Đối thoại nhằm triết lý tâm tình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch quyền lực bóng tối của l tônxtôi (Trang 46 - 51)

6. Bố cục của khoá luận

2.1.2. Đối thoại nhằm triết lý tâm tình

Tài năng của Lep Tônxtôi không chỉ dừng lại ở việc ông sử dụng biện pháp nghệ thuật đối thoại để miêu tả tính cách nhân vật mà ông còn dùng đối thoại với mục đích triết lý, tâm tình. Bởi vậy, nhân vật trong tác phẩm của ông luôn có chiều sâu và mang lại những xúc cảm chân - thiện - mĩ nơi sự cảm nhận của độc giả.

Tâm tình là hình thức nhân vật bày tỏ những lời suy nghĩ, tâm tư của mình (hay của tác giả) với nhân vật khác” [21, 30].

Thường thì lời tâm tình cũng là lời đối thoại nhưng với một sắc điệu khác, điềm đạm, thâm trầm, giàu cảm xúc suy tư hơn. Qua biện pháp nghệ

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch Quyền lực bóng tối của L.Tônxtôi

thuật này, ta có cái nhìn vào chiều sâu hình tượng nhân vật, thấy được niềm say mê, nỗi vui sướng hay tuyệt vọng, những tâm sự bức xúc… của nhân vật.

Theo tác giả Nắng Mai: “Biện pháp để nhân vật tâm tình dù trong thơ trữ tình hay ở trong kịch và truyện đều có tác dụng khơi sâu, đồng thời bộc lộ bản chất tâm hồn cũng như đời sống tình cảm riêng tư của nó” [24, 26].

Trong vở kịch Quyền lực bóng tối, chúng ta thấy biện pháp nghệ thuật đối thoại không chỉ có tác dụng bộc lộ tính cách nhân vật, mà còn thể hiện những triết lí tâm tình. Ở nhân vật Piôt không chỉ là người nông dân ham công tiếc việc với những mệnh lệnh cứng nhắc, con người đó cũng có những phút cho tình cảm riêng tư và những lời xin lỗi có nghĩa, có tình:

Piôt: Nikita

Nikita:Còn gì nữa

Piôt: Tôi sẽ không gặp anh nữa… Hôm nay tôi sẽ chết… Anh, hãy tha lỗi cho tôi, vì chúa, hãy tha thứ cho tôi nếu tôi có lỗi với anh. Qua lời nói cũng như công việc làm tôi đã có lỗi… Anh hãy tha thứ hết cho tôi nhé”

Đó là lời tâm tình của Piôt dành cho Nikita trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Những lượt đối thoại trước đây của Piôt dành cho Nikita thường chỉ liên quan tới lời sai bảo vì công việc trong mối quan hệ ông chủ - người làm thuê, hoặc uốn nắn về công việc, cách ứng xử. Đây là lần duy nhất cũng là cuối cùng Piôt dành cho Nikita những lời tâm tình, mong muốn Nikita hãy tha thứ cho những việc làm không phải trước đây của mình. Chính những lời tâm tình ấy đã khiến Nikita “bừng ngộ”chân thành. Cho dù những lời tâm tình ấy không đủ để khiến Nikita thay đổi con người, nhưng nó cho thấy anh ta vẫn còn biết xúc động như một con người bình thường và cho thấy một nét tính cách khác của Piôt.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch Quyền lực bóng tối của L.Tônxtôi

“Marina: Thôi thế là hết, nghĩa là cái gì đã qua thì cho nó trôi qua. Anh đã bắt em phải quên! Hãy nhớ như thế, anh Nikita ạ. Em đã giữ tấm lòng trinh bạch của mình còn hơn là con người em. Anh đã vô cớ lừa dối, làm hại em. Anh đã lừa em nhưng em không oán thù anh đâu. Mặc Chúa với anh, nếu anh tìm được người hơn em, anh sẽ quên em, nếu anh tìm được người kém em, anh sẽ nhớ em. Rồi anh sẽ nhớ tới em, anh Nikita ạ. Thôi đành tạm biệt anh. Sao trước đây em yêu anh thế. Xin tạm biệt anh lần cuối cùng”.

