Nghi lễ thờ cúng

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ mẫu ở hưng yên hiện nay ( qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự) (Trang 55 - 60)

Hoạt động sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên diễn ra hàng năm với nhiều nghi thức tiêu biểu của tín ngưỡng này trên khắp các di tích thờ Mẫu trong tỉnh mang một yếu tố tâm linh sâu sắc. Sau đây là một số nghi thức tiêu biểu:

Lễ Tôn nhang là một nghi thức sinh hoạt khác trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nó cũng được thể hiện ở Hưng Yên. Lễ Tôn nhang hay còn gọi là lễ đội bát nhang, là lễ bốc và đặt bát nhang thờ những vị thần thánh là quân gia thị của Mẫu cho những người ốm đau vì có căn số nặng nhằm cầu cúng cho khỏi bệnh và khoẻ mạnh. Lễ này được tiến hành tại cửa Mẫu. Sau khi bốc, bát nhang được đặt tại cửa Mẫu và trong những ngày mồng một và rằm hàng tháng phải đến thắp hương và cúng lễ tại cửa Mẫu.

Theo các cụ trong nhiều đền Mẫu cho biết thì quan niệm này cho rằng mỗi người khi sinh ra và sinh sống trên cõi trần đều do Thánh Mẫu cai quản. Người bị ốm nghĩa là do một vị thần cai quản nào đó hoặc do tất cả các vị hành. Tức là các Ngài đã chấm người đó làm lính hầu và không thể chối từ, nếu chối từ thì sẽ bị nhiều tai vạ. Chính vì vậy muốn khỏi bệnh thì tới cửa Mẫu đội - nghĩa là thờ cúng vị thần đang hành đó. Nếu căn số nặng thì con bệnh phải đội nhiều bát nhang hơn. Và con bệnh tin rằng sau khi cầu cúng sẽ

51

qua khỏi vì vậy khi ta đến đền thờ Mẫu ở Hưng Yên có rất nhiều bát nhang loại nhỏ ở trước cửa đền, phủ. Đây là một hình thức cúng bái chữa bệnh mang tính chất mê tín di đoan cần có những biện pháp ngăn cản. Nhưng nó là một biểu hiện của hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng Mẫu ở Hưng Yên.

Lễ Hầu đồng hay còn gọi là Lên đồng hay Hầu bóng, là một nghi thức

có trong mọi hoạt động sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở Hưng Yên nghi thức này cũng được thể hiện rõ trong các di tích thờ Mẫu của tỉnh. Nó thể hiện trên nhiều phương diện vào các lễ hàng năm của các lễ hội đền.

Lên đồng theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh trong Đạo Mẫu Việt Nam viết rằng: “nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ phủ cũng như một số Mẫu khác. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị thánh Tam Phủ, Tứ Phủ vào thân xác các ông đồng, bà đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh của các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho những tín đồ đạo Mẫu” [72,tr. 85].

Tại Hưng Yên, những buổi Hầu đồng diễn ra sôi nổi tại những đình, đền, chùa thờ Mẫu. Hoạt động này đã góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu. Nó phản ánh thực trạng các hoạt động lên đồng trên địa bàn này. Lên đồng là một hoạt động được tổ chức vào nhiều dịp trong năm nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người đi theo tín ngưỡng thờ Mẫu và nhu cầu được lên đồng của các ông Đồng, bà Đồng. Họ là những người có “căn”, nhận lộc thánh để lên đồng hay lên đồng để giúp mọi người chữa “bệnh”. Tùy theo từng ông Đồng, bà Đồng khi thời gian họ cảm thấy gần thần linh nhất sẽ quyết định lên đồng vào ban ngày hoặc ban đêm.

Ở những đình, đền, chùa ở khu vực ven hồ Bán Nguyệt, hoạt động lên đồng được diễn ra thường xuyên, tiêu biểu nhất là đền Mẫu. Dựa vào sổ ghi chép của ông Nguyễn Trọng Ngà, thuộc Ban Quản Lý di tích đền Mẫu trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 và đầu năm 2015, các hoạt động lên đồng được diễn ra thường xuyên tại nhà đền. Nhà đền không phải đứng ra tổ chức mà chính các ông Đồng, bà Đồng đăng ký là những người tổ chức, nhà

52

đền chỉ có chức năng hỗ trợ cho buổi lên đồng đó diễn ra thành công. Vào các tháng đầu năm, ngày tiệc mùa xuân đền tổ chức tới 10 buổi lên đồng/ tháng, nhưng cũng có tháng chỉ diễn ra 1 buổi lên đồng như vào tháng 11/2014, thậm chí có tháng không diễn ra hoạt động này. Điều đó cho thấy, các hoạt động lên đồng mặc dù diễn ra với tần suất nhiều tại đền Mẫu nhưng không được thường xuyên nguyên nhân chính vì tháng đó không phải tháng tiệc hay mùa lễ hội.

Hoạt động lên đồng thường diễn ra sôi nổi vào những tháng đầu năm, khi nhiều người đi lễ và xin tài lộc, giải hạn. Vào khoảng thời gian này, không chỉ lượng khách đến các đình, đền, chùa đông đảo mà lượng khách đến các địa điểm thờ Mẫu để cầu cúng cũng rất sầm uất.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên - người hay tới đền Mẫu cho biết: “buổi lên đồng đông nhất tại đền có khoảng hơn 90 người đến tham dự, chật kín cả đền”. Như vậy, có thể nói, đền Mẫu cạnh hồ Bán Nguyệt là một trong những ngôi đền diễn ra hoạt động lên đồng nhộn nhịp nhất. Các ông Đồng, bà Đồng đến hầu là người bản địa nhưng cũng có người ở Hà Nội, Hải Phòng về làm lễ. Đối tượng khách đến cũng phong phú, đa dạng, không chỉ dừng ở khách bản địa mà còn có cả khách ở nơi xa như Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt là khách Hà Nội đến đền Mẫu rất đông. Điều này cho thấy, sự linh thiêng tại đền Mẫu không chỉ thu hút các ông Đồng, bà Đồng từ xa đến trình đồng mở phủ và mà còn thu hút sự quan tâm của các du khách thập phương.

Tại đền Thiên Hậu thì theo Ban quản lý Di tích cho biết số lần diễn ra lên đồng thường tập trung đông nhất vào các tháng đầu năm và cuối năm. Đây là khoảng thời gian kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới, nhiều gia đình đến cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu và xin lộc Mẫu hoặc thông qua các ông Đồng, bà Đồng tiến hành các hoạt động dâng sao giải hạn, cắt duyên âm, tôn nhang… nhằm mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn.

53

Tại đền Ghênh và đền Bảo Châu thì số lượng các buổi Hầu đồng diễn ra ít hơn nhiều so với đền Mẫu. Thường ở những đền này, chỉ tháng 2, tháng 3 âm lịch, dịp tháng tiệc mùa xuân là có các ông Đồng, bà Đồng đăng ký tổ chức hoạt động lên đồng. Các tháng còn lại trong năm hầu như không diễn ra nghi lễ này.

Buổi lễ Hầu đồng thường chia làm ba phần chính: phần chuẩn bị trước khi nghi thức lên đồng bắt đầu, quá trình diễn ra nghi thức lên đồng và sau khi nghi thức lên đồng kết thúc.

Đầu tiên là phần chuẩn bị, để buổi Hầu đồng được diễn ra thuận lợi như ý muốn, các ông Đồng, bà Đồng thường chọn một ngày đẹp để lên đồng, sau đó đăng ký ngày lên đồng với nhà đền. Nhà đền có nhiệm vụ sắp xếp và ghi chép lại vào sổ đăng ký để đến ngày đó cùng các ông Đồng, bà Đồng sắp xếp địa điểm. Trong phần chuẩn bị, các ông Đồng, bà Đồng phải chuẩn bị những lễ vật để dâng cúng lên Thánh Mẫu thông thường là rượu, bia, thuốc lá, trầu, cau. Những người tham dự nghi lễ Lên đồng được các ông Đồng, bà Đồng thiết đãi một bữa cơm tại nhà đền, phủ (nơi diễn ra Hầu đồng). Trước khi nghi lễ được diễn ra, có những hầu dâng phải kiểm tra lại các bộ trang phục cho ông Đồng, bà Đồng. Mỗi một bộ trang phục đại diện cho một vị thánh nhập vào. Không được dùng bộ trang phục của vị thánh này cho vị thánh khác mặc. Mỗi vị thánh một trang phục. Các trang phục phải được kiểm tra một cách kỹ càng trước khi buổi lễ bắt đầu, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến không thành công cho buổi lên đồng.

