7. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Nội dung công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn
mới của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ nhất: Chăm lo tới lợi ích của nông dân
Lợi ích là nhân tố liên kết các thành viên trong một cộng đồng, là động lực để các thành viên trong cộng đồng xây dựng và đấu tranh. Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng đảng ta đã sớm xây dựng được khối liên minh công – nông và động viên được nông dân dũng cảm, kiên cường vùng lên đấu tranh giành thắng lợi. Bước vào thời kỳ mới, đảng và nhà nước đã phát huy được sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết toàn dân, đưa vị thế của đất nước ngày càng nâng cao trong khu vực và quốc tế. Có được kết quả đó là do Đảng ta luôn chăm lo đến lợi ích của người nông dân, giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích của giai cấp nông dân và lợi ích của dân tộc. Và đây cũng được coi là bài học quan trọng về công tác vận động nông dân trong quá trình lãnh đạo cách mạng và nó vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa trong thực tiễn xây dựng đất nước hiện nay.
Khi tiến hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới việc chăm lo tới lợi ích của nông dân cũng được đảng ta coi trọng. Để hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng tới công tác cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí và phát huy dân chủ.
Trước hết để cải thiện dân sinh, đảng chủ trương nâng cao đời sống vật chất cho nông dân. Muốn làm được điều đó, phải khuyến khích, giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới việc làm cho nông dân. Trong nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học), bố trí lại cơ cấu đất trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn. Thực hiện tốt gắn kết chặt chẽ bốn nhà (nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Phát triển các hiệp hội nông dân và các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động thiết thực, có hiệu quả” [35, tr. 196]. Cùng với việc phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất của nông dân, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới vấn đề nâng cao dân trí và phát huy dân chủ cho nông dân.
Mặt bằng dân trí của nông dân Việt Nam còn thấp, phần lớn là lao động chưa qua đào tạo nghề. Do vậy, đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, con em nông dân và đặc biệt là những hộ nghèo, gia đình chính sách. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, phổ cập kiến thức khoa học - công nghệ tới nông dân, để họ có kiến thức và ứng dụng kiến thức đó vào trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Mở nhiều lớp tập huấn ngắn hạn hướng dẫn nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, các
cấp ủy đảng và chính quyền cũng tập trung phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới, làng xã mới, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu hình thành các chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống dân tộc và yêu cầu của thời kỳ mới.
Cùng với việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hiện dân chủ cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn mới của đảng, bởi “Có phát huy dân chủ tới cao độ thì mới động viên được tất cả các lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” [51, tr. 566].
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cán bộ, đảng viên phải luôn nắm vững nguyên tắc mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Việc nào có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc nào có hại cho dân ta phải hết sức tránh” [53, tr. 57]. Và lấy việc chăm lo tới lợi ích của nông dân làm tiền đề thực hiện tốt công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai: phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới
Chủ trương xây dựng nông thôn mới của đảng đã tạo được niềm tin, tinh thần phấn khởi cho đông đảo quần chúng nhân dân đặc biệt là người nông dân. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn tổng hợp với nhiều nội dung và phương pháp cách làm khác nhau, trong khi đó công tác tuyên truyền, tập huấn đến quần chúng nhân dân và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới còn hạn chế và chưa đáp ứng với yêu cầu. Do đó, dẫn tới tình trạng một bộ phận cán bộ các cấp và người dân nông thôn chưa hiểu đầy đủ về các nội dung xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là một số vấn đề: Vai trò chủ thể là người dân trong xây dựng
nông thôn mới; thu hút nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới; quy hoạch nông thôn mới; cách thức phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; nội dung và cách thức xây dựng lối sống văn hóa; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa nông thôn trong quá trình hiện đại hóa; nội dung, phương pháp bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái nông thôn; cách thức lôi cuốn doanh nghiệp về nông nghiệp, nông thôn. Để giúp nông dân phát huy tối đa tinh thần và sức mạnh đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, trước hết đảng và nhà nước đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới tới đông đảo quần chúng nhân dân. Thực hiện đúng theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm công tác dân vận: “Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” [52, tr. 698]. Qua lời căn dặn của Bác thì tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới của đảng và nhà nước là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động nông dân góp sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trước yêu cầu đó, Ban chỉ đạo Trung ương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 30-KH/BCĐTW-VPĐP ngày 20/5/2011 về việc tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Hướng tới mục tiêu: Làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (nhất là khu vực nông thôn), các đối tác phát triển quốc tế hiểu đầy đủ hơn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để họ tự giác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình. Công tác tuyên truyền tập trung vào những nội dung cơ bản sau: Yêu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới ở nước ta; tiêu chí nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020;
những nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đặc điểm nguyên tắc xây dựng nông thôn mới; phương pháp, cơ chế chính sách mới trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảng và nhà nước luôn tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của quần chúng nhân dân. Loại bỏ những hủ tục, lạc hậu và biểu hiện lối sống đi ngược lại thuần phong, mỹ tục, đạo đức dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Nâng cao trách nhiệm, ý thức cộng đồng phát huy những tấm gương người tốt, việc tốt từng bước hình thành hệ chuẩn mực đạo đức mới. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân; nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng cuộc sống để giai cấp nông dân thực sự là chủ thể của quá trinh phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới” [35, tr. 49].
Các cấp ủy đảng và chính quyền cũng tập trung vào công tác giáo dục văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao tay nghề cho nông dân. Công tác tuyên truyền giáo dục vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là công tác lâu dài, thường xuyên bằng nhiều biện pháp, hướng tới mục tiêu xây dựng người nông dân mới có năng lực và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển.
Thứ ba: Tổ chức phong trào nông dân thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Việc tổ chức các phong trào nông dân thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa là mục đích, vừa là thước đo kết quả công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn mới của các cấp chính quyền địa phương. Muốn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không chỉ dừng lại ở việc hô hào chung chung, càng không thể ra lệnh, bắt nạt quần chúng thực hiện mà phải tiến hành tổ chức hiệu quả các phong trào quần chúng. Nắm bắt được vai trò quan trọng của việc tổ chức các phong trào quần chúng, thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảng, nhà nước và các cấp chính quyền đã phát động, tổ chức thực hiện nhiều phong trào thiết thực:
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua
“Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Phong trào chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn 1: từ năm 2011-2015; giai đoạn 2: từ năm 2015- 2020. Theo mục tiêu đề ra từ năm 2011-2015 sẽ có 20% số xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tới năm 2020 sẽ có 50% số xã hoàn thành. Phong trào đã được các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tích cực hưởng ứng, thực hiện.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 43- HD/BDVTW ngày 10/02/2012 về phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được thực hiện song song và lồng ghép với phong trào “Cả nước chung ta xây dựng nông thôn mới”, nhằm nâng cao nhận thức và phát động rộng rãi phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp, nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân. Phát huy vai trò của mặt trận đoàn thể nhân dân, đa dạng hóa công tác vận động và tổ chức sâu rộng nhiều
phong trào thi đua tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân-chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Các phong trào nông dân thi đua thực hiện xây dựng nông thôn mới do đảng và nhà nước phát động đã được lên kế hoạch tỷ mỉ trong từng giai đoạn cụ thể. Và đã được phát động tới hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương mà tổ chức những phong trào khác nhau, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư: Phát triển, củng cố Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức đoàn thể quần chúng để vận động nông dân phát huy năng lực chủ động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nông dân có được tổ chức, tập hợp lại mới phát huy được sức mạnh và mới thực hiện được yêu cầu “xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt”. Do đó, để thực hiện tốt công tác vận động nông dân trọng lộ trình hoàn thành các tiêu chí dựng nông thôn mới đảng và các cấp chính quyền luôn chú trọng tới nhiệm vụ phát triển, củng cố Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức đoàn thể quần chúng khác. Ngày 09/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/2001-CT/TTg về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Trong giai đoạn mới cần tăng cường mối liên hệ giữa nông dân với các cấp Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Từ đó phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân với đảng, nhà nước; đề xuất và tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể quần chúng hết sức chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân. Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể quần chúng tăng
cường tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chỉ thị số 59-CT/BCT của Bộ chính trị (khóa VIII) ngày 15/10/2000 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” đã chỉ ra rằng: “Các cấp hội phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và tổ chức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tâp hợp mọi tầng lớp nông dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của hội viên nông dân, xây dựng nông thôn mới”. Chỉ có như vậy, mới góp phần khẳng định vị trí quan trọng của Hội Nông dân và các tổ chức chính trị xã hội trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
TIỂU KẾT CHƢƠNG 1
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là chương trình phát tiển tổng thể về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nông thôn mới theo chủ trương của đảng có nhiều điểm khác biệt so với mô hình nông thôn truyền thống. Ở đó, không chỉ đỏi hòi hình thành một nền nông nghiệp mới mà còn cần xây dựng người nông dân mới với trình độ và năng lực để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Xuất phát từ vai trò quan trọng của nông dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới và tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân của nước ta thời gian qua, việc tiến hành công tác vận động nông dân góp sức cho công cuộc xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa to lớn và là yêu cầu bức thiết của cả hệ thống chính trị. Do đó, Đảng ta đã tiến hành thường xuyên công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn mới với những phương thức triển khai thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng tỉnh thành, huyện thị trong cả nước. Chủ trương vận động nông dân xây dựng nông thôn mới của đảng, nhà nước đã được huyện Hiệp Hòa hưởng ứng và triển khai có hiệu quả tích cực trong mấy năm vừa qua.
CHƢƠNG 2