Thứ nhất, ngân hàng Nhà nước cần có những cơ chế lãi suất phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ cũng như tình hình kinh tế từng thời kỳ. Mặc dù hiện tại
ngân hàng Nhà nước vẫn đang áp dụng chính sách lãi suất thả nổi trong tín dụng tiêu dùng song vẫn phải có những quy định chặt chẽ để tránh tình trạng các ngân hàng tự ý tăng lãi suất một cách tràn lan, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và gây ra làn sóng cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo một mức lãi suất linh hoạt để các ngân hàng thương mại có thể đủ bù đắp chi phí, rủi ro và có lợi nhuận để phát triển bền vững.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực tín dụng tiêu dùng làm kim chỉ nam cho hoạt động của các ngân hàng thương mại. Trong đó có hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể về loại hình sản phẩm dịch vụ của cho vay tiêu dùng, các văn bản hỗ trợ khuyến khích tín dụng tiêu dùng, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng bảo vệ quyền lợi của các ngân hàng thương mại trong việc phát triển hoạt động tín dụng này.
Thứ ba, ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi để các ngân hàng được học hỏi kinh nghiệm của nhau. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng nên hợp tác với nhau trong các hoạt động cần thiết, chẳng hạn như cung cấp thông tin về khách hàng khi họ có giao dịch tại nhiều ngân hàng, đảm bảo thu được các thông tin chính xác mà không phải tốn nhiều thời gian cũng như chi phí. Điều đó sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp tác và góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động ngân hàng nước nhà.