5. Kết cấu luận văn
2.2.2. Không gian thượng giới
Do kinh động Long Cung & Âm Phủ, Tôn Ngộ Không đã bị cẩn tấu lên Ngọc Hoàng. Lần này, không gian của tồn tại nhân vật là một biến thiên đột ngột với khá nhiều tình tiết ly kỳ, góp phần làm sáng rỡ thêm hình tượng nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Với không gian Long Cung - Âm Phủ đã là dưới lòng đất, lòng biển, bây giờ lại vút cao lên tận thiên đình, tức tận hai đầu của không gian chiều cao, nhân vật đều vận hành đi tới. Đây cũng là một nét "thay đổi các trục tọa độ" của hình tượng văn hóa trong thể loại tiểu thuyết như Bakhtin từng nói. Chính sự thay đổi các trục tọa độ trong không gian và thời gian trong thể loại tiểu thuyết nói riêng, các thể loại văn học khác nói chung là một nét khu biệt giữa sáng tác văn học với các nghệ thuật khác. Lessing có lý khi cho rằng các sự vật tồn tại kề nhau trong không gian chủ- yếu được miêu tả trong hội họa và điêu khắc[18/l 15-116]. Trong văn học, sự miêu tả các sự vật bất động không chiếm vị trí thứ nhất, mà những sự vật, hiện tượng vận động, sống động mới là đối tượng nhà văn quan tâm. Có thể nói, "vận dụng từ ngữ để chỉ ra các sự vật, nhà văn có khả năng chuyển dịch từ các bức tranh này sang bức tranh khác một cách nhanh chóng lạ thường, dễ dàng đưa người đọc vào những miền khác nhau"[18/115-116]. Sự chuyển dịch nhanh chóng về không gian, về các miền khác nhau này, các hồi đã nói qua của Tây Du Ký, chúng ta đều thấy. Nhưng từ đây, nó càng phong phú và kỳ thú hơn.
Vì các lời cẩn tấu, nên Tôn Ngộ Không phải lên Thiên Đình. Cùng đi với Thái Bạch Kim Tinh, nhưng Ngộ Không đã bỏ xa Kim Tinh trong không trung vời vợi, vì có phép cân đẩu vân kỳ diệu. Khi đã kịp đến cổng trời, Kim Tinh đã hết sức làm lành với Ngộ Không, Ngộ Không mới thuận tình lần lượt vào thiên đình.
Đấy là một không gian được bố trí ngăn nắp với nhiều điện đền ban bệ, tư cửa Nam Thiên đến Linh tiêu bảo điện, rồi đến Chánh điện, tác phẩm cho thấy đấy là không gian của ngọc ngà châu báu, sang trọng và thâm nghiêm. Tất cả nhân sự nơi đây đều cư xử, sinh hoạt có
nề nếp đúng đạo, lễ bái tôn vinh... Ấy vậy mà, chỉ riêng Tôn Ngộ Không, ngay từ khi vừa bước thẳng vào trước ngự tọa, đã không lễ bái gì cả! Chỉ một biểu hiện này diễn ra chính ở nơi trang nghiêm đã làm cho thế giới thiên đình trở nên không đáng phải kính trọng. Tuy nhiên, nét biểu hiện của phong thái trên chưa thật rõ về tính cách nhân vật, so với chính ngôn ngữ nhân vật trong đối thoại. Sau đây là đoạn đối thoại gián cách giữa Ngộ Không với Ngọc Hoàng thượng đế.
"Thượng đế vẫn rũ rèm, hỏi ra: - Đứa nào là yếu tiên?
Ngộ Không chỉ cúi mình trả lời: -Lão Tôn đây!
(Các tiên chầu ở đấy đều sợ hãi thất sắc, nói: - Loài khỉ kia, sao không phục lạy yết kiến, lại dám ứng đối vô lễ "Lão Tôn đây", tội đáng chết, đáng chết!).
