Tổng nợ nước ngoài phản ánh tất cả các nghĩa vụ nợ đối với nước ngoài của cả khu vực công lẫn khu vực tư của nền kinh tế Việt Nam. Tổng nợ nước ngoài được phân tách
ra thành nợ công nước ngoài (gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh) và nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (gồm cả của khu vực tư và DNNN). Tổng nợ công được định nghĩa là nợ trong nước và nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.
Tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP, các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP27. Tuy nhiên, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam. Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP.
(Theo Báo cáo số 305/BC-CP về tình hình nợ công của Chính phủ ngày 30/10/2012 trình Quốc hội.)
Ngoài ra, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN theo ghi nhận trong đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF.