Do đặc thù của Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, tiềm năng còn phân tán, lực lượng lao động trong nông thôn chưa sử dụng hết, nạn thất nghiệp theo mùa vụ còn khá cao, lao động phổ thông vẫn còn phổ biến v.v... Từ những vấn đề trên, Sóc Trăng cần tập trung phát triển các doanh nghiệp theo quy mô vừa và nhỏ là thích hợp nhất, phát triển quy mô lớn trên một số lĩnh vực khi cần thiết.
Với quy mô vừa và nhỏ sẽ thu hút được tiền còn nhàn rỗi trong dân, giúp cho các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế sản xuất nhỏ dễ dàng trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm, quy mô vừa và nhỏ còn thích hợp với điều kiện phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.
Phát triển doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, nhưng phải đảm bảo tính tiên tiến trong sử dụng công nghệ và đảm bảo giải quyết được lao động.
3.1.3.Về tốc độ phát triển
Đẩy nhanh tốc độ phát triển của khu vực KTTN về mọi mặt: về số lượng, quy mô, tốc độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hoá v.v... Tất cả những vấn đề trên, suy cho cùng nhằm đưa nền kinh tế của Sóc Trăng nói riêng và nền kinh tế cả nước cùng phát triển. Khi số lượng doanh nghiệp phát triển không chỉ huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư mà còn giải quyết được công ăn việc làm, tạo sản phẩm cho xã hội.
Thực tế từ khi có luật doanh nghiệp ra đời, khu vực KTTN nhanh chóng hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh. Nếu tính đến 1/10/2004, toàn tỉnh đã đăng ký thành lập mới 10.300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (trong đó có 1020 doanh nghiệp tư nhân cấp tỉnh quản lý và 9.380 cơ sở cấp huyện quản lý) với số vốn đăng ký tại Sở kế hoạch đầu tư là 1.249.476 triệu đồng (chưa tính vốn của 9.380 cơ sở do cấp huyện quản lý) [9]. Số lượng doanh nghiệp phát triển, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện cạnh tranh. Từ đó tăng năng suất lao động, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao...
Nhà nước tạo điều kiện để KTTN hình thành, hoạt động và phát triển trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước, không sử dụng biện pháp hành chính cấm đoán hay hạn chế loại hình kinh tế này. Khuyến khích KTTN phát triển trong phạm vi toàn tỉnh, nhưng tập trung ở thị xã Sóc Trăng, Trần Đề của huyện Long Phú, An Lạc Thôn của huyện Kế Sách, đó là những vị trí chiến lược sau này, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội.