1.1. Thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu của các các quốc gia luôn có nguy cơ gặp rủi ro, gây bất lợi cho nền kinh tế. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được xem như một giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn tài chính và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các quốc gia.
Hình 2 - Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - Tổng giá trị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giai đoạn 2006-2018 theo ICISA
(Nguồn : ICISA)
Có thể thấy, đi cùng với sự tăng triển của nền kinh tế thế giới, nhu cầu về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngày càng tăng theo từng năm. Tổng giá trị bảo hiểm đã tăng xấp xỉ 200% từ 1500 tỷ Euro năm 2006 lên 3000 tỷ Euro vào năm 2018. Năm 2009 đánh dấu sự sụt giảm trên thị trường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi tổng giá trị bảo hiểm xuất khẩu chạm mốc 1500 tỷ Euro, ngang với năm 2006. Giai đoạn sau đó, đi cùng với sự mở rộng và tăng trưởng của hoạt động thương mại quốc tế, tổng giá trị bảo hiểm liên tục tăng trưởng điển hình là vào năm 2017 khi đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 21%. Trong bối cảnh nền kinh tế nội địa và toàn cầu diễn biến ngày một phức tạp và nhiều thách thức, các doanh nghiệp phải đối mặt thường xuyên hơn với rủi ro
thương mại và thậm chí bị thiệt hại khi người mua không thanh toán hoặc phá sản. Không một doanh nghiệp nào được miễn nhiễm khỏi rủi ro tín dụng khi giao thương trên thị trường nội địa và quốc tế. Vì thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu rủi ro và bảo hiểm cho các khoản nợ xuất khẩu của mình thay vì tự gánh chịu thua lỗ và hối tiếc vì đã không thực hiện trước các biện pháp bảo vệ cần thiết.
Hình 3 - Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - Phí bảo hiểm, bồi thường và tỷ lệ bồi thường giai đoạn 2006-2018 theo ICISA
(Nguồn : ICISA)
Sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cũng đem lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty bảo hiểm. Trên thế giới, có thể kể đến những công ty đầu ngành như Atradius, Coface, và Euler Hermes với thị phần chiếm trên 80%. Theo số liệu từ ICISA, phí bảo hiểm mà các công ty thu được đã đạt 6 tỷ Euro vào năm 2016, vượt qua mốc 6,5 tỷ Euro vào năm 2018 và được kỳ vọng sẽ chạm mốc 7 tỷ Euro vào năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ lệ bồi thường cũng được được giữ ở mức trung bình khoảng 45% trong phần lớn các năm trở lại đây. Tuy nhiên, vào giai đoạn khủng hoảng tài chính các năm 2009 và 2010, tỷ lệ bồi thường đã chạm mức cao nhất là 90%, các công ty bảo hiểm phải trả khoản bồi thường kỷ lục lên đến 4,5 tỷ Euro.
1.2. Kinh nghiệm của Mỹ
Mỹ là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới, đặc biệt là có hệ thống bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hoạt động hiệu quả với mô hình được phân đoạn chuyên
môn hoá cao. Vì vậy, nhóm thuyết trình đã chọn Mỹ làm đối tượng nghiên cứu kinh nghiệm, trên cơ sở đó rút ra bài học cho Việt Nam.
Trong cơ cấu nền kinh tế Mỹ, các nguồn hỗ trợ đối với những mặt hàng xuất khẩu từ phía Chính phủ được phân loại hết sức rõ ràng, bao gồm những nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp nhằm cải thiện xuất khẩu và những nguồn hỗ trợ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng với những công cụ hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bảo hiểm và bảo lãnh thường có sự tham gia của ba cơ quan lớn là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ex-im bank, Tập đoàn tín dụng hàng thương mại (CCC - Commodity Credit Corporation) và Tập đoàn đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC - Overseas Private Investment Corporation) với ba mục tiêu là hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá dịch vụ, xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu được coi là một đại diện của Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp hoạt động với các cơ quan khác nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ cho các nước đang phát triển là một trong những chiến lược xuất khẩu trọng tâm của Mỹ. Các hoạt động này được điều phối bởi Hội đồng tư vấn quốc gia về các chính sách tài chính và tiền tệ quốc tế (NAC - National Advisory Council on International Monetary and Financial Policy). Uỷ ban này gồm các thành viên của Kho bạc quốc gia, Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Phòng thương mại, Quỹ dự trữ quốc gia và IDCA (một cơ quan có sự tham gia của Tập đoàn đầu tư tư nhân nước ngoài, Tập đoàn thương mại và phát triển Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ).
1.2.1. Vai trò của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ
Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ được thành lập vào năm 1934 với nhiệm vụ chính là thúc đẩy giao dịch thương mại giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, đến năm 1945, mới được coi là một cơ quan của Chính phủ hoạt động dựa trên Đạo Luật Ngân hàng Xuất nhập khẩu do Chính phủ Mỹ phê chuẩn. Đến năm 2015, ngân hàng này được tái cấp quyền hoạt động theo Đạo luật Ngân Hàng Xuất nhập khẩu do Tổng thống Obama phê duyệt. Trên thực tế, Ngân hàng Xuất nhập khẩu cung cấp bảo lãnh các khoản vay và bảo hiểm tín dụng để tài trợ xuất khẩu. Ngân hàng Xuất
nhập khẩu Mỹ tiến hành sự thay đổi lớn nhất khi quyết định đưa mô hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vào hoạt động vào năm 1992. Từ đó đến nay, các hoạt động của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ được chia làm 2 mảng: hoạt động thương mại và hoạt động viện trợ các nước đang phát triển. Trong đó, nguồn tiền hỗ trợ cho hoạt động thương mại, cụ thể là cho hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đến từ 3 nguồn chủ yếu là: nguồn thu của Ngân hàng (thu từ chênh lệch cho vay, và thu phí bảo hiểm), các khoản vay từ Ngân khố quốc gia và các khoản được Ngân sách phân bổ dùng để hỗ trợ chi phí quản lý.
Exim Bank đưa ra 4 sản phẩm tài chính: • Bảo lãnh khoản vay
• Bảo đảm vốn lưu động
• Khoản vay trực tiếp (direct loan) • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ là đưa ra thị trường các loại hình bảo hiểm và bảo lãnh, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nhận tài trợ xuất khẩu từ Chính phủ thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ và Ngân khố quốc gia. Với mục tiêu này, Ngân hàng hoạt động chủ yếu dựa trên hai chương trình: Tín dụng tài trợ trực tiếp và Tài trợ qua trung gian.
Mỹ là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, do đó các hoạt động của Eximbank cũng tuân theo các quy định và những nguyên tắc cơ bản của tổ chức này về hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chính thức.
1.2.2. Hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của Eximbank
Các loại hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được cung cấp bởi Eximbank là:
1.2.2.1. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn
Cung cấp bảo hiểm cho rất nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu thô, linh, phụ kiện, máy móc tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng lâu bền, và hàng nông sản với số lượng lớn và hầu hết các dịch vụ với điều kiện tín dụng lên đến 180 ngày. Trong một số trường hợp ngoại lệ, các mặt hàng xuất khẩu này có thể được bảo hiểm với điều kiện tín dụng lên
tới 360 ngày. Trong bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, Eximbank đưa ra các loại hình bảo hiểm khác nhau dành cho người mua và Ngân hàng (người cho vay).