6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.1. Nghiên cứu thực nghiệ mở nước ngoài
Nền tảng của việc định giá chứng khoán là dựa vào dòng tiền chiết khấu kỳ vọng. Do đó, nhân tố quyết định giá chứng khoán chính là tỷ suất sinh lợi và dòng tiền kỳ vọng ( Elton & Gruber, 1991). Các biến kinh tế vĩ mô sẽ tác
động lên tỷ suất sinh lợi và dòng tiền kỳ vọng trong tương lai của doanh nghiệp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
Fama & Gibbon (1982) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ
suất sinh lợi và vốn đầu tư. Kết quả này ủng hộ cho các nghiên cứu của Mundell
(1963) và Tobin (1965) cho thấy rằng lợi nhuận kỳ vọng và tỷ lệ lạm phát có tương quan âm.
Chen, Roll và Ross (1986) với nghiên cứu nổi tiếng về mô hình đa nhân tố để đánh giá ảnh hưởng của các biến kinh tế vĩ mô lên TTCK Mỹ. Các biến kinh tế vĩ mô mà nghiên cứu đã xem xét bao gồm : chỉ số sản xuất công nghiệp (Industrial Production), lạm phát (Inflation), phần bù rủi ro (Risk Premia), cấu trúc kỳ hạn (The Term Structure), chỉ số thị trường (Market Indices), mức chi tiêu thực tế (Consumption) và giá dầu (Oil Prices) giai đoạn từ tháng 1/1953 đến tháng 11/1984. Kết quả cho thấy có một vài biến được chứng minh là có ý nghĩa trong việc giải thích tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của cổ phiếu, đặc biệt là biến sản lượng công nghiệp, biến động trong phần bù rủi ro và đường cong lãi suất ; những biến còn lại có tác động yếu hơn. Tác giả cũng kiểm định sự ảnh hưởng của những thay đổi trong tiêu dùng bình quân đầu người thực và thay đổi giá dầu trong việc định giá chứng khoán, nhưng kết quả cho thấy không có một tác động toàn diện nào. Công trình này đã cũng cố niềm tin rằng có tồn tại một mối quan hệ cân bằng trong dài hạn giữa giá chứng khoán và các biến số vĩ mô.
Tương tự như Chen, Roll và Ross (1986), nghiên cứu của Homoa (1988) cũng
cho kết quả tương tự trên thị trường Nhật Bản.
Schwert (1990) phân tích mối quan hệ giữa lợi nhuận trên thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế thực (được đại diện bởi chỉ số sản xuất công nghiệp). Nghiên cứu cho thấy có tự tương quan dương giữa lợi nhuận chứng khoán và tỷ lệ tăng tưởng sản lượng công nghiệp.
Yu Hsing (2013) thực hiện nghiên cứu dựa trên số liệu của thị trường chứng khoán và các nhân tố kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tỷ giá, tỷ lệ lạm phát, chỉ số thị trường chứng khoán nước ngoài tại Nhật Bản trong giai đoạn 1975-2009. Kết quả nhận được là giá trị sản xuất công nghiệp có quan hệ cùng chiều với chỉ số thị trường chứng khoán còn các biến tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP, lãi suất thực tế trong nước và lạm phát kỳ vọng lại có tương quan ngược chiều với chỉ số thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nghiên cứu còn tìm thấy mối quan hệ phi tuyến giữa chỉ số chứng khoán với tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu dụng, đó là quan hệ cùng chiều khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu dụng tương đối thấp và ngược chiều khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu dụng tương đối cao. Bên cạnh đó, chỉ số thị trường chứng khoán Nhật Bản và tỷ lệ M2/GDP cũng thể hiện mối qua hệ phi tuyến tính. Một tỷ lệ M2/GDP cao hơn có thể làm tăng (giảm) chỉ số thị trường chứng khoán nếu tỷ số đó là thấp hơn (cao hơn) so với giá trị 100,87%. Kết quả đảo chiều giữa quan hệ của chỉ số thị trường chứng khoán Nhật Bản với tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu dụng hoặc tỷ lệ M2/GDP là một sự khác biệt lớn so với các kết quả nghiên cứu trước đây cũng tại thị trường Nhật Bản. Mukherjee và Naka (1995) cho thấy sự tăng mức cung tiền M1 làm tăng giá cổ phiếu Nhật Bản. Và trong nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng sự mất giá của đồng yên làm tăng giá cổ phiếu. Trong khi đó, phát hiện của Choi (1995) cũng như Ajayi và Mougoue (1996) đều đi đến kết quả ngược lại, rằng một sự đánh giá cao đồng yên mới làm tăng giá cổ phiếu Nhật Bản. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Nieh và Lee (2001) thì không tìm thấy bằng chứng nào về mối quan hệ dài hạn giữa giá cổ phiểu và tỷ giá hối đoái. Từ những kết quả nghiên cứu tìm được, Yu Hsing đã đưa ra một số gợi ý về chính sách. Để duy trì một thị trường chứng khoán lành mạnh, các nhà chính sách cần phảm giảm giá đồng yên, giảm tỷ lệ M2/GDP, theo đuổi tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa thận trọng đồng thời duy trì mức lãi
suất thấp cũng như tỷ lệ lạm phát thấp. Ngoài ra, kết quả về mối quan hệ phi tuyến giữa chỉ số thị trường chứng khoán Nhật Bản với tỷ lệ M2/GDP hay tỷ giá hối đoái đã đóng góp một ý nghĩa rất quan trọng khi xây dựng chính sách. Việc tăng cung tiền sẽ giúp kích thích tăng hoạt động kinh tế và làm tăng giá chứng khoán, tuy nhiên phải giữ mức tỷ lệ M2/GDP không vượt quá 100,87%. Lý do là, nếu cung tiền M2 tăng quá cao so với GDP dự kiến sẽ làm cho lạm phát kỳ vọng tăng theo và tổn hại đến thị trường chứng khoán. Tương tự, sự mất giá của đồng yên được cho là sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho thị trường chứng khoán hơn những tác động xấu miễn là tỷ giá đó không được quá giá trị 52,44.
Abdelbaki (2013) đặt ra mục tiêu cho nghiên cứu là trả lời câu hỏi: kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho việc phát triển thị trường chứng khoán như thế nào? Và để đạt được mục tiêu nghiên cứu đó, tác giả đã sử dụng các mô hình tự hồi quy để phân tích và tìm ra mối tương quan giữa các nhân tố kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán. Các biến kinh tế vĩ mô được chọn bao gồm: lãi suất thực, lạm phát, tỷ lệ tiết kiệm/GDP, tỷ lệ đầu tư/GDP, tỷ lệ M2/GDP và thu nhập bình quân; và biến đại diện cho sự phát triển của thị trường chứng khoán mà tác giả lựa chọn là tỷ lệ giá trị vốn hóa thị trường/GDP. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của các biến từ 2000-2007 để tránh những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kết quả. Bằng phương pháp tự hồi quy, tác giả đã chỉ ra được thu nhập bình quân, đầu tư trong nước, phát triển hệ thống ngân hàng, dòng vốn tư nhân và tăng tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán là các nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của thị trường chứng khoán Bahrain. Các kết quả nghiên cứu này hỗ trợ cho các lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm về tác động của các nhân tố kinh tế vĩ mô với thị trường chứng khoán. Những phát hiện từ nghiên cứu của Abdelbaki đã mang lại những kiến nghị quan trọng cho chính sách của Bahrain. Thứ nhất, tính thanh khoản của
thị trường chứng khoán là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường. Theo đó, cải thiện tính thanh khoản chính là cách để đẩy nhanh sự phát triển của thị trường chứng khoán Bahrain. Thứ hai, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy sự ổn định kinh tế vĩ mô là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển thị trường chứng khoán. Chính phủ Bahrain nên tập trung vào nhận định này bằng cách thực hiện các chính sách vĩ mô một cách hiệu quả. Thứ ba, sự phát triển của hệ thống ngân hàng cũng rất quan trọng cho sự đi lên của thị trường chứng khoán. Chính vì thế, Bahrain nên tiếp tục tính đến những biện pháp mạnh để phát triển toàn diện hệ thống ngân hàng. Thứ tư, nghiên cứu nhận định rằng chính phủ Bahrain nên thực hiện các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán, đồng thời thúc đẩy đầu tư trong nước. Cuối cùng, tăng trưởng kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Vì vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là một mục tiêu mà các nhà chức trách Bahrain cần đạt được.
