Không gian Long Cung – Âm Ty

Một phần của tài liệu không gian nghệ thuật trong tây du ký (Trang 43 - 47)

5. Kết cấu luận văn

2.2.1. Không gian Long Cung – Âm Ty

Với 72 phép thần thông, với 84 nghìn cái lông trên mình mà cái nào cũng biến hóa được theo ý mình, Tôn Ngộ Không đã thực sự chủ động trong tồn tại của bản thân và bảo an cho giống loài. Đánh tan ma vương ở động Thủy tạng, báo thù cho lũ khỉ những tháng ngày Tôn đi học đạo, Tôn lại tiếp tục lên đường tìm thêm vũ khí vô địch và thực hiện hoài bão trường sinh. Nơi chốn Tôn Ngộ Không tìm đến để thực hiện điều ấy là Long Cung - Âm Ty. Đó là một không gian mà người thường, mắt thường không thể nhìn thấy được. Có lẽ chỉ có con người đạt 72 phép địa sát biến hóa, đủ phép thần thông cân đẩu vân, "ẩn mình, tránh mình, cất mình lên, thu hình lại, lên trời cũng có đường, xuống đất cũng có lối, bước vào mặt trời mặt trăng không có bóng, đi vào vàng đá không vướng mắc, nước không thể làm chìm, lửa không thể cháy" (TP.I.l 10) thì mới có thể chiếm lĩnh được nơi chốn ấy. Và con người ấy, không ai khác, chính là Tôn Ngộ Không. Quả nhiên, Tôn Ngộ Không đã dùng phép, tay bắt quyết, miệng niệm thần chú, mở khóa rẽ nước, đi thẳng xuống đến đáy bể Đông rồi vào gặp Long Vương tại Long Cung.

Gặp Long Vương tại chính Long Cung, thoạt đầu Tôn Ngô Không còn chút ít mềm mỏng, nêu nhu cầu về binh khí của mình, càng về sau, Tôn tiến xa hơn nữa trong các yêu cầu khác. Tác phẩm cho thấy Long Vương từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác đối với Tôn Ngộ Không. Không những Long vương, mà còn có cả các huynh đệ của Long Vương ở Nam Hải, Bắc Hải, Tây Hải cũng đều nhượng bộ, dù rất căm giận trong lòng. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không đã lấy được "Gậy như ý bịt vàng, nặng một vạn ba nghìn năm trăm cân". Cây thiết

bổng vô địch này đã thu lại cho vừa ý của Tôn Ngộ Không đã trở thành điều kỳ diệu và kinh ngạc đối với thế giới Long Cung. Tất cả đều bắt đầu từ 72 phép thần thông biến hóa! Tác phẩm cũng có đoạn tường thuật Tôn Ngộ Không múa gậy thoáng qua làm kinh động Long Cung như sau: "Ngộ Không dùng phép thần thông, múa gậy chuyển về cung Thủy tinh, làm cho Long Vương run sợ và đám con rồng cháu rồng hồn bay phách tán, còn các loài thủy tộc rùa, giải ba ba, cá kình, ngao, tôm đều co cổ rụt đầu ẩn nấp" (TP.I.114). Vì trên đà thắng lợi, Ngộ Không lại tiếp tục những đòi hỏi khác. Đến đoạn cuối, Ngộ Không gần như thỏa mãn các nhu cầu. Đó là có thêm "mũ vàng đội, giáp vàng mặc, đi giày văn rất chỉnh tề" (TP.I.117) và như vậy, cùng với cây thiết bổng kỳ diệu kia, Tôn Ngộ Không hoàn thiện hóa về vũ trang một bước từ không gian Long cung.

Đọc Tây Du Ký đến đây (cũng như trọn bộ), chúng ta thấy có nhiều động, nhiều cõi, nhiều thành phần và ở mỗi nơi như vậy đều có vị chủ soái toàn quyển, toàn năng riêng. Ở Long Cung, Long Vương quả cũng là Đại vương cai quản đối với muôn loài trong địa hạt của mình. Vậy mà, như ta thấy, Long Vương liên tục nhường bước và thật sự đã run sợ trước tài sức quyền biến khôn lường của Ngộ Không!

Thế giới Long Cung ở đây, trước hết, vẫn là không gian, nơi chốn cho vận hành của nhân vật. Nhưng nếu mọi sự vận hành của nhân vật đều gắn liền với từng nơi chốn cụ thể thì ý nghĩa của nó đã khác. Bản thân việc Ngô Thừa Ân dựng không gian Long Cung đã là một sáng tạo, các nhân vật hoạt động trong trường không gian. Không gian này lại cho ta thấy thêm tính nghệ thuật của không gian.