Sau khi làm lễ và xin phép mọi người nhập đồng, các ông Đồng, bà Đồng thực hiện nghi thức thánh giáng, một trong những nghi thức quan trọng bậc nhất trong Lên đồng. Bà Đồng, ông Đồng trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng ba nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào Thánh giáng thì buông nén hương, rùng mình, tay báo hiệu thánh thuộc hàng nào cho mọi người biết. Như vậy, người nắm giữ vai trò chủ đạo là các ông Đồng, bà

54

Đồng. Họ là chiếc cầu nối linh thiêng giữa thần linh và con người. Nhờ họ mà khoảng cách đó được rút ngắn, con người cảm nhận được thần linh đang bảo vệ, che chở và phù hộ họ thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Trong trạng thái ngây ngất, có thể dùng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ông Đồng, bà Đồng nhảy múa với nét mặt vui tươi, rạng ngời trước sự phấn khích của người xem. Những làn điệu múa thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển, có khi còn cả màn múa kiếm thể hiện sự cứng cỏi khi những vị thánh là Tướng quân nhập vào.

Trong suốt quá trình lên đồng, mỗi lần vị thánh nhập vào, các ông Đồng, bà Đồng luôn trong trạng thái ngây ngất. Bên cạnh đó, Hầu dâng giúp các ông Đồng, bà Đồng thắp hương, dâng các loại vũ khí, dâng thuốc lá, rượu… và đặc biệt là giúp các ông Đồng, bà Đồng thay trang phục mỗi khi thánh thăng, thánh nhập. Vì các trang phục mà các ông Đồng, bà Đồng mặc trên người có rất nhiều vật dụng đi kèm, nhiều trang phục thể hiện sự kỳ công, các khăn quấn đầu phải cài rất nhiều trâm cài trang trí… nên các Hầu dâng giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ông Đồng, bà Đồng Lên đồng. Tiếp theo là đội ngũ cung văn. Âm nhạc trong Lên đồng là một điều quan trọng trong việc làm cho buổi lễ diễn ra sôi nổi, góp phần tạo nên tính nhạc trong các điệu múa của ông Đồng bà Đồng, tạo hứng khởi cho người xem. Họ xướng nhạc và hát cho việc trình diễn của Thánh đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt, ngoài ra còn có trống bang, cành đồng, phách, thanh la…. Họ vừa hát, vừa chơi nhạc, hát hay, đàn giỏi. Trong quá trình lên đồng, các ông Đồng, bà Đồng đều ban phát tiền lộc cho hầu dâng, cung văn, những người đến xem, đó được coi như lộc thánh. Những người đến xem không phân biệt tuổi tác, giàu sang hay nghèo hèn đều được Thánh phát tiền lộc.

Tóm lại, theo trình tự thời gian, có thể phân một buổi lên đồng thành các bước: Thánh giáng và Thánh thăng, thay lễ phục, thắp hương làm phép,

55

múa đồng, ban lộc, nghe văn chầu và Thánh thăng. Đồng thời, trong buổi lên đồng cũng thực hiện các nghi lễ như lễ tôn nhang, lễ cắt duyên âm, lễ giải hạn… cho những người căn cao, số nặng, giúp họ giải tỏa những nỗi phiền muộn trong cuộc sống.

Sau khi nghi lễ Lên đồng kết thúc, khi thần linh thoát ra khỏi thân xác các ông Đồng, bà Đồng, họ trở về trạng thái bình thường. Công việc thu dọn đồ đạc, các trang phục sau buổi lễ Lên đồng được tiến hành và kết thúc buổi lễ Lên đồng. Những tín đồ tham dự đều được ông Đồng, bà Đồng chia cho một túi lộc mang về để lấy may.

Nghi lễ này của tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện rõ quan niệm về con người của dân tộc ta. Con người được hình thành bởi hai phần (phần “xác” và “hồn”), khi con người không còn trên dương thế nữa thì phần “hồn” vẫn còn tồn tại. Do đó, việc các vị Thánh nhập hồn vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng được cho là Thánh hiển linh để ban phúc lộc cho các tín đồ.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ mẫu ở hưng yên hiện nay ( qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự) (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)