Năm 2014, Nguyễn Phương Thúy và cộng sự đã khảo sát phản ứng có hại liên quan đến thuốc cản quang có chứa iod ghi nhận trong cơ sở dữ liệu
báo cáo ADR gửi từ các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2006 – 2012. Kết quả cho thấy tỷ lệ báo cáo liên quan đến thuốc cản quang chứa iod chiếm 1,4% tổng số báo cáo ADR được ghi nhận từ hệ thống báo cáo tự nguyện của Việt Nam. Cơ sở dữ liệu ghi nhận báo cáo ADR của tất cả các thuốc cản quang được sử dụng trong điều trị, trong đó số lượng báo cáo liên quan đến Telebrix (acid ioxitalamic) chiếm 49,5 %, sau đó là Xenetic (iobitridol) chiếm 25,8% và Ultravist (iopromid) chiếm 15,8%. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu cũng đã ghi nhận được báo cáo với các thuốc cản quang mới được sử dụng như Pamiray (iopamidol), Iopamiro (iopamidol) và Omnipaque (iohexol). Các phản ứng có hại của thuốc cản quang ảnh hưởng trên nhiều hệ cơ quan, trong đó nhiều nhất là rối loạn toàn thân (78,4%), rối loạn da và mô dưới da (42,1%) và rối loạn tiêu hóa (22,1%). Các phản ứng có hại thường gặp bao gồm rét run (20%), ngứa (20%), buồn nôn, nôn (17,9%). Số ADR nghiêm trọng (phản ứng phản vệ/sốc phản vệ) liên quan đến thuốc cản quang ghi nhận được là 58 báo cáo, chiếm 30,5% tổng số báo cáo nhận được của thuốc cản quang [4].
Năm 2006, Hồ Văn Phước (Trường Đại học Y Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến chức năng thận trên 164 bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam [2]. Kết quả cho thấy: tỷ lệ xuất hiện CIN với creatinin huyết thanh sau can thiệp tăng trên 44µmol/l là 10,4%; tỷ lệ xuất hiện CIN với creatinin huyết thanh sau can thiệp tăng trên 25% là 29,9%. Nghiên cứu đã xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến chức năng thận sau can thiệp gồm tuổi trên 70, tiền sử nhồi máu cơ tim, creatinin huyết thanh trước can thiệp >130µmol/L, MLCT trước can thiệp ≤ 40ml/phút/1,73m2, đái tháo đường, thiếu máu, tụt huyết áp trong và sau can thiệp. Chưa xác định được mối tương quan nào giữa loại TCQ và thể tích TCQ với sự xuất hiện CIN trong nghiên cứu này [2].
Chương 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU