Đôi nét về vấn đề thưởng thức tiếp nhận theo hướng Thi pháp

Một phần của tài liệu không gian nghệ thuật trong tây du ký (Trang 74 - 86)

5. Kết cấu luận văn

3.2. Đôi nét về vấn đề thưởng thức tiếp nhận theo hướng Thi pháp

Trước hết, vấn đề thưởng thức, tiếp nhận văn học là một lĩnh vực lớn của lý luận văn học. Có thể nói rằng, chính cuộc sống lịch sử lâu dài của tác phẩm văn học sẽ dần dần làm cho người đọc nhận ra tính phong phú của nó trên rất nhiều bình diện. Nhiều ý kiến cho rằng "Một tác phẩm đã hoàn thành chưa nhất thiết đã hoàn tất" là điều rất có lý. Như ta biết, sau khi tác phẩm văn học đã hoàn thành, được in ấn, phát hành thì nó đã cắt đứt mọi liên hệ về tâm lý, sinh lý đối với người sản sinh ra nó. Từ đây, nó bắt đầu sống một cuộc sống riêng, trở thành một "Tài sản văn hóa" chung của toàn xã hội. Hành trình này của tác phẩm văn học thật khó có thể tổng kết được. Một điều thường xảy ra trong quá trình tiếp nhận tác phẩm ở độc giả qua các thời gian và không gian khác nhau là có nhiều cách tiếp nhận, cách hiểu có thể ngoài những dự tưởng của tác giả đã sáng tác ra tác phẩm và người đọc, những nghiên cứu về tiếp nhận văn học như một bình diện mới của lý luận văn học trong lịch sử xưa nay đã cho thấy rất rõ điều này. Trong bài "Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc ở Việt Nam", Phan Ngọc có nói về việc tiếp nhận khác nhau đối với tác phẩm "Tam Quốc Chí diễn nghĩa" của La Quán Trung như sau: "Bản dịch từ Thái Lan được xem là mẫu mực của phong cách văn học và góp phần quan trọng vào văn học Thái Lan. Người Thái Lan xem đó là quyển sách dạy về các mưu mô chính trị, quân sự. Chỉ riêng trong giai đoạn 1935 - 1940 đã có 25 vạn bản dịch chỉ riêng về trận Xích Bích. Người Mãn Châu dịch nó từ năm 1631 và xem nó là công cụ huân luyện con người chống lại quân Minh, mở mang bờ cõi chiếm Trung Hoa. Nước Triều Tiên trái lại, nhìn nó như một vũ khí tinh thần chống lại nhà Thanh "Văn học của sự chiến thắng của tinh thần diễn ra trong tấn kịch to lớn của vận mệnh lịch sử. Người Nhật thay nó là tiểu thuyết mở

đầu cho sự tiếp thu tiểu thuyết Trung Quốc. Người Mã Lai tìm ở đấy những bài học để làm bầy tôi nhà vua"[38/54] ở Việt Nam, việc thưởng thức, tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du qua nhiều thời đại cũng là trường hợp cho thấy thực tế này. Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương viết: "Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du là một trường hợp tiêu biểu về cách tiếp nhận khác nhau. Dưới thời phong kiến, các nhà nho trung thành' với tư tưởng Khổng Mạnh đã xem tác phẩm này như là minh chứng cho sự chiến thắng của Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Sang thế kỷ XX, khi Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều (Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn), bên cạnh thái độ trân trọng đối với di sản văn học dân tộc, không thể phủ nhận một ý đồ chính trị nằm trong chính sách văn hóa của thực dân pháp. Rồi Đoạn Trường Tân Thanh lại được các nhà văn lãng mạn tập trung khai thác ở nội dung giải phóng cá tính và khát vọng về hạnh phúc cá nhân. Khi quan điểm Mác-xít trở thành quan điểm chính thống trong nghiên cứu văn học, Đoạn Trường Tân Thanh được chú ý ở giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, ở tiếng nói phản kháng trật tự phong kiến và bênh vực những số phận bi kịch, những con người bị bách hại và ngược đãi. Trong khi đó, ở miền Nam trước 1975, tác phẩm này hoặc vẫn được đánh giá dưới quan điểm đạo đức phong kiến, hoặc được tô đậm ở triết lý định mệnh qua thuyết tài mệnh tương đố, hoặc được vận dụng để chứng minh cho sức sống của tư tưởng hiện sinh"[15/137].

Với hai ý kiến về hai tác phẩm cổ điển lớn của hai nền văn học trên đây, quả vấn đề thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm văn học là không đơn giản. Do mục đích của luận văn, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề này. Ở đây, chỉ xin nói đôi nét về việc thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm Tây Du Ký theo hướng Thi pháp như đã tìm hiểu.

Ta biết giới nghiên cứu Việt Nam đã nghiên cứu nhiều về văn học cổ điển Trung Quốc, trong đó, có tiểu thuyết Tây Du Ký. Các thành tựu nghiên cứu ấy, nhìn chung đã xem xét toàn bộ các phương diện khác nhau của một chỉnh thể tác phẩm cụ thể. Như thế, hình thức nghệ thuật của mỗi tác phẩm cũng đã đều được tìm hiểu, phân tích. Trước khi Thipháp học được vận dụng để nghiên cứu các tác phẩm văn học thì các phương pháp nghiên cứu đã từng có trong truyền thống vẫn tiếp cận và chiếm lĩnh được các giá trị tư tưởng - nghệ thuật của từng tác phẩm. Nhưng, như luận văn đã có dịp nói, tiếp cận tác phẩm bằng thủ pháp học rõ ràng đã mang lại thêm một cách hiểu mới cho tác phẩm. Cách tiếp cận này, bằng việc giải thích, phân tích cụ thể các cách tổ chức những yếu tố thuộc hình thức của tác giả, đã đi đến sự khẳng định thêm về mối quan hệ của chúng với nội dung tác phẩm, về cái lý mang tính chủ định của nhà

văn khi xây dựng tác phẩm của mình. Do vậy, nghiên cứu tác phẩm văn học bằng con đường Thi pháp là một hướng khả thi để hiểu đầy đặn hơn về tác phẩm.

Đặt vấn đề nghiên cứu không gian nghệ thuật trong Tây Du Ký, chúng tôi cũng nghĩ đến hiện tượng say mê Tây Du Ký đã có từ lâu đời trong nhân dân ta. Sự say mê này cũng không phân biệt già trẻ. Như thế thì việc nghiên cứu không gian nghệ thuật ở đây phỏng có đem lại điều gì mới, khác hơn cho tác phẩm không?

Thực ra, tác phẩm Tây Du Ký đã được tìm hiểu, thưởng thức và nghiên cứu từ lâu. Kinh nghiệm thưởng thức và nghiên cứu cho thấy rằng mỗi lần tiếp xúc với tác phẩm là mỗi lần thêm được những cảm nhận mới, những nhận thức mới. Đối với loại tác phẩm kiệt tác, điều này càng dễ được đồng tình. Trong việc thưởng thức, nghiên cứu có vấn đề quan niệm tiếp cận, phương pháp tiếp cận. Dễ thấy rằng tiếp cận các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm bằng những hướng khác nhau sẽ đem lại những kết quả không giống nhau. Nghiên cứu tác phẩm văn học bằng quan niệm thi pháp học cũng vậy. Theo con đường tìm hiểu cái lý của hình thức, những hình thức mang tính nội dung, Thi pháp học hoàn toàn có khả năng đem lại những hiểu biết mới về giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm. Nó không những không phương hại gì đến nội dung tác phẩm, mà còn góp phần phát hiện các giá trị, ý nghĩa được hàm ẩn trong các hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Và như toàn bộ nội đung của luận văn đã trình bày, rõ ràng không gian trong tác phẩm đã mang một ý nghĩa nghệ thuật rõ rệt. Như thế, nghiên cứu không gian nghệ thuật Tây Du Ký chỉ làm rạng rỡ thêm cho các giá tri tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm. Sự say mê Tây Du Ký từ bao đời nay chắc chắn phải có sự say mê tính chất thần kỳ, kỳ diệu của tài phép biến hóa khôn lường của nhân vật, phải có sự kỳ thú đối với cuộc đời đi mây về gió đầy ảo hóa của Tôn Ngộ Không... về điều quan trọng này, cần nhắc một chút đến tác phẩm. Ở hồi thứ hai, sau khi được Tổ sư trao truyền cho bảy mươi hai phép địa sát biến hóa và Tôn Ngộ Không đã tu luyện thuộc lòng cả thì Tôn Ngộ Không xin Tổ sư truyền dạy cho phép rẽ mây, tức là phép cân đẩu vân. "Tổ sư truyền khẩu quyết và nói: Đám mây này khi bám quyết, niệm châm ngôn rồi thì chắp sát hai cánh tay lại, cất mình nhảy ngay lên, mỗi một cân đẩu vân đi được đến mười vạn tám nghìn dặm đường" (TP.I.tr.57).

