- Đánh giá vai trò tín dụng của NHNo&PTNT trên địa bàn Đại Lộc:
2.2.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
Nguyên nhân của những hạn chế trong việc nâng cao vai trò của tín dụng NHNo&PTNT cho phát triển KT-XH trên địa bàn bao gồm các nội dung sau:
- Trước hết là từ chính trình độ phát triển của KT-XH địa phương.
Tín dụng của NHNo&PTNT được sử dụng như một công cụ đòn bẩy tác động vào quá trình phát triển của KT-XH địa phương, nhưng chính trình độ phát triển của KT-XH huyện cũng sẽ tác động trở lại vào hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT.
Trong những năm qua, với sự vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, KT-XH huyện Đại Lộc đã đạt được những thành tựu quan trọng (thể hiện tại 2.1.1), tuy nhiên, đến nay các tiêu chí cơ bản của một huyện công nghiệp vẫn đang còn ở xa phía trước.
Các doanh nghiệp nhà nước có mặt trên địa bàn chưa đủ mạnh. Hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh kém. Loại hình kinh tế hợp tác dù đã được đầu tư sắp xếp củng cố nhưng đến nay sự vận hành trong cơ chế thị trường còn nhiều lúng túng, chưa thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ đó, đầu tư vốn tín dụng của NHNo&PTNT cho 2 thành phần kinh tế chủ chốt, đảm bảo định hướng XHCN, vừa hạn chế (do thiếu các điều kiện vay vốn), vừa kém hiệu quả.
Các cụm, khu công nghiệp đang được hình thành trên địa bàn huyện, yếu tố được xem như cứu cánh của phát triển kinh tế trong những năm tới đã và đang có nhiều nhà đầu tư đến đặt chỗ nhưng sự khởi động vẫn rất nặng nề, do thiếu vốn. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các cơ sở kinh tế trên địa bàn nói chung chưa đủ mạnh. Vẫn còn thiếu những đơn vị SXKD mạnh vốn, có trình độ công nghệ cao, có chiến lược phát triển năng động, sắc bén… những điều kiện tạo nên ưu thế cho tín dụng và cũng là ưu thế cho phát triển KT-XH.
- Nguyên nhân về phía các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền sở tại ở địa phương, sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan hữu quan trên địa bàn trong việc giữ vững kỷ cương pháp luật, lành mạnh hoá hoạt động tín dụng.
Quan điểm chính sách của các cấp lãnh đạo Đảng và Chính quyền đối với hoạt động tín dụng là đúng đắn, nhưng chưa thật nhất quán trong việc triển khai thực hiện. Đôi lúc, đôi nơi vẫn còn có tư tưởng đánh đồng vị trí của chi nhánh NHTMNN duy nhất trên địa bàn (tức NHNo&PTNT) như một doanh nghiệp bình thường hoạt động chỉ với mục tiêu lợi nhuận. Từ đó mà sự quan tâm và phối hợp để “giữ vững kỷ cương pháp luật, lành mạnh hoá hoạt động tín dụng” [38] không được duy trì liên tục và đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành. Thực tế cho thấy, khi kỷ cương pháp luật trong các quan hệ tín dụng bị lơi lõng thì lập tức sẽ tác động xấu đến hoạt động tín dụng, tác động dây chuyền đến các các quan hệ kinh tế nói chung trên địa bàn.
- Sự tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại trên địa bàn vẫn chưa thể thực hiện nghiêm túc, tác động xấu đến quá trình quản lý tín dụng của
NHNo&PTNT, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh tài chính của các chi nhánh NHNo&PTNT trên địa bàn.
Tháng 10/2004, theo chỉ đạo của NHNo&PTNT Việt Nam, toàn bộ dư nợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo được bàn giao sang NHCSXH quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, trên địa bàn huyện với 2 ngân hàng song song cùng hoạt động, nhưng sự tách bạch giữa 2 đối tượng tín dụng vẫn chưa thực hiện triệt để. Tình trạng cho vay chồng chéo, cùng một đối tượng nhưng được cả 2 ngân hàng cho vay là khó tránh khỏi. Điều này rất nguy hiểm cho công tác quản lý tín dụng.
