Nếu màu đặc trưng của tranh Đông Hồ là nâu, lục, vàng, đỏ rất mộc mạc, ấm áp, mang hương vị đồng đất thôn làng thì màu đặc chưng của tranh Hàng Trống là cánh sen, lam với vàng, đỏ, da cam với đường nét thanh tú, rất thị thành, trong sáng, rực rỡ. Màu sắc trong tranh Đông Hồ và Hàng Trống rất thích hợp với tiết xuân.
Màu sắc trong tranh đều là những màu chế từ thiên nhiên, dùng trực tiếp ở dạng nguyên thuỷ nên màu tranh Đông Hồ tươi thắm, không gắt gao, loè loẹt và giữ độ bền lâu. Những mảng màu phẳng được tạo chất một cách tự nhiên do hiệu quả của kĩ thuật in. Các nghệ nhân Đông Hồ hạn chế pha màu thực hiện theo nguyên tắc màu đậm in trước. Thông thường màu in sau không bao giờ phủ kín màu in trước tạo ra nhiều màu khác nhau trong một mảng màu.
Màu sắc trong tranh Hàng Trống mang tính "trang trí cao" do tô bằng tay nên màu rất đa dạng phong phú, kỹ thuật dùng màu ẩn hiện tạo không khí hư hư, thực thực của các bức tranh thờ. Ánh sáng dường như trên cao đổ xuống đều các đồ vật và người không có bóng. Màu sắc trong tranh thờ tự nhiên, ít pha trộn và dùng cả màu vàng bạc óng ánh bằng ngân nhũ, kim nhũ, tạo hiệu quả đối chọi, tươi tắn.
Tranh "Thất đồng" Hàng Trống, cách viền màu trên da thịt làm cho những em bé trở nên căng tròn, quần áo mềm mại. Bức tranh mang đến không khí rực rỡ, tươi mát của ngày đầu xuân. Màu sắc bức tranh lộng lẫy, sang trọng và gợi cảm giác bình yên.
Hay bức tranh "Tố nữ" nét vẽ tinh tế về màu sắc uyển chuyển gây mĩ cảm đậm đà, duyên dáng. Ngoài ra sắc độ màu trong tranh Hàng Trống được điều chỉnh theo cảm nhận của người vẽ (H16).
Một phần nữa tạo nên bức tranh là chữ trong tranh Đông Hồ và tranh hàng trống chủ yếu là chữ hán và nôm. Chữ góp phần không nhỏ trong bức tranh. Chữ giúp người xem hiểu ý đồ tác giả hơn, bổ sung thêm thông tin cho bức tranh. Chữ trong tranh có thể là thơ, tục ngữ, câu đối, hoặc chỉ là câu nói thường ngày nhưng ý nghĩ rộng và sâu.
Những màu sắc cổ truyền đó cùng với chất mượt mà như lụa của giấy dó tưởng như vô hồn đã tạo nên những tác phẩm có hoà sắc tươi mát hoặc đậm đà ấm áp và tinh tế đến mức thần kỳ, tạo nên cái có hồn của tranh, vẻ đẹp ấy còn nguyên vẹn cho đến nay và là nền tảng cho hoạt động nghiên cứu để phát triển nền nghệ thuật dân tộc. Tranh dân gian nói chung, tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống nói riêng rất chú trọng đến bố cục, đường nét và màu sắc. Đường nét được xem là dáng, màu sắc là men, bố cục theo lối ước lệ, thuận mắt. Ngoài ra, chữ hoặc câu thơ vừa là minh hoạ, vừa tạo cho tranh có bố cục ổn định, chặt chẽ.
Tranh Đông Hồ ngoài màu nền và nét đen, màu sắc đã được tinh giản đến tối đa, màu sắc dường như chỉ có từ ba đến bốn màu, có tranh chỉ có hai màu như tranh "Đấu vật". Màu sắc thường dùng những màu nguyên chất nhưng chúng được đặt trong tương quan màu sắc hợp lý, mang tính trang trí cao, do đó dung hòa những mảng màu đối lập một cách khéo léo. Sự phân bố mảng màu, cùng với việc diễn tả đường nét nhằm kết hợp hài hòa giữa yếu tố mảng và nét.
Một đặc điểm nổi bật nữa của tranh Đông Hồ đó là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, đường nét và chất liệu. Màu sắc đằm thắm, tươi vui của tranh Đông Hồ một phần lớn là nhờ lối thiên về dùng màu nguyên chất, đối lập, kết hợp với nền điệp vàng hoe, đỏ hoa hiên, cùng với độ xốp của chất liệu giấy dó được quét nền điệp, và những gạch được tạo bởi nét quét của chổi thông càng
khiến cho bảng màu của tranh Đông Hồ thêm rực rỡ, tươi vui và đằm thắm vừa biểu hiện được cái hồn dân tộc. Một nhà văn nào đó đã miêu tả: "tranh gà, tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ cá kho, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao đời người rồi. Những màu sắc ấy đã in vào tâm trí người nông dân, thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc".
Sức biểu hiện khéo léo trong việc phối hợp màu sắc đường nét tạo một phong cách độc đáo, rất riêng của tranh Đông Hồ. Với bức tranh "Lợn ăn cám" chỉ có một nét chu vi to đậm kéo dài thành đường uốn lượn hình con vật béo, tròn, để lại chỗ trống ở giữa cho màu in vào thành mảng đặc, làm cho hình con lợn chắc chắn hơn nổi bật hơn. Nền tranh màu vàng thêm kích thích, cộng với hai màu âm – dương xanh đỏ của tranh này quắc lên kịch liệt như nắng mùa hạ chang chang đổ ngoài trời, tương phản với màu xám lam trầm hẳn xuống như chìm sâu vào bầu không khí ẩm ướt, tối tăm trong cái chuồng mà nó đang ở (H13).
Trái ngược với "Lợn ăn cám" người ta lại cảm thấy như có "Ngọn gió thu phong thổi lá vàng" se lạnh trong tranh quản tượng và voi, hòa sắc thanh đậm, màu chín lục những son nâu cũ kỹ của tượng chùa, xanh rêu của gạch đồng…trên cái nền vàng phai nhàn nhạt của hòe sao non lửa. Cả màu Điệp quý, óng ánh như bạc ở đây cũng lẩn trốn vào mình với một cách kín đáo. Tất cả đưa người ta vào một thế giới cổ xưa.
Sự thay đổi sắc thái phong phú không phải chỉ có rực rỡ một chiều, nó bao giờ cũng tuân theo một quy tắc đơn giản: Một đồng bộ có hòa sắc đen làm chủ cùng với vài màu thuốc cái tương phản với nó. Đối với các nghệ nhân xưa nét đen bao hàm hết tất cả "Hình thể - Màu sắc - Nhịp điệu – Âm
thanh" cùng hòa trộn với triết học cùng thi ca đã làm nên bản sắc riêng của tranh Đông Hồ.
Do sự cảm nhận tâm lý của màu nên mỗi dân tộc, mỗi cá nhân có thói quen thị giác khác nhau. Các biểu hiện màu sắc có những hiệu quả tâm lý rõ rệt, mang tính phổ quát đồng thời vẫn mang tính cộng đồng và cá nhân.
Tùy thuộc vào tâm sinh lý thị giác của các dân tộc, các chủ đề dẫn đến sử dụng màu sắc tạo ra không gian đặc trưng cho bức tranh. Tranh thờ miền núi phương pháp sử lý hình nền như thế nào! Những hình dáng được chắt lọc cô đọng đến tối đa. Độ đậm nhạt cũng như sắc độ không nhiều và được được đơn giản hóa để lại tương phản lớn đen – trắng trên mặt tranh. Tác giả không chỉ chú ý đến sự tương phản giữa các mảng hình đen trắng mà còn được xử lý bằng phương pháp chuyển hoán. Tức là sự thay đổi nhau giữa đen và trắng trong vai trò biểu tả có tính chủ đạo. Có nghĩa là trong mảng hình đen có đan xen những nét trắng và trong nền trắng có nổi nên những nét hoặc những mảng đen nhỏ. Sự kết hợp và chuyển hóa nhuần nhuyễn giữa nét và mảng đen trên nền trắng để sót lại những nét đen đã tạo ra không gian và tính liên tục, liền mạch cho bức tranh.
Như vậy màu sắc góp phần tích cực và quan trọng trong việc biểu diễn không gian trên mặt phẳng 2 chiều. Trong đó màu đen và màu trắng cùng với những sắc độ của nó đã có tiếng nói quan trọng trong nghệ thuật tạo hình, nhất là tranh khắc gỗ. Thể loại tranh đen trắng là nơi thể hiện sự biến thiên của sắc độ của màu đen và trắng tạo ra hiệu quả không gian và chiều sâu trong bức tranh của các dân tộc phía Bắc Việt Nam hay tranh thờ Hàng Trống chẳng hạn. Do tính năng của chúng là để thờ cúng tức là tranh có chủ đề về tâm linh nên màu sắc được sử dụng thường là vàng, đỏ, đen gây cảm giác về một thế giới thần linh do cảm giác về một không gian lung linh huyền ảo được tạo ra từ các màu đó.
Ngoài ra những màu thuộc gam nóng còn gợi cảm giác gần ta hơn, những màu trong gam lạnh tùy thuộc vào sắc độ mà ta cảm giác xa dần vào trong tranh.
Khi nói về màu sắc, nhiều người quen nói rằng: Đen, trắng là không màu do không có sắc độ hay màu đen không phản chiếu ánh sáng. Nếu nhìn nhận được như vậy thì chỉ đúng trong một vài lĩnh vực và góc độ nào đó mà thôi. Trong nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật khắc gỗ nói riêng thì đen và trắng là hai sắc độ quan trọng có thể tạo ra hiệu quả cao về không gian và chiều sâu của tác phẩm. Tác phẩm "Ông cháu" của họa sỹ Huy Oánh làm ví dụ ta thấy chỉ bằng sắc độ đen trắng, tác giả đã cho người xem thấy tài dùng màu sắc.
Cách sử dụng màu sắc và điển hình dưới bàn tay điêu luyện, các nghệ nhân đã tạo nên sự nhất quán giữa hình và màu, giữa nội dung và hình thức diễn tả tình cảm, tính cách nhân vật như tranh Đánh vật, Hứng dừa, Đánh ghen...với những nét khắc viền đậm dứt khoát, khoẻ nhưng không thô cứng, chắc nhưng mềm mại, thanh thoát của tranh Đông Hồ, nét viền thanh thanh, uyển chuyển, nhẹ nhàng của tranh Hàng Trống như tranh Công chúa, Tam Đa...và những hình ảnh của xã hội đương thời được tái tạo rất điển hình bằng một phonh cách truyền thống càng làm tăng vẻ đẹp của tranh.
Tiểu kết chương 2:
Tranh dân gian Việt Nam là bằng chứng của sự sáng tạo hài hòa trong tranh. Nó phản ánh tính nhạy cảm về tinh thần thi vị của dân tộc Việt Nam. Người ta tìm thấy trong tranh cái đẹp, bố cục mảng nét, không gian hài hòa có nhịp điệu.
Như chúng ta đã biết cái đẹp của tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam là cảm giác hài hòa do tư thế cân bằng của các yếu tố nét hình mảng, không gian màu sắc và bố cục. Khi nghiên cứu về tranh dân gian ta rút ra bài học xây dựng cách nhìn mới theo phong cách dân tộc. Chúng ta không ngừng phát huy và chọn lọc những tinh hoa từ đó kế thừa và sáng tạo ra những bức tranh theo phong cách của riêng mình. Khi xây dựng tranh ta quy hình vẽ vào những mảng lớn, mảng nhỏ, phân bố hài hòa trên mặt tranh tạo nhịp điệu, cấu trúc, hình thể, biểu đạt tư duy tả chất. Không gian trong tranh được thể hiện phong phú với nhiều cách diễn đạt, trong đó tiêu biểu chúng ta thấy rằng bức tranh Hàng Trống vẽ "Đám Cưới Chuột" không bị ràng buộc bởi yêu cầu phải phân biệt giữa sự vật ở xa và ở gần, hoặc tính logic của hình họa khi quan sát từ một vị trí cố định nào đó. Không gian trong bức Đám Cưới Chuột là một không gian có tính trừu tượng cao. Nó không mô phỏng lại một không gian cụ thể trong hiện thực. Tính cách điệu cao, gợi nhiều hơn tả, khiến người xem dễ dàng liên tưởng tới một không gian xã hội, không gian văn hóa, thay vì một không gian vật thể nào đó.
CHƯƠNG 3