Cùng với sự thông thạo bảy mươi hai phép biến hóa, phép cân đẩu vân này cũng đã được Tôn Ngộ Không tu luyện thành thục. Chính những tài phép này là điều kiện cực kỳ quan trọng cho hành trang vào đời thực hiện các hoài bão của Tôn Ngộ Không. Cũng chính nó đã góp phần căn bản làm nới rộng các không gian hoạt động và tồn tại của nhân vật. Và như thế, sự say mê, kỳ thú xưa nay đối với Tây Du Ký như vừa nói là gắn liền với các không gian trong

tác phẩm. Cho nên, có thể nói, nghiên cứu không gian nghệ thuật Tây Du Ký rõ ràng đã góp thêm vào quá trình thưởng thức, nhận thức của người đọc về cái hay, cái đẹp của tác phẩm, chỉ ra cái hay, cái đẹp của hình tượng nhân vật do quan hệ một cách tương ứng, hòa điệu của nó đối với các không gian cụ thể.

KẾT LUẬN

Từ toàn bộ những điều được trình bày trên đây, có thể chưa toàn diện, nhưng đã khái quát và phân tích được một số vấn đề không gian nghệ thuật trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Xem không gian trong tác phẩm là một hình thức nghệ thuật mang ý nghĩa và luôn gắn bó với nội dung, luận văn đã nhìn nhận tổng quan về hai không gian lớn : không gian Trần thế và không gian Thần kỳ. Trong không gian Trần thế, có các không gian như không gian núi Hoa quả - đá liên, không gian mặt đất với những con đường, đỉnh núi, hang động, dòng sông, bến bãi. Trong không gian Thần kỳ, cũng có những không gian cụ thể như không gian Long cung, Âm ty, không gian Thiên cung, không gian Tây thiên cực lạc. Tuy khác nhau về tầm vóc, về quá trình xuất hiện trong tác phẩm, nhưng tất cả chúng đã thực sự trở thành không gian nghệ thuật trong tác phẩm Tây Du Ký. Xác định như thế, vì qua phân tích các không gian cụ thể ấy trong quan hệ với tính cách các nhân vật, với các hình tượng văn học, chúng ta nhận ra rằng nó luôn có quan hệ lẫn nhau. Quan hệ này, trước hết, không gian là điểm tựa, nơi chốn cho quá trình vận động của nhân vật và từ đó, nảy ra tính chất tương xứng tương hợp giữa không gian, với các tính cách nhân vật. Chính sự tương hợp, hòa điệu, gắn bó giữa không gian nghệ thuật với vận động của hình tượng nhân vật đã làm nên ý nghĩa, vai trò của hình thức nghệ thuật đối với nội dung tư tưởng của tác phẩm. Nhận ra được quan hệ và ý nghĩa của quan hệ này như đã nói ở các phần trên, chúng ta vừa xác định vấn đề không gian nói riêng, các hình thức nghệ thuật khác nói chung, không hề là hình vỏ ngẫu nhiên, vừa khẳng định thêm tư duy nghệ thuật của nhà văn trong quá trình sáng tạo đã thực sự được chuẩn bị chu đáo. Về điểm này - sức tổ chức hình thức nghệ thuật - nói theo một cách khác - các giáo sư Lương Duy Thứ, Trần Xuân Đề, nhất là các tác giả nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng từng bàn đến khá kỹ.

Khi nói các hình thức nghệ thuật, trong đó có phạm trù không gian, không thể là hiện tượng ngẫu nhiên thì sự chủ định xây dựng đối với nó trong trường hợp Tây Du Ký chính là không gian mang ý nghĩa đối với quan hệ nhân vật. Có thể nói, không có một nhân vật nào trong Tây Du Ký lại không có một không gian tồn tại cho mình. Tuy nhiên, lại không phải cặp

không gian - nhân vật nào cũng có thể đem lại cho ta những nghĩa ly thú vị. Từ các phần viết của luận văn, cơ bản chúng ta vẫn thấy riêng nhân vật Tôn Ngộ Không là trường hợp đầy đủ và trọn vẹn nhất về mặt ý nghĩa được rút ra từ mối quan hệ này. Điều này không có gì lạ, vì như đã nói, trọng điểm về nhân vật trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đã thay đổi, chúng không giống như trong truyền thuyết, thoại bản trước đó.

