1.4.1, Một số bài học kinh nghiệm quản lý FDI vào CNCBCT hiệu quả
Công nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực truyền thống thu hút nhiều FDI. Mặc dù hiện nay có những thay đổi trong xu thế đầu tư FDI, đó là đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đang tăng lên, nhưng tỷ trọng FDI vào lĩnh vực công nghiệp trong tổng FDI của toàn thế giới vẫn rất lớn do đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp mang tính bền vững cao. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển mà đa số đều đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá thì lĩnh vực công nghiệp còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời luôn cần một lượng vốn đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, xu thế FDI dần chuyển sang các ngành công nghệ cao hiện nay cho thấy nếu không phát triển công nghiệp, các nền kinh tế khó có thể thu hút FDI trong dài hạn. Chính vì vậy, chính sách phát triển công nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là công cụ thu hút FDI của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.
Indonesia là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Để vực dậy kinh tế trong nước, từ năm 1998, Indonesia đã tăng cường sản xuất khiến nền kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng bình quân 4-5 %/năm. Kèm theo đó, Indonesia vẫn phải chủ trương thu hút FDI để phát triển kinh tế; chính vì vậy, Indonesia thực hiện cơ cấu FDI hợp lý thông qua khuyến khích FDI vào các lĩnh vực sản xuất tận dụng lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ, phát triển kinh tế từng vùng miền. Indonexia đã tiến hành một số biện pháp: Thứ nhất, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, kết nối các vùng miền với nhau, lựa chọn và định hướng FDI có đặc điểm phù hợp với từng vùng miền. Với các dự án FDI cần sử dụng nguồn lực giá rẻ có thể sẽ trải ra đều hơn trên các địa phương do tính kết nối về cơ sở hạ tầng gia tăng. Các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa được tập trung sản xuất tại một địa phương. Thứ hai, phân cấp quản lý và chịu trách nhiệm nguồn vốn ngân sách và FDI vào từng địa phương. Chính sách thu hút và quy định về FDI sẽ có sự “vênh” nhau giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương, giữa cấp tỉnh và cấp quận tại địa phương. Quá trình phân quyền của Indonesia còn thiếu sự nhất quán và rõ ràng, còn có sự “vênh” trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, và tính chịu trách nhiệm của các cấp, các cơ quan điều phối quá trình phân cấp. Kinh nghiệm cho thấy điều này chỉ diễn ra khi việc phân quyền không đi kèm với nâng cao
năng lực cán bộ của các địa phương và hoàn thiện các thể chế quản lý và nâng cao vai trò lãnh đạo.
Myanmar - nước có nền kinh tế mới mở cửa nhưng ngay từ đầu đã rất kiên quyết trong thu hút dự án. Họ thành lập một Hội đồng giám sát độc lập gồm các chuyên gia nước ngoài xem xét kỹ lưỡng về năng lực nhà đầu tư, khả năng lan tỏa của dự án. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, Hội đồng giám sát đó đã khéo léo từ chối. Bằng cách đó, dù đi sâu trong chính sách mở cửa, đất nước này đang tránh được tối đa “vết xe đổ” của những nền kinh tế đi trước.
Singapore là một trong những nền kinh tế thành công trong việc thu hút FDI nhờ chiến lược tập trung vào công nghiệp hoá hướng ra xuất khẩu. Chiến lược này được xây dựng từ những năm 1960 dựa trên thực tế là thị trường nội địa nhỏ hẹp, nguồn vốn trong nước hạn chế, các nhà doanh nghiệp trong nước vẫn còn thiếu. Chiến lược này đã được thực hiện hiệu quả và đến năm 1981, ngành chế tạo-chế biến của Singapore đã thu hút được đến hơn 1/2 tổng số vốn FDI vào trong nước. Đến năm 1993, các khoản đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh và ngành chế tác đã thu hút đến 60% tổng vốn đầu tư nước ngoài, đưa Singapore trở thành một trong những nước thu hút nhiều vốn FDI vào ngành chế tác. Thành công này không chỉ do những khuyến khích mạnh về thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà quan trọng hơn là do cơ sở hạ tầng thuộc loại hàng đầu thế giới của Singapore (pháp lý, vận tải, viễn thông), môi trường hỗ trợ kinh doanh, bộ máy hành chính hiệu quả và môi trường chính trị tương đối ổn định. Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu, Singapore thành lập Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB), là cơ quan độc lập của Chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc một cửa, lựa chọn tất cả các yêu cầu của nhà đầu tư và có định hướng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước như sửa chữa tàu biển, gia công kim loại, hoá chất, thiết bị và linh kiện. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút FDI đồng thời tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa.
