5. Bố cục của luận văn
2.1 Cấu trúc tổng thể
“Cấu trúc” là thuật ngữ mượn từ kiến trúc học, trong văn bản thông thường là chỉ hình thức cụ thể của sự tổ chức tài liệu, sắp xếp nội dung. [51.38] Văn bản được chia thành các đoạn lớn, rồi sử dụng các đầu đề để chỉ rõ nội dung của từng đoạn văn. Dùng số, hoặc chữ để phân biệt các đoạn văn, các phần nhỏ trực thuộc thì ghi lùi sâu vào trong để làm nổi bật các thông tin chính của văn bản.
Cấu trúc là bình diện hình thức của văn bản nhằm thể hiện bình diện nội dung văn bản. Vì vậy, cấu trúc của VBQPPL được hiểu là các loại hình thức cụ thể đối với sự tổ chức và sắp xếp yếu tố cấu thành, tài liệu, nội dung của VBQPPL. Trước tiên, chúng tôi thấy cần phải làm rõ một khái niệm quan trọng liên quan đến cấu trúc, đó là khái niệm thể thức.
Thể thức của văn bản là những yếu tố về cấu trúc nội dung và hình thức đã được thể chế hóa. Các yếu tố thể thức, tùy theo tính chất của mỗi loại văn bản mà có thể được bố trí theo những mô hình kết cấu khác nhau tạo thành cấu trúc của văn bản. Thể thức văn bản là những thành phần cần thiết phải có cũng như cách thức trình bày các thành phần đó trong một văn bản để đảm bảo tính thống nhất, tính pháp lý, nội dung và hiệu lực thi hành. [17.23] Thể thức là toàn bộ phận cấu thành văn bản, chỉ được áp dụng trong những văn bản ít nhiều mang tính pháp lý, hay là cơ sở đảm bảo tính pháp lý của các đơn
vị, cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội trong quá trình hoạt động. Các thành phần và cách trình bày, sắp xếp trong thể thức văn bản, cho đến nay vẫn tuân thủ theo những quy định của Nhà nước có thẩm quyền tại các văn bản chủ yếu. Ngoài ra, văn bản còn phải được đảm bảo những yêu cầu nhất định về thẩm mỹ. Thể thức của VBQPPL được quy định thành luật và bắt buộc phải thực hiện đúng.