Nếu không gian lớn đầu tiên của sự ra đời con khỉ đá là không gian vũ trụ, có tính chất tương thông với trời đất thì không gian long cung lại nhỏ hơn về chiều kích, có tính chất bộ phận. Không gian Hoa quả - Đá tiên được miêu tả chi tiết, nhiều sắc màu, còn không gian Long Cung chủ yếu được nhà văn tường thuật. Câu chuyện diễn ra của nhân vật ởđây không có các cuộc chiến đấu, mà là các đối thoại của hai tuyến nhân vật: tuyến riêng một mình Tôn Ngộ Không và tuyến của Long Vương cùng các quan hệ của hắn. Do phương cách đối thoại và tường thuật về đối thoại, nên quan hệ nhân vật ở đây vẫn sinh động. Có điều không gian Long Cung chỉ được tường thuật, mà không chú ý miêu tả, cho nên độ sáng của nhân vật ít tựa vào không gian. Dù vậy, không gian Long Cung vẫn là một không gian nghệ thuật, vì nó góp một "phần nền" có tính chất trừu tượng, bí ẩn cho sự vận động cũng rất bí ẩn mà vô địch của Tôn Ngộ Không. Trở về với không gian núi Hoa quả, động Thủy liêm cùng giống loài của mình, Tôn Ngộ Không thật sự huy hoàng trong chiến thắng. Ngộ Không biểu diễn sức thần tài

của cây thiết bổng, phong hàm tước cho một số con khỉ ưu tú, kết giao thêm một số bạn bè và mở yến tiệc linh đình. Say sưa trong chiến thắng, từ giấc ngủ có men rượu say, Ngộ Không mộng thấy được tung hoành ở một không gian hoàn toàn mới mẻ. Đó là không gian Âm ty, nơi của mười vua Diêm Vương ngự trị và quản lý sổ sinh tử của muôn loài.

Cũng bằng vào tài sức kỳ diệu của mình, Ngộ Không đến thẳng điện Sâm La, nơi ngự của Diêm Vương để tìm cách xóa tên tuổi của mình cùng giống loài trong sổ tử. Quá trình này cũng gần như quá trình đòi cho bằng được cây thiết bổng ở Long Cung, là đều không có một cuộc chiến đấu bằng "vũ lực" nào. Chỉ có lời lẽ đòi hỏi và đối thoại, nhưng khôn khéo và nhanh gọn hơn. Kết quả, Tôn Ngộ Không đã xóa được tên tuổi mình cùng giống loài và như vậy là đã được trường sinh. Cũng như ở không gian Long cung, ở không gian Âm phủ này, tác phẩm không tập trung miêu tả, mà chủ yếu kể chuyện và chuyện của nhân vật chính vẫn là đối tượng được người tường thuật hết sức tập trung. Tác phẩm có đoạn lý thú: "Ngộ Không cầm gậy như Ýlên thẳng điện Sâm-La, ngồi ngay gian giữa, quay mặt về nam. Mười vua sai phán quan lấy sổ ra tra. Phán quan vội vàng đến phòng giấy, lấy ra năm sáu quyển sổ và sổ biên tên mười loại chúng sinh, trình Hầu vương xem qua một lượt. Trong các loại khỏa trùng, mao trùng, vũ trùng, côn trung, lân giới trùng đều không thấy tên Tôn Ngộ Không đâu cả. Lại xem đến sổ loài khỉ, nguyên loài khỉ giống như người, nhưng không vào sổ tên người, giống như khỏa trùng mà không ở địa giới nước nào; giống như loài thú chạy song không thuộc kỳ lân cai quản; giống loài chim bay mà không thuộc Phượng hoàng cai quản. Ngộ Không lấy quyển sổ này tự kiểm duyệt lấy, đến mãi số hồn 1350 mới thấy chú tên họ Tôn Ngộ Không là khỉ đá trời sinh ra, thọ đến 342 tuổi là chết. Ngộ Không nói: Ta cũng không biết đã thọ được bao nhiêu năm rồi, bây giờ xóa tên này đi là xong! Đem bút giấy ra đây!',

(TP.I.122),

Thật là quyền uy và hoàn toàn chủ động ở thế bề trên! Kết quả là Tôn Ngộ Không đã xóa xong tên tuổi mình cùng giống loài trong sổ tử do Diêm Vương quản.

Đoạn văn tác phẩm trích trên đây không tập trung miêu tả không gian Sâm-La, mà chủ yếu nội chuyện nhân vật chính. Càng về cuối đoạn, hình tượng nhân vật càng rõ dần trong việc thể hiện khát vọng trường sinh. Tuy nhiên, nếu không gian Long cung là loại không gian cùng cấp với những không gian khác trong kiểu tư duy thần thoại thì không gian Âm phủ lại tiến thêm một bước kỳ ảo khác. Sở dĩ thế, vì không gian Âm phủ này (cũng như việc xóa tên họ trong sổ tử của Diêm vương) là không gian có được từ một giấc mơ của Ngộ Không trong những ngày chiến thắng. Cố nhiên, tất cả đều do quan niệm nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn. Nhưng vấn đề là tại sao việc muốn trường sinh chỉ bằng cách xóa tên họ trong sổ tử lại

chỉ diễn ra trong giấc mộng của nhân vật? Thực ra, theo kiểu tư duy thần thoại, Ngô Thừa Ân vẫn xây dựng tiếp không gian Âm phủ như kiểu không gian Long Cung, nghĩa là cứ kế tiếp từ Long Cung đến Âm Phủ, không cần phải diễn ra trong giấc mộng. Nhưng ở đây là không gian trong giấc mộng. Có lẽ, vấn đề đòi đoạt vũ khí ở Long Cung vừa là vấn đề dễ hình dung, vừa là vấn đề mà con người bằng nhiều sức mạnh có thể làm được (Tôn Ngộ Không đã chuyển thành người-thần-thánh từ sau khi tu luyện đạt 72 phép thần thông, chứ không còn là con khỉ đá; Còn vấn đề đòi hỏi cho được trường sinh, không bị vòng luân hồi sinh tử trói buộc lại là vấn đề mà con người khó hình dung, khó thực hiện, và như chúng ta đều biết, đó là vấn đề thuộc một quy luật khách quan hết sức nghiệt ngã, không trừ bất cứ ai. Trong khi đó Tôn Ngộ Không không muốn bị quy luật này đào thải! Mà lại không có giải quyết vấn đề. Trước tình hình đó, chuyển khát vọng trường sinh vào giấc mộng của Tôn Ngộ Không chắc chắn là một phương pháp chủ định của nhà văn. Xây dựng không gian âm phủ trong mộng tưởng này, như đã nói, hình thức không gian đã tiến thêm một bước kỳ ảo khác, siêu nhiên hơn mà cũng hấp dẫn và bí ẩn hơn. về phía khát vọng và tính cách của nhân vật thì điều đáng nói là ở chỗ: ngay trong giấc ngủ say, khát vọng được trường sinh, được xóa tên trong sổ tử của Diêm Vương vẫn là một lực ám ảnh, phả vào thế giới tiềm thức của nhân vật. Điều này chứng tỏ thêm rằng nhân vật dù ở trạng thái nào của tâm lý và thần kinh... đều vẫn không thôi từ bỏ những khát vọng lớn lao của chính mình.

Có một điều tuy không phải quan trọng, nhưng cần nói thêm ở hồi thứ 3 này, trong tác phẩm, việc Tôn Ngộ Không đại náo Sâm-La đòi xóa tên tuổi trong sổ tử do Diêm Vương quản là việc diễn ra trong một giấc mộng khi Ngộ Không ngủ say. Vậy mà, tác phẩm đoạn tiếp sau có đoạn nói Tần Quảng Vương ở âm phủ cầm tờ biểu của Ư minh giáo chủ Địa Trung Vương bồ tát dâng lên cẩn tấu Ngọc Hoàng về tội đại náo điện Sâm-La của Ngộ Không. Việc cẩn tấu này cũng đi liền sau cẩn tấu của Đông Hải Long Vương Ngao Quảng về tội đại náo Long Cung, lấy cây Thiết bổng của Ngộ Không. Hai việc này, xem ra gần giống nhau (về loại hình sự việc). Trong khi đó, về mặt nội dung cốt lõi của sự việc thì hai sự việc khác xa nhau: một việc có thể làm được ở cõi con người một việc phi thường, ghê gớm, khó có thể làm ở cõi người. Có lẽ, không phải tác giả "vô tình nhập cục vấn đề", mà là khẳng định thêm, đồ đậm thêm khát vọng trường sinh của nhân vật. Đọc kỹ nội dung của hai lời cẩn tấu nói trên thì sẽ thấy thêm các lượng đối trọng của Ngộ Không đều được "nổi thêm" về tình trạng sợ hãi của họ đối với Ngộ Không. Do cảm nhận như vậy, nên vấn đề cần nói thêm như trên không quan trọng.

Từ ý nghĩa thi pháp không gian nghệ thuật mà nói, thì không gian âm phủ - điện Sâm La (tưởng tượng trong giấc mơ) vẫn là không gian kỳ ảo, lý thú. Nó phù hợp với khát vọng và hành trạng mãnh liệt của nhân vật và chính, khát vọng, hành trạng của nhân vật ở đây là cái có thể "bổ sung cho cái thiếu sót của cuộc sống thực bằng cái ước mong và cái có thể". Như nhà văn M.Gorki từng nói khi bàn về truyền thuyết và thần thoại. (Xem: Anh hùng ca của Hômerơ - Nguyễn Văn Khỏa - NXB ĐH & THCN - HN.1978 - trang 363).

Một phần của tài liệu không gian nghệ thuật trong tây du ký (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)