CHƯƠNG III: KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH VỀ TRẦN NỢ CÔNG TỐI ƯU CHO VIỆT NAM
3.2 Khuyến nghị chính sách quản lý nợ công và sử dụng hiệu quả vốn vay
Thâm hụt ngân sách và nợ công đôi khi là cần thiết đối với một quốc gia, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển khi mà nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, hoặc trong những thời kì nền kinh tế cần các gói kích thích để chống lại chu kì suy thoái do những cú sốc bên ngoài. Quốc gia có kinh tế càng phát triển thì dư nợ công càng cao hoặc tỷ lệ nợ công trên GDP càng lớn. Điều này minh chứng những tác động tích cực của nợ công đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nhìn vào bản đồ nợ công trên thế giới của The Economist, các quốc gia phát triển, các nước công nghiệp mới và một phần các nước đang phát triển đều có tổng nợ công cao. Theo đó, quốc gia có kinh tế càng phát triển thì dư nợ công càng cao hoặc tỷ lệ nợ công trên GDP càng lớn. Điều này minh chứng những tác động tích cực của nợ công đối với sự phát triển của nền kinh tế. Và Việt nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Tuy nhiên, việc kéo dài thâm hụt ngân sách và kéo theo nợ công tăng nhanh, ngoài những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong dài hạn nó còn tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và thịnh vượng của một quốc gia.
Những mô phỏng về triển vọng nợ công cho thấy, muốn duy trì tỉ lệ nợ công ổn định, ngoại trừ việc gây lạm phát cao, Chính phủ cần phải duy trì được cán cân ngân sách cơ bản cân bằng. Trong điều kiện tỉ lệ thu/GDP đã ở mức rất cao như hiện nay, điều này chỉ có thể thực hiện bằng các chương trình cắt giảm chi tiêu công.
Những thách thức tài khóa và nợ công được phân tích ở trên cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế. Thông thường, để thực hiện cải cách tài khóa các nhà hoạch định chính sách có hai cách tiếp cận đó là “điều chỉnh dần dần” hoặc “điều chỉnh mạnh một lần”. Những người ủng hộ cách tiếp cận “điều chỉnh mạnh một lần” cho rằng quá trình cải cách tài khóa cần được thực hiện toàn diện ngay lập tức và diễn ra càng nhanh càng tốt. Ngược lại, những người ủng hộ phương pháp “điều chỉnh dần dần” lại cho rằng quá trình điều chỉnh nên diễn ra từ từ trong một khoảng thời gian dài nhằm tránh những cú sốc tiêu cực quá lớn cho nền kinh tế. Dù ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng là bao nhiêu đi chăng nữa thì với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm các ngưỡng đó. Việc sớm chuẩn bị cho một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi sẽ là rất cần thiết giúp cho nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai. Mục đích chính của việc quản lý nợ công là việc xem xét các rủi ro liên quan đến các chiến lược và cấu trúc nợ, từ đó đưa ra các điều chỉnh định hướng chính sách nhằm duy trì sự bền vững của nợ công trong trung và dài hạn. Do vậy, trong phần này, bài viết gợi ý một số nhóm chính sách để thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp cho việc quản lý nợ công và thâm hụt ngân sách hiện nay tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng nợ công trong tương lai Việt Nam.