Mohi-u-Din & Mubasher (2013) đã sử dụng mô hình đa nhân tố APT để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán Ấn Độ. Để kiểm tra sự tác động này, sáu biến kinh tế vĩ mô đóng vai trò là sáu biến độc lập được chọn để đưa vào mô hình gồm: lạm phát, tỷ giá hối đoái, sản xuất công nghiệp, cung tiền, giá vàng và lãi suất. Các chỉ số thị trường chứng khoán Sensex, Nifty và BSE 100 đóng vai trò là các biến phụ thuộc. Dữ liệu thu thập là dạng dữ liệu chuỗi thời gian theo tháng của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4/2008 đến tháng 6/2012. Phương pháp mà tác giả sử dụng là phương pháp hồi quy để xây dựng một mô hình định lượng cho thấy sự ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tồn tại mối quan hệ giữa các biến kinh tế vĩ mô với thị trường chứng khoán Ấn Độ. Đầu tiên tác giả cho thấy rằng mức độ tác động của các biến kinh
tế vĩ mô với mỗi chỉ số chứng khoán là khác nhau đáng kể. Trong khi chỉ có 40% biến động của các chỉ số Sensex và Nifty có thể được giải thích bởi các biến kinh tế vĩ mô thì sự biến động của chỉ số BSE có thể được giải thích bằng 98% là từ các nhân tố kinh tế vĩ mô. Tiếp theo, tác giả xem xét mức ý nghĩa của các hệ số hồi quy của từng biến độc lập đối với từng biến phụ thuộc trong các mô hình. Kết quả cho thấy rằng với hai biến chỉ số Sensex và Nifty chỉ có hệ số của biến tỷ giá là có ý nghĩa trong mô hình thì đối với chỉ số BSE 100 tất cả các hệ số đều có ý nghĩa ngoại trừ hệ số của biến giá vàng. Nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn mới hơn về thị trường chứng khoán Ấn Độ - nơi mà các nhân tố kinh tế vĩ mô đã được chứng minh là rất quan trọng kinh đầu tư vào thị trường Ấn Độ. Trong khi tỷ giá có tương quan ngược chiều với các chỉ số thị trường chứng khoán thì các nhân tố kinh tế vĩ mô còn lại đều cho là tương quan ngược chiều với chỉ số chứng khoán, kể cả biến lạm phát vốn được cho là tác động ngược chiều đến thị trường chứng khoán.
Jang & Ahmed (2014) tiến hành phân tích ảnh hưởng của các biến kinh tế vĩ mô đến sự biến động của thị trường chứng khoán tại Mỹ trong dài hạn bằng mô hình MC-GARCH. Tác giả đã sử dụng chỉ số S&P 500 để đại diện danh mục đầu tư thị trường và lấy lợi nhuận hàng ngày trên chỉ số S&P 500 làm biến phụ thuộc. Các biến kinh tế vĩ mô độc lập bao gồm: GDP danh nghĩa, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng cung tiền M2, biến động GDP thực tế, tỷ giá hối đoái, lãi suất ngắn hạn và tỷ lệ lạm phát. Kết quả của nghiên cứu này đã cung cấp các nhận định có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách bằng các bằng chứng cho thấy các biến kinh tế vĩ mô cơ bản của nền kinh tế có tác động đến thị trường chứng khoán. Đầu tiên là tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế có mối quan hệ nghịch biến đáng kể với thị trường chứng khoán. Kết quả này không giống với nghiên cứu của Engle và Rangel (2008) nhưng phù hợp với nghiên cứu của Hamilton & Lin (1996) hay Fama &
French (1989). Tiếp đó, nghiên cứu cũng chỉ ra được sự biến động của ba biến: GDP thực tế, lãi suất ngắn hạn và tỷ giá hối đoái có mối tương quan cùng chiều với lợi nhuận trên S&P 500. Điều này phù hợp với các lý thuyết kinh tế và nghiên cứu thực nghiệm. Và cuối cùng, bài nghiên cứu đưa ra kết quả về sự tác động của biến lạm phát đến thị trường chứng khoán là cùng chiều. Tuy nhiên, mối quan hệ đó không có ý nghĩa thống kê. Tóm lại, mặc dù bài nghiên cứu này không mang lại kết quả gì đặc biệt, tuy nhiên nó một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của các chính sách kinh tế vĩ mô đối với việc phát triển thị trường chứng khoán.