Mặt khác, cơ cấu tín dụng của NHNo&PTNT hiện vẫn còn các khoản nợ cho vay theo chương trình chỉ định của Chính Phủ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm
khắc phục hậu quả hạn hán năm 1998, khắc phục hậu quả lũ lụt năm 1998 và 1999. Thực chất đây là đối tượng của tín dụng chính sách nhưng không được chỉ đạo bàn giao sang NHCSXH. Đến cuối năm 2005, tổng dư nợ vay khắc phục hậu quả thiên tai tồn đọng trên địa bàn là 3,9 tỷ đồng (NHNo&PTNT huyện 2,7 tỷ và NHNo&PTNT Vùng B 1,2 tỷ). Điều đáng nói là toàn bộ dư nợ này đều đã quá hạn từ lâu, người vay do nhiều lý do không trả được nợ, nên theo yêu cầu của NHNo&PTNT Việt Nam, các chi nhánh đã phải trích chi phí để lập quỹ dự phòng rũi ro cho các khoản nợ này, chuyển toàn bộ dư nợ sang theo dõi ngoại bảng. Từ đó gây ảnh hưởng nặng đến an ninh tài chính của đơn vị vào cuối năm 2005 và nhiều năm sau.
- Những nguyên nhân về phía năng lực nội sinh của NHNo&PTNT trên địa bàn: Cơ chế điều hành còn thiếu nghiêm minh, triệt tiêu động lực; Sự vận dụng của chính sách tín dụng thiếu mềm mỏng, linh hoạt; Trình độ công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao; Tình trạng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác tín dụng vẫn dai dẳng, chưa có lối thoát…
Cơ chế tài chính của NHNo&PTNT Việt Nam, yếu tố được cho là động lực của sự phát triển và việc áp dụng linh hoạt cho các cấp chi nhánh còn nhiều bất cập, thiếu công bằng; cơ chế thưởng phạt trong hệ thống chưa nghiêm... Từ đó dẫn đến xu hướng thắt chặt, thủ thế, triệt tiêu động lực của các chi nhánh NHNo&PTNT trên địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tín dụng.
Trong những năm qua, mặc dù đã được đầu tư đáng kể cho mục tiêu HĐH công nghệ ngân hàng, nhưng nói chung trình độ công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Mức độ tự động hoá trong các quy trình nghiệp vụ chưa cao, nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ vẫn phải thao tác thủ công song song với thao tác máy. Hệ thống phần mềm ứng dụng chưa theo kịp sự đổi mới cơ chế nghiệp vụ. Hoạt động quản trị điều hành vẫn còn theo lối thủ công truyền thống mà chưa khai thác có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin hiện có.
Theo kết quả khảo sát tại 2.2.1.1, thể hiện rõ tình trạng thiếu cán bộ tại các chi nhánh NHNo&PTNT ở Đại Lộc. Trong nhiều năm đội ngũ cán bộ viên chức không được bổ sung, dẫn đến tình trạng tuổi đời bình quân cao (42,5 tuổi), đa số được đào tạo từ thời bao cấp, khả năng nắm bắt, sử dụng hệ thống vi tính cho chuyên môn là kém. Đây là bức
xúc không chỉ riêng của các chi nhánh NHNo&PTNT trên địa bàn Đại Lộc mà còn là bức xúc chung của hệ thống NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam.
Cả hai điều kiện trình độ công nghệ và trình độ lao động đều thấp cả về chất và lượng, hệ quả không tránh khỏi là năng suất lao động thấp cùng với tình trạng quá tải tín dụng, đã gây nên những khó khăn gay gắt trong hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT trên địa bàn.
Chương 3
định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở đại lộc và Những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn
đối với phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam