Mỗi con thỏ cái lai sinh sản được nuôi riêng trong một ô chuồng, thỏ đực lai được nhốt ở một dãy lồng riêng biệt với thỏ cái.
Buổi sáng sau khi dọn chuồng xong cho thỏ ăn lá rau muống 150g/con/ngày. Bổ sung bã đậu nành 200g/con/ngày và đậu nành ly trích 30g/con/ngày. Tất cả các loại thức ăn này được bổ sung đồng đều cho tất cả các đơn vị thí nghiệm. Buổi chiều tối cho thỏ ăn cỏ lông tây.
Thỏ được cho ăn 2 lần/ngày:
+ Buổi sáng khoảng 8:00 giờ đến 9:00 giờ cho thỏ ăn lá rau muống và cỏ Paspalum
với bột đậu nành. Khoảng 16:30 giờ cho thỏ ăn cỏ lông tây.
Thức ăn được cân trước khi cho ăn, thức ăn thừa được thu và cân lại vào sáng hôm sau để tính lượng thức ăn ăn vào thật sự.
Mẫu thức ăn cho ăn và mẫu thức ăn thừa được lấy 2 tuần một lần để phân tích thành phần dưỡng chất, từ đó tính được lượng dưỡng chất ăn vào trong thời gian thí nghiệm.
Khi thỏ cái lên giống, bắt thỏ cái nhẹ nhàng sang lồng thỏ đực, không nên làm ngược lại. Quan sát thỏ phối giống để biết thỏ có phối được hay không, thỏ cái sau khi phối xong được ghi ngày phối trên phiếu theo dõi và cân trọng lượng, sau 10 ngày tiến hành khám thai. Nếu có thai thì tiếp tục theo dõi, nếu không mang thai thì tiến hành phối lại vào lần lên giống tiếp theo.
Sau khi thỏ mẹ đẻ, tiến hành cân trọng lượng thỏ mẹ, đếm và cân trọng lượng thỏ con sơ sinh, ghi nhận lại số con sống chết, cho thỏ con bú được sữa đầu, sau đó được đặt vào lồng nuôi thỏ con.
Theo dõi lượng sữa của thỏ mẹ hàng ngày bằng cách cân trọng lượng của thỏ con trước và sau khi cho bú.
Thỏ con được cho bú mỗi ngày một lần vào một giờ nhất định để tránh làm mất phản xạ tiết sữa của thỏ mẹ, thỏ sau khi bú xong được đặt vào lồng riêng.
Thỏ con thường mở mắt vào khoảng 10 - 15 ngày tuổi. Khi thấy thỏ mở mắt, tiến hành cho thỏ tập ăn bằng rau mơ, rau lang, thức ăn hỗn hợp… tuần thứ 3 trở đi bắt đầu tập cho thỏ ăn cỏ lông tây.
Thỏ con được cai sữa ở 30 ngày tuổi.