Thượng đế truyền chỉ:
- Tôn Ngộ Không là yêu tiên ở hạ giới, mới được thành người, chưa biết lễ nghĩa, hãy tha tội cho.
- Các tiên giục: - Tạ ơn đi!
Ngộ không chỉ trông lên, xướng lên một tiếng thật to: -Vâng!" (TP.I.130)
Đoạn đối thoại này, xem ra, Ngọc Hoàng còn "bao dung" đối với Tôn Ngộ Không. Nhưng chính trong cách trả lời của Ngộ Không là không hề biết mảy may sự kính trọng Ngọc Hoàng. Đấy là một nét tính cách bất khuất, nên việc Ngọc Hoàng bảo tha tội cho Tôn Ngộ Không là bằng thừa. Cũng trong đoạn đối thoại trên, chúng ta thấy bọn tiên chầu "sợ hãi thất sắc" trước cách nói năng của Ngộ Không, cũng là biểu hiện tôn thêm cái "bất khả kính" của Ngộ Không đối với Ngọc Hoàng và thế giới thiên đình. Và như vậy, một lần nữa, không gian thượng giới có vua của các vị thần ở đây không là gì đối với Tôn Ngộ Không. Nếu hình tượng nhân vật trong văn học bao giờ cũng ký gởi một quan niệm về nhân sinh của nhà văn thì sự coi thường của Ngộ Không đối với Ngọc Hoàng cùng thế giới của y quả là điều có thể gợi thức cho bạn đọc liên tưởng về ý nghĩa xã hội có thể của nó. Theo hướng này, GS. Trần Xuân Đề có lý khi cho rằng: "Có thể xem thái độ ngạo mạn của Tôn Ngộ Không đối với Ngọc Hoàng
Thượng Đế là thể hiện thái độ miệt thị của nhân dân lao động đối với chế độ đẳng cấp và bọn quyền quý, thể hiện nguyện vọng yêu cầu bình đẳng của nhân dân"[13/102].
Lại nói tiếp về việc thuận nghe của Ngộ Không, vậy là Ngộ Không nhận chức "Bật mã ôn" tại Thiên đình, nhưng không bao lâu, sau khi biết thực chất hàm chứa và phận sự không ra gì của mình, Ngộ Không "không thèm làm nữa", rồi "đạp đổ công án, lấy bảo bối trong túi ra múa tít, vừa đi, vừa đánh, ra khỏi ngự mã giám"... (TP.I.132) rồi trở về Hoa quả sơn. Đang ngự trị tại không gian của mình với tên "Tề Thiên Đại Thánh", Tôn Ngộ Không phải đánh tan Cự Linh thần, rồi Thái tử Na Tra tài giỏi do cách thu phục của Ngọc Hoàng. Từ đây, đòi hỏi chức hàm Tề Thiên Đại Thánh của Ngộ Không đã được Ngọc Hoàng chìu ý. Đọc tác phẩm, ta thấy việc thuận ý của Ngọc Hoàng là đã y lời mưu kế của Thái Bạch Kim Tinh và chính Thái Bạch Kim Tinh thân chinh xuống Hạ giới gặp Ngộ Không. Lời lẽ của Kim Tinh lần này ôn tồn hòa hoãn. Nhưng đọc kỹ, ta thấy đấy chính là sự nhượng bộ tuần tự của Ngọc Hoàng. Đây là một thắng lợi của Ngộ Không. Đây cũng là thắng lợi của một tính cách bất khuất, một khát vọng muốn bình đẳng với các thế lực bề trên. Không lo ngại sự kinh động đột ngột và liên tục trên thế thắng của Ngộ Không, chắc chắn Ngọc Hoàng không nhượng bộ như thế. Ở đoạn cuối hồi bốn, tác phẩm còn cho thấy Ngọc Hoàng sai làm ngay tòa phủ Tề Thiên Đại Thánh ở bên phải vườn đào cho Ngộ Không ngự trị với đầy đủ tiên giúp việc và cả rượu, cả hoa. Dù về sau, Tôn Ngộ Không nhận ra cái "hữu danh vô thực" của chức Tề Thiên Đại Thánh, nhưng chính tòa phủ này là một không gian tự tại của Tôn Ngộ Không. Chỉ một