Nghĩa lý luận

Một phần của tài liệu hồ chí minh với sự nghiệp giáo dục khắng chiến kiến quốc 1945 1954 (Trang 67 - 69)

* Với ngành giáo dục Chuyên nghiệp

3.2. nghĩa lý luận

Nghiên cứu sự nghiệp xây dựng nền giáo dục kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy một vấn đề nổi bật có ý nghĩa lý luận, đó là phương châm giáo dục kết hợp học với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân.

Nguyên lý học kết hợp với hành, lý luận gắn với thực tiễn là nguyên lý kinh điển. Vấn đề ở đây là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo nguyên lý này như thế nào, và từ đó gợi những kinh nghiệm gì cho sự phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự nghiệp giáo dục của chế độ dân chủ cộng hoà ở nước ta là một mục tiêu cách mạng. Mục tiêu đó, Người chính thức đề cập trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc xây (1919), trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” (1930), trong “Chương trình Việt Minh" (1941) và trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945). Một điều nhất quán là nền giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới là nền giáo dục lấy nhân dân lao động, lấy "giống nòi" làm tiêu điểm, làm chủ thể. Nền giáo dục dân chủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, có chủ thể là dân tộc Việt Nam. Nghĩa là nền giáo dục ấy do nhân dân thực hiện, thực hiện vì quyền lợi của mình. Nói hẹp hơn, nền giáo dục ấy lấy người học làm chủ thể. Cũng có nghĩa là đối tượng của hoạt động giáo dục và lực lượng làm chủ hoạt động đó là một. Đây là một quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục. Giáo dục không phải là một thứ ân huệ để ban phát, mà giáo dục là một công cụ, một vũ khí phải được trao lại cho nhân dân lao động. Trình độ dân trí, trình độ học vấn, năng lực và phẩm chất của nhân dân, những cái đó đều xa gần nảy sinh từ giáo dục, đều do nhân dân tham gia giáo dục, tự vận động, mà có.

Nền giáo dục dân chủ mới là nền giáo dục bình đẳng, nền giáo dục cho đại chúng và đại chúng là sản phẩm của giáo dục. Do đó mục đích của giáo dục phải là phục vụ đại chúng, phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lý tưởng quốc gia, dân chủ. Mục đích giáo dục đó sẽ quy định nội dung, phương pháp, phương thức… của giáo dục. Nhân dân lao động không bao giờ duy tâm, siêu hình. Trái lại, họ rất thực tế. Nhân dân lao động tham gia nền giáo dục dân chủ mới là để mở mang trí tuệ, để đem lại quyền lợi cho họ, cũng tức là đem lại sự bình đẳng. Như vậy việc học phải rất hữu ích, rất thiết thực. Muốn hữu ích, muốn thiết thực thì không thể không gắn học với hành, không thể tách rời lý luận và thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cho nền giáo dục kháng chiến kiến quốc phải có mục đích cao quý là "thật thà phụng sự nhân dân", và phải theo phương châm tối ưu là "làm sao học thì hành được ngay".

Song, đối với hoạt động giáo dục kháng chiến kiến quốc, "hành" không phải là "hành" chung chung, thực tiễn cũng không phải là thực tiễn bất kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm "hành" phải là "hành" những cái thiết thực nhất, và thực tiễn những năm 1945-1954 không ngoài thực tiễn kháng chiến và kiến quốc. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa "học" là học ở Châu Âu, tức là học ở cái nôi văn minh công nghiệp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông "hành" ở chiến khu Việt Bắc, tức là hành trong một hoàn cảnh "thiếu máy móc, thiếu nguyên liệu, thiếu thợ lành nghề, song giàu về rừng núi, giàu về quyết tâm". Tương tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên Bình dân học vụ dạy cho đồng bào "Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm" “Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên lý học kết hợp với hành, lý luận gắn với thực tiễn hoàn toàn không thể chung chung, giáo điều, mà luôn phải cụ thể, hữu ích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay".

Người quan tâm vấn đề chương trình tức là quan tâm đến phương hướng và bản chất của nền giáo dục.

Chương trình của nền giáo dục kháng chiến kiến quốc phải "hợp với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc" [38,462]. Chương trình của các nhà giáo dục làm ra, cũng như hạt gạo của người nông dân. Hạt gạo kháng chiến kiến quốc không khác hạt gạo thường, nhưng nó mang theo cả mồ hôi, máu và nước mắt chuyển ra chiến trường. Chương trình giáo dục kháng chiến kiến quốc vẫn là chương trình cơ bản và chuyên sâu về tự nhiên, xã hội, nhân văn, nhưng nó phải phục vụ kịp thời cho đất nước trong lúc nước sôi lửa bỏng, và phục vụ cho đất nước lâu dài. Thực tế cho hay, một số học giả lão thành, nhà giáo nhân dân, chuyên gia đầu ngành của nước ta hiện nay đã trưởng thành từ chương trình của nhà trường kháng chiến kiến quốc cách đây hơn nửa thế kỷ.

Tóm lại, phương châm học kết hợp với hành, lý luận gắn với thực tiễn là phương châm giáo dục có ý nghĩa phổ biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá và nâng thành một lý luận để xây dựng nền giáo dục của Việt Nam: "Làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân" [39,266].

Một phần của tài liệu hồ chí minh với sự nghiệp giáo dục khắng chiến kiến quốc 1945 1954 (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)