Đối thoại ngắn về dung lượng nhưng chứa đựng biết bao thông tin và tâm sự, về tình yêu nồng nàn Marina dành cho Nikita, là tình cảm cao thượng không chút oán thù và dù anh chọn ai, vẫn luôn cầu chúc anh được hạnh phúc. Lời tâm tình cũng là lời chia tay, tạm biệt một tình yêu. Marina không dùng thứ ngôn ngữ văn học bóng bẩy nhưng gây ấn tượng cho độc giả bởi một tình yêu tha thiết, sâu đậm, giản dị và mãnh liệt vô điều kiện của cô gái dành cho người mình yêu.

Nikita đã khước từ tấm lòng trong sáng này một cách tàn nhẫn và quyết đoán,cũng từ đây, Nikita liên tục vướng vào vòng tội lỗi và phải trả giá như một quy luật nhân quả. Sau khi dùng tấm ván đè chết đứa bé ở trong tầng hầm, Nikita trở nên khủng hoảng và thú tội trước dân chúng trong làng ở đám cưới của Akulina:

Nikita: Bố yêu quý của con ơi, cả bố nữa, xin bố hãy tha thứ cho con là kẻ có tội. Ngay từ lúc đầu, con đã dính vào câu chuyện xấu xa lầm lạc này, bố đã bảo con sai một ly đi một dặm… nhưng con là giống chó má, con đã không nghe lời bố và cơ sự đã diễn ra đúng như bố nói. Vì Chúa, xin bố hãy tha tội cho con”.

Giờ đây, Nikita đã tự ý thức, tự nhận trách nhiệm về lỗi lầm mà mình gây ra. Nhân vật đã trải qua một quá trình tâm lí từ sự bừng ngộ ngắn ngủi khi nghe những lời trăng trối của Piôt đến sự bừng tỉnh của tâm hồn khi đối diện

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch Quyền lực bóng tối của L.Tônxtôi

với lương tâm của chính mình. Nikita lần đầu tiên cầu xin sự tha thứ của mọi người, tự nhận mình là giống chó má và lần đầu tiên anh ta viện dẫn đến Chúa cho một lời nguyện ước chân thành “Vì Chúa, xin bố hãy tha tội cho con”. Chính những lời tâm tình này đã giữ Nikita ở lại trên bờ vực của sự phá sản tâm hồn.

Đây là vở kịch được xây dựng liên tục bởi những mâu thuẫn và xung đột, nhưng nhờ những đoạn đối thoại mang màu sắc tâm tình này, không khí trở nên bớt căng thẳng hơn. Đồng thời, đó là những khoảng lặng để nhân vật, tác giả và độc giả cùng lắng lại và suy ngẫm về tình cảm cũng như cách ứng xử của mỗi con người.

Ngoài những đoạn đối thoại tâm tình thủ thỉ, thì triết lý cũng là màu sắc được Tônxtôi sử dụng khi xây dựng ngôn ngữ của nhân vật. Triết lý được xem như “Một hình thức diễn đạt ngắn gọn mà độc đáo một kinh nghiệm, chân lí nào đó dưới dạng những lời phát biểu tự nhiên mang tính tất yếu quy luật” [21, 35]. Triết lý có tác dụng xoáy sâu vào nội dung nào đó và có thể nói lên tính cách nhân vật nếu như những lời đó do chính nhân vật phát biểu.

Trong vở kịch, tác giả xây dựng nhân vật Akim như một người thấu hiểu ý Chúa, luôn khuyên răn con trai tránh xa vòng tộ lỗi. Akim đã thể hiện triết lý về cuộc sống:

“Nghĩa là người ta thu xếp công việc sao cho có lợi cho mình còn Chúa thì ái dà, người ta quên mất. Họ tưởng xoay về mình… là hay nhưng nhìn kĩ hoá ra làm hại mình. Người ta chỉ nghĩ làm sao cho phần mình tốt hơn, nhưng không có Chúa thì mọi việc tệ hại vô cùng”.