thân một mình mà chống cả thượng giới, không thừa nhận vị chúa tể của các thần, rồi lại có được một không gian tự do tự tại chính nơi thiên đình... rõ ràng là một chiến thắng, một niềm vui của Ngộ Không. Điều này, người tường thuật câu chuyện cũng kể: "Ngộ Không ở lại thiên cung lấy làm vui thích, không nghĩ ngợi, nghi ngại gì, vì tiên danh đã được chứa vào sổ trường sinh, không bị đọa vào vòng sinh tử luân hồi nữa". (TP.I.147)
Trở lại chuyện tự thức nhận cái "hữu danh vô thực" của Tôn Ngộ Không. Quả là ở Tòa phủ của mình, Tôn Ngộ Không không rõ quan hàm to nhỏ, cũng không biết so sánh bổng lộc thấp cao, chỉ có danh hiệu mà thôi. Vì chỉ biết ăn ngày ba bữa, đêm ngủ một giường, tự do tự tại, chẳng có việc gì" (TP.I.147), nên Tôn Ngộ Không mới tự mình ngao du xa gần, kết bạn muôn nơi, đi mây về gió. Cuộc sống như thế của Tôn Ngộ Không cũng không được bao lâu và khi Ngọc Hoàng nghe lời nghi kỵ xúc Xiểm của Hứa Tịnh Dương thì Ngộ Không lại chuyển sang công việc trông coi vườn đào. Lại một không gian tự do khác, rộng rãi hơn và cũng tự do hơn. Tại đây, bằng thần thông biến hóa của mình, Ngộ Không cũng có những tháng ngày tự
tại. Khi biết Vương Mẫu sắp tổ chức "Đại hội Bàn đào"' tại Dao Trì, Ngộ Không đã đến ngay. Lừa Xích Cước, Tôn vào thẳng nơi Đại hội Bàn đào sắp thực hiện. Chưa kịp hỏi rằng tại sao mình không được mời dự tiệc, Ngộ Không đã chén sạch đào ngon, rượu quý, sau khi dùng phép cho tất cả chư vị đang có mặt ngủ say trong mệt mỏi. Vì hơi men, Ngộ Không lại ngẫu nhiên đến cung Thái Thượng Lão quân, nơi luyện đan trường sinh. Phải một dịp tốt, Ngộ Không chén luôn năm hồ lô thuốc kim đan, rồi tăng thân, trốn ra cửa tây, một mạch trở về núi Hoa quả.
Vậy là sau một trăm mười năm ở thiên đình, Tôn Ngộ Không mới trở về với không gian địa giới cùng yêu vương bảy mươi hai động của mình.
Hai đầu không gian thiên đình - mặt đất ấy, như đã thấy, Ngộ Không cũng chỉ đi - về bằng phép cân đẩu vân kỳ diệu của mình. Và, ngỡ là xa luôn cái không gian cao xa của chúa tể các vị thần đã không chút đáng trọng kia, nhưng rồi Ngộ Không đã trở lại. Đó là việc bay lên không gian thiên đình lấy rượu ngon quanh về núi Hoa quả chiêu đãi cùng yêu vương loài khỉ. Tác phẩm kể rằng toàn bộ những hành trang chẳng hề vị nể một ai của Ngộ Không về sau đều bị cẩn tấu đến Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng tức giận, bèn sai mười vạn Thiên kéo xuống núi Hoa quả hỏi tội Ngộ Không. Đoạn cuối của hồi thứ Năm này, ta chứng kiến những trận kịch chiến lừng lẫy như chưa từng thấy giữa quân thiên đình và quân yêu vương loài khỉ động Hoa quả. Kỳ thực đó là cuộc chiến đấu không cân sức giữa thần tướng thiên đình và tài phép của Ngộ Không. Cuộc chiến đấu này còn có nghĩa là cuộc chiến đấu giữa thiên đình và mặt đất, tức cũng là cuộc chiến đấu giữa những lực lượng bề trên và lực lượng cuộc đời thường trong ý nghĩa xã hội của nó.
Chiến thắng của Tôn Ngộ Không và tồn tại của Đại Thánh cùng giống nòi của mình vẫn chưa yên, vì các lực lượng của Thiên đình cũng không đơn giản bó tay như vậy. Thế là cuộc chiến đấu đã tiếp tục xảy ra: Cuộc chiến đấu giữa Ngộ Không với Nhị Lang - cháu gọi Ngọc Hoàng bằng cậu. Có lẽ cũng chưa có cuộc chiến đấu nào dai dẳng như cuộc chiến đấu này. Tài sức của Ngộ Không và Nhị Lang chân quân khó phân thắng bại, dù đánh nhau liên tiếp với rất nhiều trận long trời lỡ đất. Nếu tất cả những cuộc chiến đấu trước đây của Ngộ Không hầu như không có sự can thiệp sâu của chính bàn tay các nhân vật bề trên của lực lượng đối lập, thì lần này, phía đối phương đã được nhiều bàn tay bề trên trợ giúp trực tiếp. Đó là Quan Âm bồ tát và Lão Quân, nhất là cái vòng kim cô của Lão Quân. Chính cái vòng kim cương nghiệt ngã này đã rơi vào đầu Ngộ Không, làm cho vị vua của loài khỉ và tự do phải chấp nhận lâm thời sự chiến bại. Sự chiến bại này, như đã thấy, vẫn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với khát vọng tự
do, bình đẳng và tính cách bất khuất đã từng được hun đúc, Tôn Ngộ Không vẫn không từ bỏ lý tưởng của mình. Tác phẩm cho ta biết rằng, khi phải trở lại thiên đình để chịu tội, Ngộ Không đã tự thoát ra lò bát quái của Lão Quân rồi tiếp tục đại náo thiên cung hết sức lẫy lừng. Như là sự huy hoàng cuối cùng của một tính cách bất khuất, một khí phách ngang tàng, lần đại náo Thiên cung này, quả rằng Tôn Ngộ Không chẳng né tránh bất cứ một nhân vật to lớn uy quyền nào cả. Chính người có vòng kim cương ném vào đầu Ngộ Không và nung Ngộ Không trong lò Bát Quái là Lão Quân, cũng đã bị Ngộ Không đánh cho một đòn trí mạng. Người kể chuyện trong tác phẩm kể rằng Ngộ Không "không kể trên dưới, dùng gậy sắt đánh đông đánh tây, không một thần nào chống lại được. Đại thánh đánh luôn đến điện Thông Minh, điện Linh Tiên" (TP.I.185). Trước sự hùng hổ của gươm, dao, kích, giáo của bọn Lôi thần ở phủ Thiên lôi, "Đại thánh tức thì hóa ra ba đầu sáu tay, biến gậy như ý ra làm ba gậy, sáu tay bay múa giữa rừng vây vù vù quay tít như cái xa quay chỉ. Các lôi thần không dám đến gần" (TP.I.185). Trước sự tái xuất kinh động ghê gớm của Tề thiên đại thánh, Ngọc Hoàng thượng đế phải sai Du lịch linh quan và Dực thánh chân quân sang Tây phương cầu thỉnh Phật Tổ Như Lai. Cũng như chẳng hề sợ hãi đối với Ngọc Hoàng ở Thiên Đình, đoạn Ngộ Không đối thoại với Phật Tổ Như Lai, Ngộ Không cũng không hề chịu lép một bề. Nhưng rồi vì sơ hở, cuối cùng Ngộ Không đã phải đầu hàng với bàn tay của Như Lai, chấp nhận nằm dưới núi Ngũ Hành! "Từ đây, con người quái kiệt ấy đành chia tay với hành trình lên trời" vời vợi của mình! Tác phẩm cũng có một câu văn vần đẫm đầy tình cảm chia sẻ với người anh hùng hết vận: 'Tấm thân biết đến bao giờ cất lên?"(TP.I.191).
Như vậy, để chiến thắng được Tôn Ngộ Không, thế giới thiên đình đã phải sử dụng khá nhiều lực lượng. Nói gộp lại là ba lực lượng chính: Trời - Phật - Tiên thánh. Ba lực lượng này có chung một không gian tồn tại, đó là cõi cao xa, mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Cõi này tuy mệnh danh là thâm nghiêm thiêng liêng... nhưng thực ra vẫn ấp đầy những sự hưởng lạc không khác gì với cõi phàm tục trần gian. Tác phẩm còn cho biết rằng, chính Tôn Ngộ Không đã biết rất rõ việc con gái Thượng đế nhớ phàm trần xuống hạ giới lấy chồng là Dương quân đẻ được một con trai... (TP.I.175)... và như vậy, người ở cõi thiên đình còn liên hệ tục lụy với người trần gian. Cho nên, nếu nói những con người ở cõi ấy là hoàn toàn thoát tục, chỉ một mực tu hành để phù hộ độ trì cho nhân gian, chuyên tâm công bằng, độ lượng với thế giới trần thế thì không đủ độ tin cậy được không phải ngẫu nhiên mà đoạn đối thoại với Phật Tổ Như Lai, Tôn Ngộ Không nói rất rõ quan niệm của mình về việc bất di dịch của một ngôi vua là điều hết sức phi lý như sau: "Thượng đế tuy tu từ thuở nhỏ, nhưng không nên
chiếm chốn thiên đình. Người thường nói "Làm vua phải luân chuyển, sang năm đến nhà ta". Bây giờ chỉ bảo cho y ra đi đem thiên cung nhường lại cho tôi, thì tôi thôi. Bằng không nhường, tôi sẽ quây rối mãi, không bao giờ thanh bình được" (TP.I.188). Thực ra, theo "truyền thống phong kiến", "con vua thì phải làm vua", phải kế tục kế ngôi vị cho nhau trong một gia đình hoặc cùng dòng giống, chứ không thể chuyển ngôi cho nòi dòng khác. Nhưng ở đây, Tôn Ngộ Không lại quan niệm như đã nói - chính là một đổi mới trong quan niệm đối với vấn đề. Điều này đĩ nhiên là không tưởng trong xã hội phong kiến nhưng chính nó đã mang được ý nghĩa xã hội, nếu hình tượng văn học bao giờ cũng hướng tới những vấn đề của nhân sinh. Theo hướng này, nhân vật Lão Quân cùng các hành trạng của y vẫn gợi ra những liên tưởng về nhân sinh ở cái thời Ngô Thừa Ân từng sống và chứng kiến. Cũng không chỉ nhân vật Lão quân, mà vấn đề còn rộng hơn, đó là các đạo giáo, đạo sĩ nói chung với khá nhiều mưu mô pháp thuật, về vấn đề này, các nhà nghiên cứu trong Bộ Biên Tập Nhà xuất bản nhân dân Văn học Bắc Kinh (Trung Quốc) có nói: "Các đạo sĩ được nói đến trong "Tây Du Ký" cơ hồ toàn là nhân vật phản phái cả. Những đạo sĩ ấy thường thường dùng những thủ đoạn như cầu mưa, dùng gái đẹp để làm quốc sư, quốc trượng; mê hoặc quốc vương; mưu toan cướp ngôi vua. Rồi thì triều đình bị đen tối, trăm họ gặp tai ương. "Tây Du Ký công kích đạo giáo và đạo sĩ cũng không phải là do sự "sùng tăng diệt đạo", mà chính là muốn phê phán cái hiện thực xã