Hộ gia đình có thu nhập càng cao thì có thể sẽ có mức chi tiêu cao hơn so với hộ có thu nhập thấp, như vậy chi tiêu phụ thuộc vào thu nhập của hộ gia đình. Những hộ gia đình có thu nhập khá và cao thì nhu cầu không chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm nữa mà là ăn ngon, mặc đẹp. Còn đối với nhóm hộ có thu nhập trung bình và thấp thì nhu cầu chi tiêu chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm là đã đủ chứ nói gì đến ăn ngon, mặc đẹp. Theo điều tra hộ có thu nhập cao có mức chi cao nhất cho ăn uống là khoảng 1,5 triệu/người/tháng gấp 8,3 lần so với hộ có thu nhập thấp với mức chi 180 ngàn/người/tháng. Bên cạnh chi tiêu cho việc ăn uống thì đi lại, học hành, mua sắm, đám tiệc, du lịch… cũng chiếm một khoản khá lớn trong tổng chi tiêu của các nhóm hộ (chiếm 41% trong tổng chi tiêu).
Chi tiêu ở các khu vực và nhóm dân cư cũng có sự khác nhau. Nhóm hộ gia đình thuần nông có mức chi tiêu thấp hơn so với nhóm hộ ở khu vực chợ là vì: nhóm hộ sống bằng nông nghiệp có thể tận dụng được những phế phẩm từ sản xuất lúa và trong cuộc sống hằng ngày để trồng trọt và chăn nuôi thêm để phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày. Ngoài ra các hộ cũng có thể bắt cá thiên nhiên trong ao hồ, mương vườn sẵn có…do đó sẽ tiết kiệm được một khoản chi tiêu đáng kể. Trong khi đó nhóm hộ ở khu vực chợ thì tất cả đồ dùng, ăn uống đều phải mua bằng tiền.
Các hộ chi nhiều nhất cho tiêu dùng và ăn uống chiếm 59% trong tổng chi tiêu vì đây là 2 hoạt động cơ bản cần thiết, tiếp theo là giáo dục chiếm 16% trong tổng chi tiêu. Tuy trước đây Kế Sách là một vùng quê còn nghèo, trình độ học vấn của người dân còn rất thấp nhưng hiện nay người dân đã nhận thức được sự quan trọng của việc học hành. Song song đó với những chính sách hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện trong giáo dục của Nhà nước các hộ gia đình trong huyện đã không ngại đầu tư vào giáo dục, cho con em được học hành.
Y tế thường ít được chú trọng ở vùng nông thôn do thu nhập không cao và khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Người dân chỉ đi đến bệnh viện khi họ thực sự cần thiết, còn lại đều tự mua thuốc để trong nhà uống khi bệnh nhẹ. Có rất ít hộ tham gia bảo hiểm y tế (dưới 30%) chỉ các hộ có điều kiện hay các hộ có người lớn tuổi mới tham gia.
Hàng năm, các hộ dành khoảng 5% trong tổng chi tiêu để chi cho nhà ở, điện, nước…Tuy nhiên đây chỉ là mức trung bình và có sự chênh lệch giữa các hộ. Các hộ thường ít chi tiêu cho đồ dùng lâu bền, đây cũng là đặc điểm của các hộ sản xuất nông nghiệp.
Bảng 4.5: Sự phân phối chi tiêu của các hộ gia đình (%)
Hoạt động Tỷ lệ (%)
Giáo dục 16
Y tế 7
Tiêu dùng, ăn uống 59
Chi thường xuyên nhà ở, ăn uống, điện nước 5
Chi mua đồ dùng lâu bền 7
Khác 6
Tổng 100
(Nguồn: kết quả khảo sát năm 2012)