Các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong lĩnh vực tài chính trước bối cảnh mới (Trang 33 - 35)

III. Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong lĩnh vực tài chính trước bối cảnh mới (CMCN 4.0)

2. Nhà nước và thị trường chứng khoán trước bối cảnh mới (CMCN 4.0)

2.1. Các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường chứng khoán

Các cơ quan này thực hiện chức năng quản lý thông qua việc ban hành hoặc đề nghị các cơ quan cấp trên như Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật định hướng và điều tiết hoạt động của thị trường. Ngoài ra, các cơ quan này có thể sử dụng các hình thức khác để can thiệp vào thị trường trong các trường hợp cần thiết, khẩn cấp. Thông thường, các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán gồm có: Ủy ban chứng khoán và các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Tư pháp… trong đó Ủy ban chứng khoán là cơ quan quản lý chuyên ngành đầy đủ của nhà nước trong lĩnh vực này, đây là cơ quan đóng vai trò chủ

trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan để điều hành thị trường tài chính hoạt động có hiệu quả.

Trên hầu hết các thị trường, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán đều có nhiệm vụ chung là đảm bảo hoạt động có tổ chức của thị trường chứng khoán bằng việc đặt ra các quy định và giám sát việc thực hiện các quy định đó. Cơ quan quản lý chứng khoán ra đời sớm nhất là Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) thành lập ngày 6/6/1934 sau sự sụp đổ của thị trường năm 1929. Uỷ ban chứng khoán Mỹ là cơ quan có tính độc lập cao đứng đầu là Chủ tịch và 4 Ủy viên hội đồng do Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, SEC có quyền lực rộng rãi từ việc ban hành các quy định, cấp phép kinh doanh, cấp phép thành lập SGD đến việc kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật các chủ thể tham gia thị trường.

Tại Anh Quốc, mặc dù Ủy ban chứng khoán và đầu tư (SIB) được thành lập tương đối muộn (năm 1986) nhưng lại có mô hình quản lý đặc thù, mô hình tự quản rất cao, Chính phủ chỉ quản lý và giám sát rất ít. SIB chịu sự giám sát trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng không được cấp kinh phí từ ngân sách, nhân viên của SIB không phải là công chức, viên chức của Chính phủ.

Tại Nhật Bản, chưa có UBCK với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước ngang Bộ, Tổng cục chứng khoán thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý và giám sát thị trường. Ngoài ra, còn có các cơ quan quản lý phụ trợ khác trong lĩnh vực chứng khoán như: Hội đồng chứng khoán (thành lập năm 1952); Hội đồng kế toán kinh doanh; Ủy ban thanh tra chứng nhận kế toán công. Đến năm 1992, Ủy ban giám sát và giao dịch chứng khoán được thành lập nhằm đảm bảo tính công bằng, công khai và an toàn trong kinh doanh chứng khoán cho các nhà đầu tư tại Sở giao dịch. Ủy ban này trực thuộc Bộ Tài chính và hoạt động tương đối độc lập với các tổ chức khác. Mô hình quản lý của Nhật Bản cũng phát huy rất cao tính tự quản.

Tại Hàn Quốc, tồn tại song song 2 cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán gồm UBCK Hàn Quốc (KSEC) và Ủy ban giám sát chứng khoán (SSB). KSEC và SSB chịu trách nhiệm quản lý và giám sát thị trường chứng khoán dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính. Chủ tịch UBCK đồng thời là Lãnh đạo Ủy ban giám sát, ngoài việc quản lý thị trường chứng khoán và các định chế liên quan còn quản lý, kiểm soát trực tiếp thị trường, các công ty chứng khoán, các tổ chức niêm yết, các nhà đầu tư hoặc nhà phát hành nước ngoài.

Tại Trung Quốc, Ủy ban quản lý chứng khoán (CSRC) thành lập năm 1992 là cơ quan thuộc Quốc Vụ Viện Trung Quốc, thực hiện chức năng quản lý thị trường chứng khoán. Sau đó Ủy ban này kết hợp với Ủy ban giám sát thị trường và đổi tên thành Ủy ban giám quản chứng khoán.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong lĩnh vực tài chính trước bối cảnh mới (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(44 trang)
w