Một số biện pháp phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Một phần của tài liệu tội sản xuất buôn bán hàng giả trong luật hình sự việt nam (Trang 66 - 68)

5. Kết cấu đề tài

3.5.1. Một số biện pháp phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Để việc phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu quả hơn đầu tiên phải nói đến các biện pháp đấu tranh phòng ngừa của các cơ quan chức năng, cần phải lập và triển khai kế hoạch phòng chống hàng giả trên địa bàn mình quản lý, hướng dẫn người tiêu dùng dưới mọi hình thức về tác hại của hàng giả, nhằm tạo nên phong trào nhân dân cùng chung tay chống loại tội phạm này, tập trung kiểm tra xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, có quy mô lớn, phải truy tố và xét xử nghiêm khắc công khai các vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả, tổ chức các hòm thư thu thập tố cáo của người nhân dân về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, doanh nghiệp cần thắt chặt hệ thống quản lý và tiêu thụ hàng hóa của mình, cần phải xem việc chống hàng giả, hàng nhái cũng là trách nhiệm của mình chứ không nên coi đó là việc của cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần nhanh chóng gửi đơn khiếu nại để giải quyết triệt để vấn đề.

Tăng cường Marketing quảng bá thương hiệu để hướng người tiêu dùng sử dụng nhiều hàng thật hơn. Các loại “tem chống giả”, cần phải được quảng bá dấu hiệu phát hiện rộng rãi để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng thật- giả.

Vấn đề quan trọng và lâu dài là nâng cao ý thức cộng đồng về công tác đấu tranh chống hàng giả và đặc biệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ cần được triển khai thường xuyên cùng với việc triển khai đào tạo về quyền sở hữu trí tuệ một cách bài bản có hệ thống ngay từ trong nhà trường phổ thông và tại các bậc học cao hơn.

Mục đích của biện pháp này là “giảm cầu” đối với hàng giả thông qua việc cung cấp các tiêu chí để người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng giả; tác động để người tiêu dùng đóng vai trò chủ động trong việc tố giác vi phạm với các cơ quan chức năng, thực hiện xã hội hóa công tác đấu tranh chống hàng giả.

Thứ hai, hoàn chỉnh khung pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả.

Các quy định về hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay không rõ ràng dẫn đến nhiều trường hợp hàng hóa có chất lượng rất thấp, nhưng thiếu căn cứ rõ ràng để kết

luận là hàng giả về chất lượng, trong khi đó, hàng hóa giả về chất lượng gây tác hại trực tiếp và rõ ràng nhất đến người tiêu dùng.

Quy định về việc tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sản xuất, sức khỏe người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh, môi trường cũng gây nhiều khó khăn trong thực thi. Việc xác định mức độ ảnh hưởng phải có căn cứ kết luận của cơ quan chuyên môn thông qua quy trình đánh giá, khảo nghiệm trong một thời gian nhất định.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các tổ chức thực thi và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng:

Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ để tranh thủ trợ giúp về kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm, nhằm nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ của ViệtNam.

Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng như phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thị quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện quyền sở hữu trí tuệ của mình để thực hiện.

Sự tham gia của doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm có ý nghĩa quyết định. Doanh nghiệp chính là đơn vị sẽ xác định tính hợp pháp của sản phẩm, cung cấp các tài liệu, chứng cứ, dấu hiệu để cơ quan chức năng phân biệt hàng hóa vi phạm với hàng giả, với đội ngũ cán bộ thị trường đông đảo và có nghiệp vụ sâu về hàng hóa của mình, doanh nghiệp chính là đơn vị sẽ cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm cho các cơ quan chức năng.

Thứ tư, tăng cường năng lực thực thi, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các lực lượng chức năng.

Nâng cao năng lực đội ngũ thực thị quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra Khoa học và Công nghệ (như triển khai, duy trì và mở rộng đối tượng đào tạo, tập huấn và học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài nước,…), đồng thời tổ chức lại công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính thống nhất và sự phối hợp nhằm phát huy nguồn lực chung từ các lực lượng này.

Ngoài ra, Chính phủ cần có Chương trình hành động quốc gia một cách tổng thể và cụ thể về đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Với việc triển khai một cách đồng bộ các giải pháp pháp nêu trên và sự quan tâm, tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, trong thời gian tới hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nâng cao, góp phần xây dựng một thị trường trong sạch hơn, lành mạnh hơn.

Ngoài các biện pháp phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả nêu trên, thì cũng cần có biện pháp phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả do người nước ngoài thực hiện và người thực hiện hành vi phạm tội bằng cách sử dụng công nghệ cao.

Một phần của tài liệu tội sản xuất buôn bán hàng giả trong luật hình sự việt nam (Trang 66 - 68)