Không gian nghệ thuật trong quan hệ với Tôn Ngộ Không được luận văn chủ yếu trình bày theo hai hành trình vận động lớn của nhân vật là những "truyện ký về người anh hùng" và suốt quá trình "xây dựng sự nghiệp" cuộc đời của chính nhân vật. Ở thời kỳ tạo ra những câu chuyện anh hùng, các không gian Long cung - Âm ty, Thiên cung, Thiên trúc đã trở thành nơi chốn rất có ý nghĩa cho việc thể hiện một con người đầy can trường, dũng cảm, luôn luôn bất khuất trong chiến đấu và chiến đấu đã thắng lợi. Sở dĩ chúng ta khẳng định ý nghĩa tương hợp, hòa điệu giữa hành động của nhân vật với không gian nghệ thuật, vì nhân vật phi thường này với những đòi hỏi lớn lao, với những trận kịch chiến kinh thiên động địa... thì không thể diễn ra dưới mặt đất trần gian. Mặt khác những đòi hỏi lớn lao, cần thiết ấy chỉ có ở cõi thần kỳ, siêu nhiên do các lượng tối cao quyền uy đang nắm giữ. Chỉ có thể đại náo, đánh vào không gian cao vời, thâm nghiêm ấy một cách tung hoành ngang dọc... mới làm cho các lực lượng tưởng là bất biến kia phải khiếp sợ, nhượng bộ rồi mới đi đến sự thỏa mãn cho các yêu cầu của mình - đó là quyết tâm lòng dũng cảm của Tôn Ngộ Không. Như thế, ta dễ hiểu vì sao, con người chống trời mang chiến kích vũ trụ Tôn Ngộ Không khó lòng tương xứng với các hoàn cảnh, không gian nhỏ bé, tầm thường. Còn ở quá trình lập sự nghiệp về sau của Tôn Ngộ Không thì hoàn cảnh, không gian, tuy trước hết là nơi vận động của tính cách nhân vật, nhưng cái chủ yếu vẫn là nơi tập trung thể hiện mưu trí, công đức, các biện pháp chiến đấu của người anh hùng. Do vậy, dù không gian vẫn tương hợp, hòa điệu với con người, nhưng nghiêng theo hướng tính cách đã tác động lại hoàn cảnh, điều tiết hoàn cảnh, môi trường, không gian trở lại tạo sự thuận lợi cho con người. Cũng như ở những không gian thần kỳ thời truyện ký anh hùng, ở không gian trần thế này, Tôn Ngộ Không đã chiến đâu và chiến thắng bằng chính những tài năng sở trường từng tu luyện của mình. Chiến đấu bằng những vũ khí, phương tiện kỳ diệu như ba lợi công đặc biệt, tám mươi tư nghìn cái lông, bảy mươi hai phép thần thông, phép cân đẩu vân..., cuộc đời của Tôn Ngộ Không dù không phải không có chỗ "ngậm ngùi" nhưng mãi mãi đọng lại trong lòng người đọc bao thế hệ một sự say mê, đầy cuốn hút. Trong tính cụ thể của các cuộc chiến đâu ở những không gian nhất định, không phải gặp đối tượng nào Tôn cũng chiến thắng. Những trường hợp như thế, thì từ mưu trí và phương thức nảy sinh,

Tôn lại viện cầu các lực lượng có quyền phép hơn, mà tiêu biểu là Quan Âm Bồ Tát và Phật Tổ Như Lai. Qua đây, ta nhận ra sự quan hệ thông nối này dù có diễn ra với tần số bao nhiêu và nội dung xử lý thế nào thì cũng chủ yếu được thực hiện từ Tôn Ngộ Không và cầu tìm các lực lượng quyền uy khi mất phương hướng giải quyết các sự cố, nhưng người anh hùng "lỡ vận" này vẫn không thay đổi quan điểm đánh giá về các lực lượng ấy. Điều này nói lên sự nhất quán trong bản lĩnh và tính cách của nhân vật Tôn Ngộ Không.

Cùng với Tôn Ngộ Không, Đường Tăng và Trư Bát Giới cũng là những nhân vật được Ngô Thừa Ân quan tâm xây dựng. Xét các nhân vật này trong quan hệ với không gian nghệ thuật, tuy không thể sánh được với Tôn Ngộ Không, nhưng cũng cần nhắc lại đôi điều cần thiết .Qua tìm hiểu, chúng ta thấy nhân vật thủ lĩnh của đoàn thỉnh kinh này là một nhân vật nhu nhược, yếu đuối, vô tài, quan liêu với người dưới, không biết nghe điêu phải, khuất kẻ trên và luôn luôn mất phương hướng khi gặp tai nạn, yêu quái trên đường đi Tây Thiên. Cũng

Một phần của tài liệu không gian nghệ thuật trong tây du ký (Trang 74 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)