3. Giải pháp phát triển hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại Việt Nam
3.3. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Mặc dù hiện nay, tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh hàng ngày theo tỷ giá trung tâm với biên độ +/- 3%, có thể xem là phần nào giảm được rủi ro tỷ giá cho các đối tượng tham gia giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, rủi ro này được giảm, nhưng vẫn còn hiện hữu. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp tìm đến dịch vụ bảo hiểm cho các loại rủi ro mà nhà xuất khấu có thể gặp phải, sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Muốn tham gia sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, trước hết các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nhận thức được những cơ hội cũng như lợi ích mà bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đem lại trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Có như vậy, các
doanh nghiệp sẽ chủ động, tích cực nắm bắt các thông tin, tìm hiểu sâu về cách thức sử dụng loại hình bảo hiểm này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý bồi dưỡng kiến thức, đào tạo các cán bộ phụ trách tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu về các công cụ hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để có thể phòng ngừa được hiệu quả các rủi ro từ những biến động bất thường trên thị trường trong quá trình giao dịch thương mại quốc tế.
Mặt khác, cần mở rộng mạng lưới đại diện thương mại ở nhiều nước nhằm thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả, hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới của công ty mình.
Nói chung, để thị trường phát triển thì tất cả các chủ thể liên quan, từ DN sản xuất, kinh doanh đến DN bảo hiểm và cả cơ quan quản lý cần hợp lực, hợp tác nhiều hơn và cần có những yếu tố mang tính thực hành.
KẾT LUẬN
Năm 2019, một năm đầy biến động với các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đạt đến đỉnh điểm trở thành chiến tranh thương mại, làm tổn thương ít nhiều đến các ngành hàng xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động và rủi ro, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trở thành một công cụ thiết yếu trong tài trợ thương mại quốc tế ở Việt Nam và trên thế giới. Từ lý thuyết và kinh nghiệm thực tế có thể thấy được lợi ích tích cực của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - một công cụ hỗ trợ thương mại quốc tế hiệu quả. Công cụ này đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đã được tất cả các nước phát triển và nhiều nước phát triển sử dụng.
Tại Việt Nam, trong vòng 1 thập kỉ vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng thúc đẩy, khuyến khích xuất khẩu bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đặc biệt là “Chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu”. Mặc dù chưa đạt được những thành tựu cụ thể nhưng chương trình đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu biết đến và sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhiều hơn trong việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên đây là một loại công cụ tài trợ thương mại quốc tế khá phức tạp, đòi hỏi năng lực điều hành và chuyên môn rất cao từ cả tổ chức bảo hiểm và người xuất khẩu.
Ở mỗi nước, mô hình triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu lại khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển và điều kiện kinh tế của từng nước. Để hình thức tài trợ này trở nên phổ biến hơn, Việt Nam cần có 1 tổ chức chuyên cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, có một khung phát lý hoàn thiện hơn trong ngành và trên hết trình độ chuyên môn cao và nhận thức rủi ro đến từ môi trường giao dịch thương mại quốc tế. Chúng ta
hy vọng trong vòng 5 – 10 năm nữa, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ trở thành một hình thức hỗ trợ xuất khẩu được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.