Giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở giảm chi phí nguyên vật liệu chính trong giá thành.
Giảm giá thành sản phẩm, nhất là đối với loại sản phẩm cùng loại so với đối thủ cạnh tranh trong thị trường có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong việc thực hiện chiến lược thị trường tiêu thụ sản phẩm nói riêng. Bởi vì giá thành là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh kết quả của nhiều hoạt động, nó có quan hệ đến chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh, số lượng sản phẩm tiêu thụ và chính sách định giá bán sản phẩm của doanh nghiệp.
Mặt khác không kém phần quan trọng là trong cạnh tranh thị trường chiến lược cạnh tranh về giá là chiến lược phổ biến nhất ở các quốc gia và thị trường Việt Nam là thị trường có độ co giãn của cầu theo giá khá cao, việc định giá bán thấp hơn đối thủ cạnh tranh do có chi phí thấp hơn lại là chiến
lược hiệu quả giành cho doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Điều này rất phù hợp với thị trường tiêu thụ ở nước ta.
Vì vậy bản thân giá thành sản phẩm thấp tự nó đã tạo ra cho doanh nghiệp một ưu thế cạnh tranh so với đối thủ mà vẫn mang lại lợi nhuận và đạt được những mục tiêu nhờ vào việc gia tăng khối lượng bán hàng.
Trong ngành sản xuất thép công nghiệp và tôn nói chung và ở công ty TNHH SX và TM Phúc Tiến Hưng Yên nói riêng thì tỉ trọng chi phí nguyên vật liệu chính trong giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hóa thường chiếm 56 – 60% giá thành. Do vậy việc sử dụng nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và các chiến lược cạnh tranh của công ty trên thị trường. Phấn đấu giảm chi phí nguyên vật liệu trong giá thành có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện cạnh tranh về giá nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và có hiệu quả kinh tế cao.
Để giảm chi phí nguyên vật liệu có hai hướng cơ bản sau:
Hướng thứ nhất: Tăng cường sử dụng nguyên liệu như: thép, tôn cuộn, các loại bản băng trong nước đến tối đa đối với chất lượng khá để từ đó giảm chi phí nguyên vật liệu.
Hướng thứ hai: Thay đổi hình thức nhập nguyên liệu dưới dạng thép cuộn đã cán mỏng bằng hình thức nhập thép sợi, sau đó gia công cán thép tại Việt Nam.