- Hạn chế
* Quy mô còn nhỏ bé
Phần lớn các cơ sở kinh tế thuộc sở hữu tư nhân có quy mô nhỏ bé, số lượng vốn cho mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh rất thấp, Các doanh nghiệp tồn tại dưới dạng quy mô vừa và nhỏ.
Năm 2004, trong lĩnh vực phi nông nghiệp, số doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động chiếm đến 97,71%. Số doanh nghiệp có vốn thực tế dưới 10 tỷ đồng chiếm 98,13%, bình quân vốn thực tế của một doanh nghiệp cấp tỉnh quản lý chỉ khoảng 1 tỷ đồng [8].
Nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có, vốn từ bạn bè và người thân. Nguồn vốn vay ngân hàng ở các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân chiếm tỉ lệ thấp. Khả năng huy động vốn từ các nguồn vốn tín dụng khác rất thấp. Vấn đề này có nguyên nhân của nó như: hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không cao nên ngân hàng và các tổ chức tài chính không mạnh dạn đầu tư cho vay, các hoạt động kinh tế còn nhiều phức tạp, tình trạng nợ đọng dây dưa, đòi hỏi ngân hàng khi cho vay phải đòi thế chấp. Do đó, các doanh nghiệp nào ít vốn, lại thêm chưa đủ uy tín tất yếu khó vay vốn ngân hàng. Mặt khác thủ tục cho vay còn rườm rà làm cho các doanh nghiệp nản chí không muốn đến với ngân hàng.
Lượng vốn ít thì khó có thể chịu nổi những cơn sốc của thị trường và với vốn ít cũng không thể đổi mới công nghệ để sản xuất hàng hoá chất lượng cao, không thể làm ăn lớn.
* Công nghệ sản xuất còn lạc hậu
Máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất phần lớn còn lạc hậu, chắp vá, không đồng bộ và chậm được đổi mới.
Theo bảng số liệu phía trước ta thấy công nghệ lạc hậu trong khu vực KTTN chiếm tỉ lệ 30,4%, công nghệ trình độ trung bình là 61,7% còn lại là công nghệ hiện đại. Đây là nguyên nhân chính làm cho năng suất lao động trong các cơ sở KTTN còn thấp. Đối với các cơ sở sản xuất cá thể, tiểu chủ, phần lớn thiết bị được tận dụng lại hoặc tự chế, thiết bị ở dạng thủ công, nửa cơ khí, cũ kỹ, chắp vá, không đồng bộ. Số doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị hiện đại còn quá ít, nên hạn chế việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Kết quả, hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn thấp. Qua kiểm tra cho thấy khoảng 20% doanh nghiệp thua lỗ, khoảng 25% hoàn vốn, còn lại khoảng 60% có lãi, nhưng lợi nhuận không cao. Từ năm 1995 đến năm 2001, đã có 206 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ phải giải thể, trong đó có 158 doanh nghiệp tư nhân, 21 công ty trách nhiệm hữu hạn và một công ty cổ phần
* Khả năng cạnh tranh sản phẩm còn thấp.
Công nghệ lạc hậu tất yếu kéo theo chất lượng các loại sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm không cao, không phù hợp, từ đó sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Một số mặt hàng truyền thống như bánh pía, lạp xưỡng có uy tín trên thị trường, nhưng hiện tại chưa có công nghệ bảo quản lâu dài nên không thể đưa hàng đi xa được.
Lương thực thực phẩm là ngành mũi nhọn của tỉnh nhưng thị trường bên ngoài của mặt hàng này còn hạn chế, chỉ có thị phần ở một vài nước, giá cả sản phẩm mặt hàng lương thực của ta so với giá cả sản phẩm cùng loại của các nước khác cũng không bằng. Ví dụ: gạo, đường,... Duy nhất mặt hàng thuỷ sản có thể cạnh tranh được một vài nước. Các lĩnh vực khác chủ yếu tiêu thụ ở địa phương, không mở rộng được thị trường. Việc mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn
quá thấp. Mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng chỉ giới hạn ở một số mặt hàng chính như tôm đông lạnh, gạo.
* Khả năng huy động vốn so với tiềm năng chưa nhiều, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh.
+ Về Vốn: Tình trạng thiếu vốn đối với khu vực tư nhân đã mang tính phổ biến không riêng gì tỉnh Sóc Trăng mà đây là tình hình chung của cả nước. KTTN mới được thừa nhận và phát triển trong những năm gần đây, nên khả năng vốn lẫn tài sản tự có còn ít, không đủ để thế chấp vào ngân hàng cho các khoản vay cần thiết. Mặt khác, KTTN chưa đủ uy tín để vay vốn mà không cần phải thế chấp.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng không còn bao cấp như trước, ngân hàng cũng thực hiện kinh doanh do đó họ ngần ngại, lo lắng khi cho khu vực tư nhân vay vốn. Họ sợ không thu hồi được vốn, và nếu có cho vay thì ngân hàng đánh giá tài sản thế chấp của doanh nghiệp quá thấp so với giá thực tế để bảo đảm kết quả kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng vốn ít, vốn thiếu, trong khi số dư ngân hàng còn quá cao.
Năm 2001 số dư lên đến 1.468,3 tỉ đồng Năm 2002 ... 2.144,5 tỉ đồng Năm 2003 ... 3.042,6 tỉ đồng Năm 2004 ... 4.567 tỉ đồng [43].
Số dư tiền gửi còn ở mức cao, thực chất số dư này là do ngân hàng nhà nước trung ương và các ngân hàng thương mại tự điều hoà vốn với nhau, đây không phải là con số huy động của địa phương. Số huy động được của địa phương đạt rất thấp, qua số liệu dưới đây:
Năm 2001 huy động đạt 482,4 tỉ đồng Năm 2002 huy động đạt 678 tỉ đồng
Hiện tại đồng vốn nhàn rỗi trong nhân dân còn khá lớn, nhưng chưa có cơ chế huy động hấp dẫn nên vốn này còn tồn tại dưới dạng bất động sản, và tiền thực hiện chức năng cất trữ còn nhiều.
+ Về mặt bằng sản xuất kinh doanh: đây là trở ngại lớn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, nhất là đối với cơ sở phi nông nghiệp. Rất nhiều cơ sở sử dụng nhà ở, đất ở, trong khu dân cư làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, nên mặt bằng cho doanh nghiệp hoạt động rất chật hẹp, gây ô nhiễm môi trường và khó có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Việc chậm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành nghề, cũng như chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp tập trung để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng tổ chức sản xuất, đã dẫn đến tình trạng sử dụng đất, mặt bằng sản xuất khá tuỳ tiện, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu dân cư.
* Khả năng tìm kiếm thị trường, tiếp cận và xử lý thông tin
Tìm kiếm thị trường là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Việc tìm kiếm thị trường đã khó, việc chiếm thị phần ở thị trường ổn định lâu dài còn khó khăn hơn nhiều. Thông thường các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân ít thông tin về thị trường, thiếu kênh tiếp thị, nhất là thị trường nước ngoài, nên hàng hoá sản xuất ra, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Một số mặt hàng đã có thị phần ở nước ngoài như lương thực, đường cát , nhưng ngày càng có nhiều nước tham gia xuất khẩu các mặt hàng này, do vậy áp lực cạnh tranh rất lớn, làm cho thị trường xuất khẩu không ổn định.
Các chủ doanh nghiệp của tỉnh ít được đi nước ngoài nên việc tìm bạn hàng bị hạn chế và ít có cơ hội để quảng bá các sản phẩm của mình
Việc mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh còn nhiều khó khăn, thậm chí có những mặt hàng không có chỗ đứng ngoài tỉnh. Hiện tại, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân cải tạo vườn tạp nhưng khi được hỏi trồng cây gì cho hiệu quả? Trồng ở đâu? Bán nơi nào? thì không ai trả lời được. Chính vì vậy mà trong thời gian dài thiếu sự chỉ đạo và thiếu đầu tư vào lĩnh vực trồng cây ăn quả, hay nói đúng hơn lĩnh vực này cứ bỏ mặc
cho nhà vườn tự bơi trong cơ chế thị trường. Do đó, khi không tìm được thị trường thì điệp khúc “Đốn chặt” dù chẳng ai muốn nhưng cứ diễn ra ngày càng phổ biến.
Việc tiếp cận, nắm bắt, xử lý thông tin và xúc tiến hoạt động đầu tư, hoạt động thương mại của doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ. Ý thức về những khó khăn, thách thức khi hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đối với đại bộ phận doanh nghiệp, chưa được quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức. Từ đó, một số mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ tiêu thụ tại địa phương, ít có sản phẩm vươn ra ngoài.
* Đội ngũ cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh ít được đào tạo.
Trình độ của người lao động kể cả chủ doanh nghiệp xét về tổng thể chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt của kinh tế thị trường.
Về trình độ chuyên môn: phần lớn các chủ doanh nghiệp ít được đào tạo hoặc không được đào tạo. Một số có trình độ kỹ thuật nhưng thiếu kiến thức quản lý, do vậy việc điều hành quản lý theo kinh nghiệm là chủ yếu. Một số khác, có ý chí làm ăn nhưng lại thiếu kiến thức văn hoá nên hạn chế sự thành công trong kinh doanh.
Trình độ có hạn và nguồn vốn hạn chế nên một số chủ doanh nghiệp không thoát khỏi tầm nhìn hạn chế của việc sử dụng lao động rẻ tiền (lao động không đào tạo). Tính toán của họ mang tính ngắn hạn, thiếu chiến lược lâu dài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp do thiếu kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường nên mắc phải nhiều sai lầm như vay vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn (công ty khai thác thuỷ sản), điều đó dễ dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán.
Về trình độ tay nghề và chất lượng lao động trong khu vực KTTN: Khu vực tư nhân đã giải quyết số lượng lớn lực lượng lao động. Nhìn chung, lực lượng này phần nhiều chưa được đào tạo tay nghề, chủ yếu sử dụng lao động thủ công, làm việc theo kinh nghiệm. Có những lao động làm việc thể hiện rõ
nét tính không ổn định. Họ chỉ quan tâm đến giải quyết nhu cầu ăn, ở hàng ngày, chưa suy nghĩ chiến lược lâu dài của việc làm. Do vậy, việc nâng cao trình độ đối với họ được xem là không cần thiết.
Qua khảo sát 2.415 công nhân có tay nghề trong đó chỉ có 8 công nhân bậc 7 và 61 công nhân bậc 6, còn lại là công nhân bậc 4, bậc 3 trở xuống.
* Ý thức chấp hành quy định Nhà nước còn thấp, tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh chưa giảm.
Nhiều cơ sở KTTN chưa thực hiện tốt những quy định pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm, tiền lương, tiền công, bảo hộ lao động, giờ làm việc... đối với người lao động. Quyền lợi của người lao động ở khu vực KTTN, chưa được đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nhà xưởng, nơi làm việc chật hẹp, lao động bằng sức người là chính, bảo hộ lao động và an toàn lao động chưa đảm bảo, tình trạng làm việc nhiều ca, vượt thời gian quy định khá phổ biến, có khá nhiều cơ sở sản xuất sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, theo quy đinh của pháp luật.
Nhiều đơn vị KTTN trốn, lậu thuế, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, không kê khai nộp thuế. Một bộ phận hộ cá thể không xin cấp mã số thuế, không đăng ký nộp thuế, nhiều cơ sở vi phạm quy định nhà nước trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh như: đầu tư xây dựng không giấy phép, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hoạt động kinh doanh các ngành nghề không đăng ký, mua bán không niêm yết giá, mua bán khống hoá đơn, kê khai gian để trốn thuế, không lập sổ sách kế toán.
Năm 2002 phát hiện xử lý 642 vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép, năm 2004 xử lý 458 vụ.
* Nguyên nhân từ các cơ quan quản lý:
Việc hoạch định hướng phát triển cho khu vực kinh tế thuộc sở hữu tư nhân như xác định cơ cấu, quy mô, tỷ trọng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. . . của các cơ quan chức năng Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức làm cho sự phát triển của họ còn nặng tính tự phát, không đồng bộ. Thực hiện sản xuất còn nặng tính phong trào (cái gì nhiều người làm thì cứ đổ xô vào) cách làm đó tạo ra sự không an toàn trong kinh doanh, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực này có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc (khi nhiều người cùng sản xuất kinh doanh một loại hàng sẽ dẫn đến cung vượt cầu)
Khi chuyển đổi cơ chế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, sự quản lý của Nhà nước còn nhiều lúng túng và bị động, thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển KTTN phù hợp trong từng ngành, từng địa bàn, còn nhiều quy định không đồng bộ và thiếu rõ ràng nên khó triển khai thực hiện và áp dụng.
Quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế này có lúc quá nguyên tắc, nhưng lại có lúc buông lỏng. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện tốt chức năng quản lý của mình đối với doanh nghiệp. Các ngành các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với khu vực KTTN. Cung cách quản lý chưa chuyển kịp theo yêu cầu phát triển của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường, lúng túng cả về nội dung và phương thức quản lý nhà nước. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với doanh nghiệp vẫn còn.
Hệ thống pháp luật của Nhà nước hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, một số quy định còn rải rác trong nhiều văn bản, dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện. Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng thực tế, chưa tác động rõ nét đến KTTN. Tính chủ đạo quá mờ nhạt, nếu loại trừ yếu tố lợi nhuận, còn một số mặt khác như định hướng phát triển, quy hoạch chiến lược phát triển... doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự là điểm sáng soi đường cho KTTN. Ngược lại, sự yếu kém trong kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước
làm ảnh hưởng không ít đến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, với tư cách dẫn dắt đối với các thành phần kinh tế khác.
* Nguyên nhân từ phía doanh nghiệp:
Ý thức vươn lên của nhiều doanh nghiệp chưa cao, thiếu tính chủ động, tìm ra phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp với cơ chế thị trường. Việc hạn chế nguồn lực đầu tư, công nghệ, thiết bị, kiến thức quản lý và trình độ điều hành sản xuất kinh doanh cũng là nhân tố cản trở việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của KTTN.
Với bản chất tư hữu, khu vực KTTN không muốn quan hệ với các tổ chức cũng như cơ quan chức năng của Nhà nước. Do vậy, họ tìm mọi cách để trốn tránh việc xây dựng các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp như hạn chế công nhân lập ra tổ chức công đoàn. Nếu cơ sở nào tổ chức được tổ chức công đoàn thì tìm mọi cách vô hiệu hoá tổ chức này, chỉ để cho tổ chức này tồn tại dưới dạng hình thức. Vừa qua, việc phát triển đoàn viên khu vực này chỉ đạt 35,46% so với tổng số lao động ngoài quốc doanh và đạt 12,61% so với doanh nghiệp có quy mô sử dụng 10 lao động trở lên .
Tóm lại: Từ ngày tái lập tỉnh, đặc biệt kể từ khi có luật doanh nghiệp ra
đời cho đến nay, khu vực KTTN trong Tỉnh đã có môi trường phát triển khá