Mục tiêu cơ bản của Lịch sử Việt Nam lớp 10 trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử việt nam lớp 10 trung học phổ thông tỉnh hải dương (Trang 50 - 52)

Chương trình Lịch sử lớp 10 gồm ba phần chính: Lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại; Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX; Lịch sử thế giới cận đại. Phần Lịch sử Việt Nam giữ vị trí chủ yếu trong chương trình. Nội dung khái quát bốn giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc từ nguồn gốc cho tới cuối thời kỳ phong kiến (từ thời nguyên thủy đến thế kỷ thứ X, thế kỷ X - XV, thế kỷ XVI -XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX), tổng kết những thành tựu cơ bản về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nội dung lịch sử dân tộc được nhấn mạnh tính toàn diện không chỉ là lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử chính trị, mà còn bao gồm tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng... Trong nội dung lịch sử, lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước tiêu biểu cho lịch sử anh hùng của đất nước, giữ vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc trước nguy cơ xâm lăng và đồng hoá của ngoại bang, nhưng lịch sử xây dựng đất nước với những phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá vẫn là nền tảng của sự trường tồn của đất nước, vẫn là tiềm lực quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Lịch sử dân tộc đang được nhận thức một cách toàn diện, cùng với những trang sử chống ngoại xâm oai hùng là những trang lịch sử kinh tế, xã hội, văn hoá và đời sống bình thường của cộng đồng cư dân, cộng đồng các dân tộc. Trong dạy học phần Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, việc

41

nhận thức một cách toàn diện các nội dung trên làm cơ sở hình thành thái độ sống tích cực của HS.

Mục tiêu đặt ra cho HS khi học xong phần lịch sử Việt Nam cổ trung đại: - Về mặt nhận thức

+ Nêu được đặc điểm nổi bật của bốn giai đoạn lịch sử quan trọng của lịch sử Việt Nam: từ khoảng thế kỷ VII TCN đến thế kỷ thứ X; thế kỷ X - XV; thế kỷ XVI - XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự.

+ Trình bày được tên, thời gian và ý nghĩa lịch sử của các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta thời Bắc thuộc, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ khi dựng nước cho đến thế kỷ XVIII.

+ Nêu và phân tích được những đặc trưng của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến.

- Về kỹ năng

+ Hình thành các kỹ năng phân tích; tổng hợp; đánh giá; so sánh; liên hệ các sự kiện lịch sử, từ đó rút ra nhận xét, kết luận.

+ Rèn luyện kỹ năng quan sát; sử dụng tranh ảnh, bản đồ; lập sơ đồ, bảng biểu hệ thống các sự kiện cơ bản.

+ Rèn luyện các kỹ năng giao tiếp; thuyết trình; sử dụng phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ việc học tập.

- Về thái độ

+ Củng cố và nâng cao nhận thức về quy luật tiến hóa của lịch sử loài người về lịch sử dân tộc thông qua hiểu biết về các thời kỳ đầu của lịch sử.

+ Bồi dưỡng ý thức tôn trọng những thành tựu quý giá của nền văn minh nhân loại nói chung và nền văn minh Việt Nam nói riêng.

+ Có nhận thức thức đúng đắn về mối quan hệ giữa các dân tộc, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á và ý thức xây dựng quan hệ hợp tác trong khu vực.

42

+ Bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương và tự hào với truyền thống dân tộc, ý thức học tập, lao động sáng tạo, lòng biết ơn tổ tiên, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu đến cùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Nâng cao lòng ham thích học hỏi đối với môn Lịch sử, ý thức quyết tâm vươn lên trong học tập và lao động vì bản thân, gia đình, quê hương đất nước trong tương lai.

Căn cứ vào mục tiêu trên để định hướng quá trình dạy học về nội dung, hình thức, phương pháp học tập và kiểm tra đánh giá hợp lý.

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử việt nam lớp 10 trung học phổ thông tỉnh hải dương (Trang 50 - 52)