Nội dung cơ bản của Lịch sử Việt Nam lớp 10 trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử việt nam lớp 10 trung học phổ thông tỉnh hải dương (Trang 52 - 56)

Nội dung 1: Thời đại nguyên thủy trên đất nước Việt Nam. Các chứng

cứ khoa học xác định Việt Nam là nơi con người xuất hiện từ sớm. Nội dung này thể hiện hai giai đoạn:

- Thứ nhất: Giai đoạn bầy người nguyên thủy và công xã thị tộc trên đất nước Việt Nam về thời gian tồn tại, địa bàn cư trú, công cụ lao động, hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội.

- Thứ hai: Giai đoạn tan rã của công xã thị tộc thể hiện qua mốc thời gian, ý nghĩa ra đời của thuật luyện kim và đặc điểm chính về cuộc sống của các bộ lạc Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, Đồng Nai.

Nội dung này có ý nghĩa giáo dục HS lòng quê hương đất nước, tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc, khâm phục tinh thần lao động và sáng tạo của tổ tiên, ý thức được vị trí của lao động và trách nhiệm của bản thân trong xây dựng quê hương đất nước. Ví dụ giáo dục về ý thức cội nguồn, truyền thống dân tộc hình thành thái độ yêu lao động, tôn trọng các thành quả lao động, sáng tạo của tổ tiên, tự hào với các nghề truyền thống, với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta từ xa xưa qua bài 13: “Việt Nam thời nguyên thủy”.

Nội dung 2: Thời đại dựng nước đầu tiên hình thành các quốc gia cổ đại

trên đất nước Việt Nam: Văn Lang - Âu Lạc, Chăm - pa, Phù Nam. Nội dung này đề cập tới những cơ sở và điều kiện ra đời, cách thức tổ chức nhà nước,

43

tình hình kinh tế, xã hội của các quốc gia cổ trên đất nước Việt Nam. Đây chính là nội dung phản ánh những giá trị cổ truyền của dân tộc ta. Sau hàng chục năm lao động của người nguyên thủy trên lãnh thổ Việt Nam, xã hội có nhiều biến chuyển, dần dần hình hành một lãnh thổ chung, một nền văn hóa, văn minh chung. Quốc gia và nhà nước Văn Lang- Âu Lạc ra đời, đánh dấu bước chuyển biến trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời đại mới - thời đại dựng nước với nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc đầu tiên của nước ta. Cũng trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay cũng xuất hiện các nền văn hóa Sa Huỳnh, Sông Mã, Óc Eo và hình thành các quốc gia Cham - pa, Phù Nam. Trên cơ sở nền kinh tế đã phát triển, người Việt trên vùng đồng bằng châu thổ phía Bắc và các lãnh thổ khác trên đất nước Việt Nam đã xây dựng nền văn minh riêng cho mình. Nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, Sa Huỳnh, Óc Eo, thực sự là một nền văn minh bản địa, phản ánh rõ nét nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Mặc dù còn sơ khai, các nền văn minh này để lại một nét đặc sắc về xã hội, nghệ thuật, làm cội nguồn cho các nền văn minh Việt Nam sau này. Chính vì vậy, quá trình dạy học nội dung này góp phần bồi dưỡng cho HS tinh thần yêu lao động, biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng những khác biệt về mặt văn hóa đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa vùng miền, dân tộc để góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần và nâng cao những giá trị văn hóa truyền thống.

Nội dung 3: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và công cuộc đấu

tranh giành lại độc lập và bảo vệ di sản văn hóa cổ truyền của nhân dân ta trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Đây là thời kỳ chứng kiến sự xâm chiếm và đô hộ nước ta của các triều đại phương Bắc dẫn tới những chuyển biến về chính trị, kinh tế, văn hóa ở nước ta. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, đã có biết bao đau thương, tủi nhục mà nhân dân ta phải chịu đựng. Kẻ đô hộ đâu chỉ dừng lại ở vơ vét, cướp bóc mà còn rắp tâm xóa bỏ độc lập, chủ quyền của nhân dân ta, ráo riết thực hiện chính sách đồng hóa. Những gì là cơ sở tồn tại,

