Khái niệm tín ngưỡng thờ Mẫu

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ mẫu ở hưng yên hiện nay ( qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự) (Trang 25 - 27)

Tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành ra con người.

Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như: Thần Sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp); Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá… có thể là nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu…

Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, trong đó chỉ có những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như các “bà cô” (những người phụ nữ không có chồng, con hoặc chết trẻ).

Khái niệm “Mẫu” có thể tiếp cận ở góc độ rộng, hẹp khác nhau. Tuy nhiên có thể tiếp cận khái niệm Mẫu theo ba nghĩa:

Thứ nhất, Mẫu là một danh từ gốc Hán Việt được hiểu là mẹ, mụ, mạ, mế dùng để chỉ người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của người con đối với người mẹ đã sinh thành ra mình.

21

Thứ hai, Mẫu cũng được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là sự tôn vinh, tôn xưng một nhân vật nữ nào đó (có thật hoặc không có thật) như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ.

Thứ ba, Mẫu cũng được dùng để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hóa không ngừng của vạn vật như những danh xưng: Mẹ Cây, Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Núi rừng, Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá, Mẹ Xứ sở… Mặc dù đồng nhất Mẹ - Mẫu với tự nhiên (bà Mây, bà Mưa, bà Sấm, bà Chớp), với bản thể vũ trụ (bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Hỏa, bà Thổ) nhưng Mẫu ở đây không phải là người mang tính sáng thế mà chỉ mang tính đùm bọc che chở.

Người Việt trên cơ sở những cảm nhận trực quan về sự sinh nở của người mẹ, trong lao động sản xuất và trong đời sống cộng đồng đã xuất hiện ý thức về sự sinh sôi nảy nở và phát triển của vạn vật xung quanh mình. Họ nhận thấy người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc mang thai, sinh nở, nuôi dưỡng và che chở cho con cái của mình nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung. Vì vậy người Việt đã sớm hình thành niềm tin thiêng liêng vào người mẹ mang nặng đẻ đau, che chở và đùm bọc đàn con. Niềm tin ấy đã sản sinh ra cái mà ta gọi là tín ngưỡng Mẫu.

Tín ngưỡng Mẫu của người Việt nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng đã có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Tín ngưỡng Mẫu lấy việc tôn thờ người Mẹ, người phụ nữ làm đấng sáng tạo, bảo trì cho sự tồn tại, sinh thành của vũ trụ, đất nước và con người. Tín ngưỡng Mẫu chỉ có thể ra đời khi con người có ý thức về giá trị của sự sinh sôi nảy nở, mà tư duy của cư dân nông nghiệp thường từ những cái cụ thể cho nên giá trị cụ thể về sự sinh sôi nảy nở không có gì khác ngoài người mẹ cụ thể mang nặng đẻ đau, sinh sôi nguồn nhân lực.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời tôn vinh là các chức năng sáng tạo ra muôn loài và mang sự sống đến cho con người như: Trời, đất, sông nước….

22

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Nữ thần (nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu), là một bộ phận của ý thức xã hội, được hình thành từ chế độ thị tộc mẫu hệ, để tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội làm Thánh mẫu, Vương mẫu… và qua đó người ta gửi gắm niềm tin vào sự che chở, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên thuộc nữ thần.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ mẫu ở hưng yên hiện nay ( qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự) (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)