6. Cơ cấu của luận văn
3.2.5. Nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp
hợp đồng.
Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập các tổ chức và các diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực như: WTO, APEC, AFTA… Quá trình này đặt ra nhiều vấn đề hoàn thiện pháp luật thương mại cũng như pháp luật về hợp đồng để thực hiện các cam kết quốc tế và phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong giao lưu thương mại. Điều này đòi hỏi sự tương thích giữa các quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại của nước ta so với pháp luật và tập quán quốc tế. Cần nghiên cứu khả năng áp dụng các tập quán quốc tế, án lệ trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động thương mại theo các quy định mà Việt Nam đã cam kết. Để đáp ứng yêu cầu này, tôi cho rằng cần giải quyết các vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng và áp dụng các chế định, nguyên tắc và thông lệ quốc
tế về giao kết hợp đồng nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở nước ta. Sau khi Nhà nước ban hành Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), pháp luật hợp đồng nước ta được hoàn thiện theo hướng ngày càng phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định vẫn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, do vậy, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định này, như: quy định về nguyên tắc
công bằng, nguyên tắc bình đẳng trong giao kết hợp đồng thương mại; vấn đề điều chỉnh pháp lý đối với “điều kiện thương mại chung”, vấn đề về trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ do mình cung cấp…
Hai là, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lập pháp để tiếp nhận và áp dụng các
giá trị pháp luật, các quy tắc, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng và giao lưu thương mại qua nhiều kênh tiếp nhận khác nhau, như: áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam; nội luật hoá các cam kết, hiệp định pháp lý, điều ước quốc tế song phương và đa phương; tiếp nhận thông qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình hội nhập các tổ chức ASEAN, WTO …
Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong
hoạt động thương mại ở nước ta thông qua việc tiếp nhận các luật mẫu liên quan đến hợp đồng của các tổ chức quốc tế (như: Bộ Các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng thương mại quốc tế của Unidroit...); tiếp nhận các điều lệ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế trong các lĩnh vực cung cấp hàng hoá, dịch vụ như: vận tải hàng hải, hàng không, bảo hiểm... Các quy định này đóng một vai trò quan trọng trong việc hài hoà hoá pháp luật giữa các quốc gia.
Bốn là, cần tăng cường tính minh bạch của pháp luật trong quá trình hội nhập kinh
tế quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng khi chúng ta tham gia WTO. Để thực hiện việc này, pháp luật hợp đồng của Việt Nam, nhất là các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại đặc thù phải bảo đảm sự nhất quán, công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp và người dân, phải bảo đảm tính tin cậy, ổn định và dự đoán trước được. Đồng thời, hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các văn bản pháp quy, văn bản quản lý hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành pháp can thiệp vào các quan hệ tài sản, hợp đồng trong nền kinh tế.
Năm là, trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật, cần nghiên cứu việc áp dụng
án lệ, tập quán quốc tế, các học thuyết pháp lý trong quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại. Việc nghiên cứu áp dụng các học thuyết pháp lý có vai trò ngày càng quan trọng nhằm giải thích các nguyên lý pháp luật. Nhưng ở nước ta, việc này còn có những hạn chế. Trong lĩnh vực hợp đồng, các học thuyết liên quan đến quyền tự do thoả thuận, tự do ý chí, về xác lập hợp đồng, hình thức hợp đồng, hiệu lực hợp đồng... có vai trò quan trọng trong việc xác định quan hệ hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm bảo vệ một cách khoa học, hợp lý quyền lợi của các bên liên quan trong quan hệ hợp đồng.
Kết luận chương 3
1. Qua nghiên cứu những vấn đề hạn chế cho thấy việc hoàn thiện pháp luật hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta cần dựa trên những định hướng và quan điểm thống nhất, có cơ sở khoa học và khả thi. Điều này đòi hỏi pháp luật hợp đồng của Việt Nam phải bảo đảm tính thống nhất trong việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng, từ các quy định của Bộ luật Dân sự với vai trò là luật chung đến các quy định của Luật Thương mại và các luật chuyên ngành với vai trò là luật chuyên ngành, từ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và hoạt động xét xử của Toà án.
2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam cần bảo đảm những nội dung sau: phù hợp đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; Bảo đảm tính thống nhất, nhất quán của pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng; phải đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và pháp luật về thương mại, kinh doanh và đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế.
3. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm cả việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc áp dụng pháp luật về hợp đồng; (ii) Xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh “các điều kiện thương mại chung” trái pháp luật; (iii) Sửa đổi một số quy định trong Bộ Luật Dân sự (2005) nhằm bảo đảm đầy đủ hơn nội dung quyền tự do hợp đồng;(iv) sửa đổi Pháp lệnh Giá (2002) và (v) Nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng.
4. Bên cạnh các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cũng cần đề cao hiệu quả, vai trò hoạt động của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các hành vi vi phạm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Trong đó, việc quy định cho Thẩm phán quyền giải thích pháp luật hợp đồng và thừa nhận án lệ là nguồn bổ trợ cho pháp luật hợp đồng là rất cần thiết.