44

là sức mạnh tinh thần để phục hồi quốc gia, quốc thể từ lãnh thổ, tiếng nói, phong tục, tập quán, lối sống, ý thức tư tưởng của dân tộc ta đều bị chúng dùng trăm phương nghìn kế để hủy diệt. Mặc dù với âm mưu nô dịch về mặt kinh tế, chính trị, đồng hóa về mặt văn hóa nhưng với nền văn hóa cội nguồn - nền văn minh Văn Lang- Âu Lạc đã tạo nên một nội lực mãnh liệt chống lại âm mưu xâm lược của kẻ thù. Nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh giành độc lập. Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc còn diễn ra liên tục trên mặt trận văn hóa tư tưởng để bảo tồn và phát triển những tinh hoa, giá trị của nền văn hóa cổ truyền. Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài giữa xâm lược, đồng hóa với chống xâm lược, chống đô hộ và chống đồng hóa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của nhân dân ta trong tiến trình lịch sử Bắc thuộc. Nội dung này giúp cho HS biết phê phán, căm ghét quân xâm lược và đô hộ, giáo dục lòng biết ơn các vị anh hùng của dân tộc, đồng thời tôn trọng những thành quả của tổ tiên trong công cuộc xây dựng và phát triển đời sống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nội dung 4: Quá trình xây dựng, hoàn chỉnh nhà nước phong kiến và

công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa trong những thế kỷ phong kiến độc lập (thế kỷ X - XIX). Đây là thời kỳ đạt được những thành tựu cơ bản: xây dựng nền kinh tế tự chủ, toàn diện, hoàn chỉnh bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam, xây dựng nền văn hóa thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc và đạt nhiều thành tựu rực rỡ, góp phần xây dựng nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Nội dung này có ý nghĩa bồi dưỡng cho HS ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ sự thống nhất đất nước, có ý thức xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước trong hiện tại, bồi dưỡng niềm tự hào về nền văn hóa đa dạng của dân tộc, ý thức bảo vệ di sản văn hóa tốt đẹp, phát huy năng lực sáng tạo trong văn hóa. Ví dụ giáo dục ý thức tự trọng, bảo vệ phát huy nền văn hóa dân tộc và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại qua bài 20: “Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỷ X - XV”.

45

Nội dung 5: Công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ

phong kiến (thế kỷ X - XIX). Song song với quá trình xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam liên tục phải cầm vũ khí chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Trong thời kỳ phong kiến độc lập, có các cuộc kháng chiến tiêu biểu như: Kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981); kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 - 1077); ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thời Trần (1258, 1285, 1287 - 1288); Chống quân Minh thời Hậu Lê (1418 - 1427); kháng chiến chống quân Xiêm (1785), kháng chiến chống quân Thanh (1789) do Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo. Các cuộc kháng chiến trên đều giành thắng lợi, bảo vệ được nền độc lập của Tổ quốc, là những minh chứng hùng hồn của dân tộc Việt Nam anh hùng. Nội dung này có ý nghĩa rõ nét trong việc giáo dục thái độ sống tích cực của HS, những tấm gương anh hùng trong lịch sử dân tộc góp phần giáo dục HS ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, biết ơn các vị anh hùng dân tộc, từ đó bồi đắp thêm tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm công dân trước những tấm gương sáng của lịch sử và vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Ví dụ giáo dục lòng biết ơn đối với tổ tiên, với những người có công với Tổ quốc, đánh giá đúng vai trò của các nhân vật trong lịch sử qua bài 19: “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỷ X - XV”; bài 23: “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỷ XVIII”.

Nội dung 6: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong

kiến. Truyền thống yêu nước gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử dân tộc ta. Truyền thống yêu nước được biểu hiện rõ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc. Nội dung này có ý nghĩa nâng cao ý nghĩa thực tiễn của môn học Lịch sử trong quá trình dạy học. Yêu nước và tình cảm yêu nước, thương người phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân

46

đạo, đó không chỉ là một nét đẹp đạo đức, một nét văn hóa mà còn kết tinh thành giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam. Chính giá trị này làm nên sức sống của con người và dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh và bản lĩnh văn hóa Việt Nam cần phải phát huy trong hội nhập quốc tế ngày nay. Từ đó đòi hỏi ý thức trách nhiệm của người công dân đối với đất nước. Nâng cao ý nghĩa thiết thực của truyền thống yêu nước trong dạy học lịch sử Việt Nam nhằm khơi gợi, khích lệ những biểu hiện tích cực của lòng yêu nước hiện nay trong HS bằng những việc làm, hành động cụ thể để góp phần phát huy hơn nữa truyền thống quý báu của dân tộc. Ví dụ giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển của truyền thống yêu nước Việt Nam và nêu lên những nét đặc trưng của truyền thống yêu nước thời phong kiến. Trong hoàn cảnh của cuộc sống hiện nay, truyền thống yêu nước tiếp tục được gìn giữ, phát huy và biểu hiện những nét mới từ đó hướng dẫn HS liên hệ và xác định nhiệm vụ của những công dân tương lai của đất nước qua bài 28: “Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến”...

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử việt nam lớp 10 trung học phổ thông tỉnh hải dương (Trang 52 - 56)