7. Bố cục của đề tài
2.2.1 Phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo ngành nghề sản xuất kinh
doanh và theo vùng lãnh thổ
Để có thể khơi dậy nguồn lực của thị xã trong tiến trình thúc đẩy quá trình trở thành thành phố loại III, Đảng bộ Vĩnh Yên đã có chủ trương phát triển đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh và phát triển theo vùng lãnh thổ đối với khu vực kinh tế tư nhân.
* Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp
Nông nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số khoảng 80% và 70% lực lượng lao động xã hội. Đây là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng của công nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác. Chính sự ổn định và phát triển vững chắc của khu vực này là điều kiện vô cùng quan trọng cho việc ổn định kinh tế - xã hội của thị xã. Sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nông nghiệp được thể hiện thông qua hình thức kinh tế hộ nông dân độc lập, tự chủ và kinh tế trang trại.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (tháng 11/2000) chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cho từng ngành kinh tế. Đối với việc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, Báo cáo nêu:
- Củng cố phát triển vùng trồng rau sạch ở Tích Sơn, Định Trung, vùng hoa ở Đống Đa, Đồng Tâm, Liên Bảo, Tích Sơn, mô hình sản xuất giống ở Hội Hợp. Khuyến khích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từng bước tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
- Chăn nuôi bò, lợn vẫn là sản phẩm hàng hóa chủ yếu, khuyến khích phát triển mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
- Đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng cải tạo vùng trũng. Đẩy mạnh các dự án nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp.
- Củng cố hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, mở rộng dịch vụ nhất là dịch vụ giao giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ về vốn, chế biến và tiêu thị nông sản.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII đã đưa ra quan điểm phát triển nông nghiệp theo lợi thế của từng ngành nghề sản xuất và từng vùng, trên cơ sở đó, hình thành các vùng nông nghiệp và các mô hình trang trại, HTX nông nghiệp có quy mô và thế mạnh khác nhau, tạo nên sự đa dạng và sự phân vùng của cơ cấu kinh tế tư nhân trong nông nghiệp. Quan điểm này tiếp tục được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã Vĩnh Yên giai đoạn 2001- 2010.
Chiến lược nhấn mạnh định hướng phát triển đối với nông nghiệp đó là coi sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị và xuất khẩu. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu theo hướng đa dạng hóa, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. Phấn đấu phát triển nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, phấn đấu dần đến năm 2005 hoàn chỉnh bước đầu các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô và thế mạnh khác nhau phù hợp với sự phát triển đô thị. Điểm khác ở đây việc phát triển nông nghiệp nói chung và kinh tế tư nhân
trong nông nghiệp nói riêng thích hợp với tốc độ đô thị hóa của thị xã; tức là kinh tế tư nhân trong nông nghiệp sẽ đóng góp một phần đáng kể vào quá trình đô thị hóa của Vĩnh Yên.
Tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVIII (tháng 10/2005), phát triển kinh tế tư nhân trong nông - lâm - ngư nghiệp có bước phát triển mới. Báo cáo trình tại Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp như sau:
Về nhiệm vụ, phát triển nông nghiệp toàn diện theo lợi thế từng vùng và hiệu quả của từng loại cây trồng, vật nuôi gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Về giải pháp, cần nắm bắt nhu cầu thị trường để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho từng vùng, từng cơ sở sản xuất; đưa nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật nhất là công nghệ sinh học vào nông nghiệp, đặc biệt ở xã nghèo như Thanh Trù, tạo làng nghề trong vùng nông thôn; quy hoạch mở rộng vùng trồng rau sạch ở Tích Sơn, Đống Đa, Định Trung và Hội Hợp tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng; tiếp tục chuyển đổi, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.
Phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp không chỉ được quy hoạch dựa trên thế mạnh của từng vùng, từng ngành nghề mà còn được xuất phát từ nhu cầu thị trường trong và ngoài thị xã. Chính điểm này sẽ tạo nên sự đa dạng và hiệu quả của các loại hình kinh tế tư nhân trong nông nghiệp, góp phần chuyển dịch nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.
Việc phát triển kinh tế tư nhân trong nông - lâm - ngư nghiệp chủ yếu diễn ra trong các ngành đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và diễn ra tại các vùng ven đô thị. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa.
* Trong lĩnh vực công nghiệp
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX, Báo cáo của Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII ( năm 2000) nêu lên nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp trên địa bàn thị xã trong thời gian tới: Thứ nhất, tạo điều kiện để đầu tư và phát triển một số sản phẩm công nghiệp có thị trường tiêu thụ, giải quyết được nhiều việc làm, hướng vào sản xuất xuất khẩu, chủ yếu công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp điện tử. Thứ hai, tăng cường quản lý Nhà nước, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, coi đây là giải pháp quan trọng, lâu dài để phát huy nội lực. Thứ ba, quy hoạch khu công nghiệp Khai Quang hoặc các cụm công nghiệp ở Khai Quang, Thanh Vân trên cơ sở đó thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào Thị xã phát triển sản xuất. Báo cáo đã chỉ rõ vị trí của kinh tế ngoài quốc doanh và định hướng phát triển kinh tế ngoài quốc doanh dựa trên nhu cầu thị trường không chỉ trong và ngoài thị xã mà còn cả trong và ngoài nước, hướng vào các ngành đem lại lợi nhuận khá. Và việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân cũng diễn ra ở các vùng ven đô thị.
Nhận thức phát triển kinh tế tư nhân trong công nghiệp tiếp tục được xây dựng và đổi mới hơn tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVIII (năm 2005). Căn cứ vào thực trạng phát triển công nghiệp trên địa bàn thị xã, Báo cáo tại Đại hội đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp mới phát triển công nghiệp trong những năm 2006 - 2010 với những nội dung sau:
- Phát triển công nghiệp theo hướng tận dụng không gian hiện có, thực hiện trong mối liên kết, hợp tác với các khu công nghiệp của tỉnh và các địa phương lân cận.
- Phát triển công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
- Phát triển công nghiệp theo hướng lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, kĩ thuật hiện đại, có hàm lượng chất xám cao, ưu tiên phát triển một số sản phẩm mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện, điện tử - tin học, công nghiệp phần mềm, vật liệu mới.
- Ưu tiên đầu tư công nghiệp địa phương nhằm phát huy nội lực, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu.
Ở đây, khu vực doanh nghiệp tư nhân tập trung sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn tập trung phát triển các ngành mũi nhọn, phù hợp với nhu cầu của thị trường và xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân không chỉ dừng lại trong địa bàn thị xã mà còn có sự liên kết theo vùng lãnh thổ với các địa phương khác trong tỉnh và địa phương các tỉnh lận cận.Sự nhận thức mới về khu vực kinh tế tư nhân trong công nghiệp chứng tỏ Đảng bộ Vĩnh Yên đã ý thức được những điểm lợi và bất lợi của từng loại hình doanh nghiệp, trên cơ sở đó có sự lựa chọn đúng về các loại hình doanh nghiệp.
* Trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại
Do đặc điểm của khu vực dịch vụ - thương mại (không đòi hỏi nhiều vốn, chuyển vốn lại nhanh, tỷ suất lợi nhuận thường cao hơn các lĩnh vực sản xuất khác như công nghiệp và nông nghiệp), việc đầu tư vào khu vực này được chú ý và hoạt động thương mại dịch vụ của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Xuất phát từ thực tế đó, Đảng bộ Vĩnh Yên rất chú trọng phát triển DV - TM và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Quan điểm này được cụ thể hóa qua việc xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển thương mại du lịch và dịch vụ trên địa bàn thị xã Vĩnh Yên trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (năm 2000) và lần thứ XVIII (năm 2005).
Tuy đưa ra quan điểm dưới những khía cạnh khác nhau nhưng hướng chủ yếu là mở rộng thị trường, các tụ điểm kinh doanh thương mại, dịch vụ, xây
dựng hệ thống chợ, hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị có sức hút mạnh như trung tâm thương mại Khai Quang, chợ Trung tâm, chợ Đồng Tâm, chợ Bảo Sơn ... để thúc đẩy sản xuất và đóng vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, hình thành và nâng cấp các chợ ven đô tạo điều kiện về trao đổi hàng hóa và nâng cao dân trí. Phát triển mạng lưới dịch vụ nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Phát triển và hình thành các quần thể du lịch, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi an dưỡng, du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia thông qua hình thức liên kết, liên doanh. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch thông qua các chính sách ưu đãi về đầu tư và thuế . Quan điểm về phát triển thương mại du lịch và dịch vụ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân được phân cấp từ nhỏ tới lớn, từ vùng ven đô thị tới trung tâm đô thị.
Ngoài ra, Ban chấp hành và Ban Thường vụ Đảng bộ thị xã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, đã phát huy trí tuệ tập thể nghiên cứu thực tiễn địa phương, vận dụng sáng tạo các quan điểm đường lối nhiệm vụ phát triển kinh tế của Đảng, của Nhà nước, của Tỉnh đã đề ra nhiều chỉ thị, nghị quyết sát, đúng nhằm phát triển kinh tế chung của thị xã theo hướng khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, mọi nguồn lực, động viên mọi thành phần kinh tế để phát triển mạnh công nghiệp, DV - TM; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về kinh tế và nhằm phát triển kinh tế tư nhân theo ngành nghề sản xuất và theo vùng lãnh thổ.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dưng, Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Yên đã ra nghị quyết số 04 - NQ/ TU ngày 12/10/2006 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020. Trong Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp và xây dựng, tích cực đầu tư phát triển các nhân tố hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp:
Chỉ đạo chính quyền làm tốt công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm, điểm phát triển kinh tế - xã hội. Động viên khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi và thu hút được nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư trên địa bàn. Do đó đã thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành CN - XD tiếp tục đạt cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động.
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Yên đã ra Nghị quyết số 05 - NQ/ TU ngày 12/10/2006 về chương trình phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch đầu tư vào Vĩnh Yên, góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển, bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đưa ngành DV - TM tăng trưởng cao.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban chấp hành Đảng bộ đã ra Nghị quyết số 11 - NQ/TU ngày 20/7/2007 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020. Trong Nghị quyết, Đảng bộ đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của cấp trên về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân thời kì CNH - HĐH và lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị; theo hướng công nghệ cao phù hợp, các nguồn thực phẩm, rau an toàn, phát triển chăn nuôi tập trung tách khỏi khu dân cư gắn với bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho lực lượng lao động dư thừa từ nông nghiệp tự chuyển đổi nghề nghiệp trên cơ sở phát triển ngành nghề, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ về đào tạo, giải quyết việc làm, đáp ứng thu hút nguồn nhân lực, lao động trong công nghiệp, dịch vụ.
Việc đổi mới phương hướng và giải pháp đối với sự phát triển của nông nghiệp, CN - XD và DV - TM định hướng và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tư nhân theo ngành nghề sản xuất kinh doanh và theo vùng lãnh thổ. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng và thúc đẩy các nhân tố
giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế thị xã nói chung và kinh tế tư nhân trên địa bàn thị xã nói riêng.
Tóm lại, việc phát triển kinh tế tư nhân theo ngành nghề sản xuất kinh doanh và theo vùng lãnh thổ sẽ phát huy được tối đa thế mạnh và hạn chế tới mức thấp nhất yếu điểm của từng ngành, từng vùng sản xuất; từ đó, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của thị xã.