộc sống thứ hai của mình, đó là cuộc sống với hội hè, đình đám sống động màu sắc dân gian - phần cuộc sống hướng con người tới những ước mơ, khát vọng, hướng tới chân, thiện, mỹ.

30

Lễ hội là phương thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng gồm các hoạt động nghi lễ và và các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống

tinh thần của các cộng đồng dân cư. Hiện nay, nhiều loại hình sinh hoạt cộng

đồng mới xuất hiện và cũng được gọi là lễ hội như: lễ hội hoa anh đào; lễ hội trái cây; lễ hội pháo hoa… Mặc dù được gọi là “lễ hội” song thực chất nó chỉ là những sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí của cộng đồng tức chỉ có phần “hội”, chứ không có hoặc ít có các hoạt động nghi lễ tức phần “lễ”. Do đó, nó không mang đầy đủ nghĩa “lễ hội” như đã phân tích trên đây.

Lễ hội đã và đang diễn ra vô cùng phong phú và đa dạng, việc phân loại lễ hội đã được tiến hành bằng nhiều phương pháp trên nhiều phương diện khác nhau. Hai phương diện thường được đề cập nhiều nhất trong việc phân loại lễ hội là về mặt khoa học và về mặt quản lý Nhà nước.

- Về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số cách phân loại lễ hội sau:

+ Phân loại theo không gian lãnh thổ, quy mô, mức độ và phạm vi ảnh hưởng, chi phối tác động của từng lễ hội, gồm có: lễ hội mang tính quốc tế, quốc gia, vùng miền hoặc lễ hội làng.

+ Phân loại theo thời gian, mùa vụ sản xuất (mang tính nông nghiệp) gồm có lễ hội: Xuân, Hạ, Thu, Đông (chủ yếu là mùa Xuân và mùa Thu).

+ Phân loại lễ hội theo tôn giáo gồm có: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hoà hảo v.v… Các lễ hội này không giới hạn về không gian mà chỉ giới hạn về thời gian tổ chức.

+ Phân loại theo tín ngưỡng, gồm có: lễ hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội của tín ngưỡng thờ thần làng - Thành hoàng làng, lễ hội của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu…

+ Phân loại theo tính chất của lễ hội, gồm có: lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội du lịch, lễ hội văn hoá - thể thao.

31

+ Phân loại lễ hội theo loại hình thiết chế tín ngưỡng - tôn giáo gồm có lễ hội: ở chùa, ở đình, ở đền, ở nhà thờ…

- Về mặt quản lý Nhà nước, theo Quy chế lễ hội của Bộ văn hoá thông tin ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2001, đã quy định, nội dung phân loại lễ hội gồm:

+ Lễ hội dân gian

+ Lễ hội lịch sử cách mạng + Lễ hội tôn giáo

+ Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện nay, với sự gia tăng về số lượng và sự đa dạng về loại hình lễ hội đang rất cần có những căn cứ cụ thể hơn nữa để làm tốt việc phân loại và tổ chức, quản lý lễ hội.

Một phần của tài liệu Giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội ở tỉnh nam định và việc phát huy các giá trị ấy trong giai đoạn hiện nay (Trang 27 - 31)