Thái Lan đã có sự kết hợp khéo léo giữa mục tiêu công nghiệp hoá và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách thu hút FDI của Thái Lan rất năng động, liên tục được điều chỉnh để thích nghi với từng thời kỳ phát triển đất nước. Thái Lan luôn xác định nước thu hút đầu tư trọng điểm, từ đó, xây dựng các bộ phận chuyên trách riêng biệt cho từng nguồn xuất xứ của
nhà đầu tư. Chính sự chuyên môn hóa và tổ chức này đã đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch khác nhau. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Thái Lan đã có những chính sách nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào như nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu, cước viễn thông quốc tế, giá thuê đất chi phí lưu thông hàng hoá, nới lỏng chính sách thuế thu nhập của người nước ngoài. Một đặc điểm nữa trong chính sách công nghiệp phục vụ thu hút FDI của Thái Lan đó là Chính phủ rất chú ý phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Thái Lan đã thành lập ủy ban hỗ trợ về vấn đề này và cùng với các tổ chức chuyên môn lo phát triển, xây dựng, hình thành những mối liên kết công nghiệp hỗ trợ trong nước. Hiện Thái Lan có tới 19 ngành công nghiệp phụ trợ ở ba cấp: Lắp ráp, cung cấp thiết bị – phụ tùng – linh kiện và dịch vụ. Một ví dụ điển hình về sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ ở Thái Lan đó là trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Từ chỗ từng bước nội địa hóa phụ tùng, đến nay Thái Lan đã xuất khẩu cả ôtô với linh kiện – phụ tùng được sản xuất tại chỗ. Mặc dù chỉ có 15 nhà máy lắp ráp, nhưng Thái Lan có đến 1.800 nhà cung ứng. Chính phủ Thái Lan từ chỗ quyết định về tỷ lệ nội địa hóa (năm 1996): 40% đối với xe tải nhỏ, 54% đối với xe tải khác, đã tiến đến yêu cầu động cơ diesel phải được sản xuất trong nước. Hiện nay, khi năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển đáp ứng yêu cầu, Thái Lan có chính sách buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định trong sản xuất, kinh doanh phải thay đổi chiến lược, để tuân thủ tỷ lệ nội địa hóa nói trên. Điều này đã kéo theo những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, mà còn kéo theo các công ty, tập đoàn lớn từ chính các nước đầu tư sang mở thêm các cơ sở công nghiệp phụ trợ tại Thái Lan.
Trung Quốc là một nền kinh tế thành công trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế nhằm khuyến khích đầu tư. Mục tiêu xây dựng các đặc khu kinh tế của Trung Quốc là thu hút công nghệ tiên tiến của nước ngoài, nâng cao trình độ kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng quan hệ với nước ngoài, phát triển kinh tế trong nước. Các nhà đầu tư khi vào sản xuất kinh doanh tại các đặc khu kinh tế (Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải, Hạ Môn và Hải Nam) được hưởng chế độ đặc biệt. Tùy theo đặc điểm và vị trí địa lý của từng đặc khu mà Trung Quốc có các chiến lược phát triển và chính sách ưu đãi khác nhau. Ví dụ, đặc khu Thâm Quyến, do liền kề với Hồng Kông, nên rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Nếu các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao thì sẽ được miễn thuế sử dụng đất trong 5 năm đầu và giảm 50% trong những năm tiếp theo. Tại đặc khu Chu Hải, nếu các doanh nghiệp có vốn FDI đang áp dụng công nghệ cao hoặc các doanh nghiệp
có lợi nhuận thấp thì được miễn trả tiền thuê đất. Các đặc khu kinh tế này được trao quyền giống như chính quyền cấp tỉnh trong việc điều tiết kinh tế và ban hành các văn bản quy định điều chỉnh. Với những chính sách đầu tư thông thoáng, linh hoạt cùng với nguồn lao động dồi dào, nhân công rẻ và có chất lượng, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã thu hút được một số lượng rất lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả tất yếu là FDI vào trong nước tăng, trang thiết bị được nâng cấp hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến trong hoạt động kinh tế được cập nhật, mức sống của người dân tại các đặc khu này được nâng cao. Đây là bài học kinh nghiệm đối với các vùng kinh tế khác ở Trung Quốc cũng như các nước khác trong việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư.
1.4.2, Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, kết nối các vùng miền với nhau, lựa chọn và định hướng FDI có đặc điểm phù hợp với từng vùng miền
- Phân cấp quản lý và chịu trách nhiệm nguồn vốn ngân sách và FDI vào từng địa phương, từng khu vực kinh tế cụ thể
- Khuyến khích về thuế
- Giảm thiểu chi phí đầu vào như nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu, cước vận tải quốc tế, giá thuê đất chi, phí lưu kho hàng hoá cho doanh nghiệp FDI
- Thành lập các đặc khu kinh tế trong khả năng, phạm vi cho phép - Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ
CHƯƠNG II