Những tồn tại của quản lý DTNH tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng điều hành chính sách tỷ giá và cán cân thương mại tai ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 69 - 71)

5. Thị trường ngoại hố

5.7.2. Những tồn tại của quản lý DTNH tại Việt Nam

Một là, hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý DTNH còn bộc lộ nhiều bất cập.

Các nội dung liên quan đến khen thưởng và xử lý vi phạm về quản lý dự trữ chưa có hoặc mờ nhạt, không tạo ra được động lực cho cấp quản lý đầu tư dự trữ trực tiếp.

Hai là, chiến lược quản lý DTNH vẫn thụ động, hoạt động đầu tư dự trữ đơn điệu, chưa tương xứng với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập.

Định hướng chiến lược quản lý DTNH chủ yếu mới chỉ đặt ra mặt cơ cấu đảm bảo an toàn tài sản, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trả nợ của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mà chưa đặt ra mức dự trữ, hay căn cứ để xác định DTNH chính thức của nhà nước ở tầm vĩ mô phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong từng thời kỳ như tăng trưởng kinh tế, chỉ số lạm pháp, xuất khẩu,…

DTNH tăng chủ yếu do FDI, ODA và kiều hối tăng. Việc quản lý các luồng ngoại tệ ra, vào Việt Nam nhất là nguồn trả nợ (như L/C trả chậm, bảo lãnh…) còn hạn chế do sự phối hợp chưa hiệu quả, chưa nhịp nhàng trong điều hành xuất, nhập khẩu, ngân sách...

Hình thức đầu tư còn đơn giản chủ yếu dưới hình thức tiền gửi tại các ngân hàng, các công cụ tài chính như trái phiếu chính phủ, chưa áp dụng các hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cao như đầu tư vào cổ phiếu hay uỷ thác đầu tư vào các quỹ.

Ba là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Mặc dù nhận được sự tài trợ một số dự án của các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu á…, nhưng các dự án này mới chỉ tập trung vào phần công nghệ thông tin phục vụ mảng kinh doanh, nghiệp vụ… Công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin số liệu, phân tích dự báo còn hạn chế.

Bốn là, thiếu cán bộ có trình độ và kinh nghiệm thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối và chuyên gia phân tích, dự báo giỏi. Nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc tại NHNN nói chung và tại bộ phận quản lý nói riêng còn thiếu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự đãi ngộ về tiền lương, thưởng… chưa hợp lý. Hơn nữa, công tác đào tạo, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia phân tích thị trường chưa được quan tâm đúng mức.

Hơn nữa, việc điều hành quản lý dự trữ trực tiếp được giao cho Sở Giao dịch trong khi đơn vị tham mưu chiến lược là Vụ Quản lý ngoại hối không tiếp xúc trực tiếp và liên tục với thị trường quốc tế nên các chính sách còn chậm so với biến động trên thị trường tài chính tiền tệ trong khu vực, sự biến động của thị trường trong khủng hoảng; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu đồng tiền còn bị động.

Công tác phân tích thị trường để thực hiện kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế chủ yếu còn ở giai đoạn tập dợt. Đáng lo ngại là chất lượng báo cáo lập và phân tích dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thấp, chậm và độ tin cậy số liệu không cao. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quyết định điều hành hoạt động trong quản lý DTNH… có thể dẫn đến những tổn thất về giá trị DTNH.

5.7.3. Giải pháp

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế quản lý dự trữ ngoại hối, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định quản lý DTNH:

NHNN cần rà soát, chỉnh sửa những điểm còn bất cập như đã nêu ở trên. Đồng thời, cần bổ sung và hoàn thiện các quy trình tạo thuận lợi cho quá trình tác nghiệp, đảm bảo an toàn như:

 Quy trình đầu tư DTNH cần đảm bảo mô tả công việc cụ thể, trách nhiệm của từng bộ phận, trong đó, quy định rõ các bước công việc xử lý đối với một đề xuất mới. Xây dựng quy định thống nhất về hồ sơ, các mẫu biểu về báo cáo đề xuất, tờ trình phân tích…

 Quy định DTNH đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, thị trường chứng khoán phát triển, là thành viên của WTO, tự do tài khoản vãng lai và mức độ tự do tài khoản vốn cao…

 Quy định DTNH phải đáp ứng sự chủ động đối với cán bộ trực tiếp tác nghiệp đầu tư dự trữ, cũng như đảm bảo việc quản lý của cán bộ cấp cao.

Thứ hai, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các cấp quản lý DTNH, tách nhiệm vụ ban hành quy định và tác nghiệp.

 Việc quản lý DTNH được phân thành 3 cấp rõ ràng với chức năng và nhiệm vụ độc lập: Cấp quản lý dự trữ ngoại hối cao nhất là Thống đốc NHNN, cấp thứ 2 là Ban điều hành quản lý DTNH và cấp thứ 3 là Vụ Quản lý dự trữ ngoại hối.

 Ban điều hành quản lý DTNH ban hành các quy định có tính định hướng chuẩn mức cho quản lý DTNH, thực hiện giám sát và thực hiện các nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn đến quỹ DTNH gồm: Xây dựng danh mục đầu tư chuẩn; Phê duyệt chiến lược đầu tư DTNH; Giám sát thực hiện quản lý DTNH; Phê duyệt những dự án đầu tư dự trữ lớn; Phê duyệt lựa chọn đối tác nhận uỷ thác đầu tư DTNH bên ngoài…

Thứ ba, hình thành các quỹ DTNH theo chức năng và xây dựng cơ cấu ngoại tệ và cơ cấu đầu tư DTNH cho từng quỹ.

Dự trữ được chia thành các quỹ khác nhau và mỗi quỹ sẽ được đầu tư bằng những công cụ và hình thức khác nhau đảm bảo việc quản lý DTNH đạt hiệu quả tối đa và phân tán rủi ro, đồng thời phải hình hành cơ chế điều chuyển giữa các quỹ. Mỗi quỹ dự trữ sẽ được xây dựng danh mục đầu tư chuẩn, phân cấp quản lý đầu tư... để đảm bảo dự trữ ngoại hối được quản lý tốt nhất. Đặc biệt, Quỹ dự trữ đầu tư dài hạn phải chú trọng đến công việc đánh giá, lựa chọn đối tác.

Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý DTNH và cán bộ phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô.

NHNN cần thường xuyên tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, đồng thời tổ chức những buổi hội thảo và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về phòng chống rủi ro trong hoạt động đầu tư, nghiên cứu hệ thống văn bản chế độ, quy chế quy định liên quan đến hoạt động đầu tư dự trữ.

Thứ năm, có chiến lược tăng DTNH phù hợp với mục tiêu phát triển quốc gia.

Ngoại tệ chuyển vào nước ta chủ yếu là kiều hối, ngoại tệ do cá nhân mang từ nước ngoài về, nguồn ngoại tệ do khách du lịch nước ngoài chi trả tại Việt Nam, tiền lương của người Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài,… Trong đó, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ lớn. Để khai thác tối đa nguồn ngoại tệ này, chúng ta cần tạo niềm tin cho kiều bào về sự ổn định kinh tế – chính trị – xã hội trong nước để họ yên tâm chuyển tiền về nước. Cơ quan hải quan cần kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn kiều hối lậu chảy về; NHNN khuyến khích các Ngân hàng thương mại mua để tăng nguồn kiều hối thu hút vào ngân hàng và bán cho NHNN.

Một phần của tài liệu Thực trạng điều hành chính sách tỷ giá và cán cân thương mại tai ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w