Theo Akim, sự tính toán ích kỷ đi ngược lại ý Chúa và cuối cùng

“Dối trá rồi cũng lòi đuôi ra” và trước toan tính cũng như ý định xấu, mọi thứ sẽ trở thành bi kịch.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch Quyền lực bóng tối của L.Tônxtôi

Không chỉ triết lí về cuôc sống, Akim còn triết lý về thái độ ứng xử trong tình yêu:

“Cứ liệu đấy Nikita ạ, giọt nước mắt của cô gái bị xúc phạm, ái dà, sẽ không rơi ra ngoài đâu mà bao giờ nó cũng rơi trúng đầu thằng đàn ông gây ra chuyện đó, liệu đấy kẻo lại sinh chuyện”.

Ngay từ hồi đầu của vở kịch, khi thấy Nikita có ý định bỏ rơi Marina, Akim đã cảnh báo và tiên đoán về những tội lỗi con người sẽ vướng phải khi dối trá. Những lời triết lý của Akim rất giản dị và luôn đi kèm với nhũng tiếng “ái dà”, nhưng bên trong những ngôn ngữ tưởng chừng như giản đơn ấy là cả những bài học nhân sinh của con người đã sống 50 năm trên cuộc đời và dưới ánh sáng nhân từ của Chúa vô biên.

Bên cạnh nhân vật Akim, bác lính già Mitrit cũng là một con người từng trải. Bằng kinh nghiệm của cuộc đời, bác đã đưa ra sự nhìn nhận về con người trong xã hội:

Nikita: Bác bảo không nên sợ mọi người à?

Mitrit: Có cái đếch gì mà sợ. Anh thử nhìn họ trong buồng tắm mà xem. Họ đều được nặn từ một thứ bột cả. Có khác nhau là ở chỗ anh này bụng to, anh kia bụng nhỏ. Đúng thế đấy, mẹ kiếp, việc quái gì phải sợ ai”.

Với Mitrit, tất cả mọi người trong xã hội đều bình đẳng như nhau. Vì vậy, không cần phải e dè, hay sợ ai cả, hãy dũng cảm sống thực với chính bản thân mình. Chính câu nói này đã trở thành động lực, để Nikit từ bỏ hẳn ý định tự tử và dũng cảm thú tội trước mọi người, chiến thắng chính bản thân mình.

Đó là những triết lý về tình yêu, cuộc sống và con người mà Tônxtôi muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Nhưng cũng không nên căn cứ vào những lời triết lý mà cho rằng đây là một vở kịch luận đề, minh hoạ thuyết giáo giản đơn cho tôn giáo hay quan niệm nào đó. Vì đây là những triết lý được đúc kết hoặc tiên đoán từ hàng loạt hành động, việc làm cũng như

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch Quyền lực bóng tối của L.Tônxtôi

cách ứng xử của nhân vật trong tác phẩm. Tônxtôi không tự hạn chế mình trong mối bùng nhùng muôn thủa của mâu thuẫn thiện - ác mà triết lý nhằm khơi gợi và thúc đẩy những suy nghĩ cũng như hành động tích cực của con người.

Như vậy, đối thoại là một trong những biện pháp chủ yếu của kịch khi xây dựng nhân vật. Đây là một đặc trưng mang tính thể loại, đối thoại nhiều về số lượng và quan trọng về chất lượng, khả năng thể thể hiện nội dung của đối thoại là rất lớn. Thông qua đối thoại, chúng ta không chỉ hình dung một phần về ngoại hình, tính cách của nhân vật mà đối thoại còn đạt được mục đích ở cấp độ cao hơn: tâm tình và triết lý hết sức sâu xa.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong vở kịch quyền lực bóng tối của l tônxtôi (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)