KẾT LUẬN
1. Theo quan niệm truyền thống, tự do hợp đồng là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Mặc dù ra đời trên cơ sở nguyên tắc tự do ý chí với việc đề cao một cách tuyệt đối quyền tự do, nhưng thực tế phát triển của hợp đồng và pháp luật hợp đồng đã khẳng định cả về mặt lý luận và thực tiễn: không thể có công bằng và công lý trong quan hệ hợp đồng, nếu như quyền tự do hợp đồng được thừa nhận tuyệt đối, đặt ngoài sự tác động của Nhà nước. Bởi vì, việc quyền tự do hợp đồng được thừa nhận một cách tuyệt đối dẫn đến nguy cơ bị "mất tự do hợp đồng", do bên thế mạnh thường lạm
dụng ưu thế của mình để đưa ra những điều khoản bất lợi cho bên ở vào vị trí thế yếu nhằm mục đích hoặc có hậu quả làm hạn chế quyền tự do hợp đồng của các chủ thể khác.
2. Xu hướng phát triển của pháp luật hợp đồng các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy, với mục đích bảo đảm công bằng trong quan hệ hợp đồng, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng, Nhà nước cần tác động vào quan hệ hợp đồng thông qua con đường: ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng, thông qua hoạt động quản lý của các cơ quan hành pháp và thông qua hoạt động xét xử của Toà án. Sự tác động của Nhà nước xuất phát từ cơ sở nhằm bảo vệ quyền tự do hợp đồng, bảo vệ lẽ công bằng trong quan hệ hợp đồng, chống lại các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên có vị trí thế mạnh nhằm mục đích hoặc có hậu quả làm hạn chế quyền tự do hợp đồng của các chủ thể khác, bảo vệ trật tự công công và lợi ích chung của xã hội.
3. Pháp luật quy định nội dung quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm: quyền quyết định lùa chọn đối tác ký kết, quyền tự do thoả thuận nội dung các điều khoản hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên; quyền lùa chọn hình thức hợp đồng và quyền quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng. Việc Nhà nước bảo đảm sự đa dạng các hình thức sở hữu, tôn trọng tính thị trường trong việc thực hiện cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… là các cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Bởi vì, việc xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại phù hợp cơ chế thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội.
4. Nghiên cứu những hạn chế quyền tự do hợp đồng trong pháp luật hợp đồng Việt Nam cho thấy: Bên cạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật về hợp đồng, hệ thống pháp luật về hợp đồng còn bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, như: Pháp luật hợp đồng nước ta còn thiếu các quy định bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, nhất là các quy định xử lý
các hợp đồng mẫu, "điều khoản thương mại chung" do các doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp độc quyền) đưa ra vi phạm nguyên tắc tự do hợp đồng và nguyên tắc "công bằng" trong quan hệ hợp đồng; nhiều quy định của Bộ Luật Dân sự (2005) còn hạn chế quyền tự do hợp đồng, nhất là quy định về hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng…; Sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn và những hạn chế của các văn bản pháp luật chuyên ngành so với các quy định của Luật thương mại (2005) trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng như các quy định về hợp đồng trong các văn bản: Luật Kinh doanh bảo hiểm (2000), Luật Điện lực (2004), Pháp lệnh Giá (2002); Việc chưa quy định cho Thẩm phán có quyền giải thích pháp luật hợp đồng trong quá trình xét xử và thừa nhận án lệ là nguồn của pháp luật hợp đồng cũng là một hạn chế làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong thực tiễn…
5. Việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta là yêu cầu khách quan và là một quá trình, đòi hỏi phải được tiến hành dựa trên những cơ sở khoa học. Hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng phải đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và pháp luật về thương mại, kinh doanh; Đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế. Luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Các giải pháp này tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm cả việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc áp dụng pháp luật về hợp đồng, quy định cho Thẩm phán có quyền giải thích pháp luật hợp đồng và thừa nhận án lệ là nguồn bổ sung trong giải thích và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng; Xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh “các điều kiện thương mại chung”; Sửa đổi các quy định trong Bộ Luật Dân sự (2005) nhằm bảo đảm đầy đủ hơn nội dung quyền tự do hợp đồng, nhất là quy định về hình thức, nội dung hợp đồng; sửa đổi một số quy định của Luật Thương mại (2005) và các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành (bao gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện lực), nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự (2005) trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các chủ thể; sửa đổi Pháp lệnh Giá (2002) và nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng. Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp về cả lý luận và thực tiễn. Việc xác định các vấn đề chủ yếu làm cơ sở khoa học và thực tiễn để chỉ ra phương hướng và các giải pháp là một công việc cấp bách cũng như lâu dài và gồm nhiều nội dung liên quan.
Các vấn đề khác liên quan đến quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam như: sở hữu, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh,… là những vấn đề đặc thù cần được tiếp tục nghiên cứu luận giải ở các công trình khoa học pháp lý khác.