Từ những phân tích về thực trạng hiệu quả sử dụng vốn và căn cứ vào kết quả điều tra trắc nghiệm tại Công ty Cổ phần Sông Hồng Thăng Long, cùng với những kiến thức được trang bị tại nhà trường và thực tế tại công ty, em xin đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần đẩy mạnh việc quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại công ty.
1.2.1.1. Giải pháp thứ 1: Quản lý tốt các khoản phải thu, đẩy nhanh tốc độ luân
chuyển của VLĐ
• Lý do đưa ra giải pháp:
Từ việc phân tích tình hình VLĐ và xuất phát tử những hạn chế của công ty trong việc sử dụng VLĐ, ta nhận thấy rằng mặc dù tỷ trọng giảm nhưng các khoản phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn lưu động của công ty. Điều này chứng tỏ số vốn lưu động mà công ty bị khách hàng, các tổ chức, cá nhân khác chiếm dụng khá lớn. Chính vì vậy công tác quản lý tài chính đòi hỏi phải có những biện pháp khắc phục, có các chính sách phù hợp sao cho thu được các khoản phải thu, giảm tình trạng vốn của nhà máy bị chiếm dụng
• Nội dung của giải pháp:
Để đảm bảo sự ổn định, lành mạnh và tự chủ về mặt tài chính, tránh bị tồn đọng vốn và bị chiếm dụng vốn, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển của VLĐ, từ đó góp phần
sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả, công ty cần xiết chặt kỷ luật thanh toán, cụ thể như sau:
Công ty cần tìm mọi cách thu hồi công nợ càng sớm càng tốt, điều động nhân viên trực tiếp đi thu hồi nợ, tăng chi phí cho việc đi thu hồi nợ, quản lý các khoản thu được và tính toán chi tiết các khoản khách hàng đang nợ.
- Trước khi ký hợp đồng với khách hàng, công ty cần cân nhắc kỹ càng. So sánh giữa lợi ích và chi phí cho hợp đồng đó trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Khi quyết định ký kết hợp đồng cần quy định rõ thời hạn, hình thức thanh toán và mức phạt thanh toán chậm so với quy đinh trong hợp đồng.
- Sử dụng có hiệu quả các biện pháp thu hồi nhanh như chiết khấu bán hàng, giảm giá cho những khách hàng mua với số lượng lớn nhằm thúc đẩy khách hàng thanh toán nhanh, hạn chế các khoản nợ dây dưa khó đòi. Để làm được điều này, tỷ lệ chiết khấu công ty đưa ra phải phù hợp, hấp dẫn khách hàng thanh toán ngay vừa bù đắp được chi phí vốn và rủi ro mà công ty có thể gặp.
- Định kỳ công ty nên tổng kết, đánh giá công tác tiêu thụ, liệt kê những khách hàng quen thuộc, khách hàng mua thường xuyên với khối lượng lớn, khách hàng thanh toán song phẳng. Tổ chức hội nghị khách hàng nhằm thu thập những ý kiến đóng góp của khách hàng, tạo điều kiện cho công tác bán hàng, thu hồi tiền hàng ngày một tốt hơn.
1.2.1.2. Giải pháp thứ 2: Quản lý chặt chẽ HTK, tăng tốc độ chu chuyển HTK
• Lý do đưa ra giải pháp:
Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng khá lớn và tỷ trọng năm 2011 tăng so với năm 2010. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vốn lưu động của công ty bị ứ đọng từ đó làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Chính vì vậy, công ty cần chú trọng đến xác định hàng tồn kho thích hợp để dự đoán đúng số nguyên vật liệu cần cung cấp từ đó có quyết định dự trữ hàng tồn kho hợp lý. Bên cạnh đó duy trì một mức sản phẩm hàng hóa, tồn kho hợp lý cũng rất quan trọng làm sao cho có đủ sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng không làm ứ đọng vốn góp phần sử dụng tiết kiệm vốn lưu động, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn lưu động.
• Nội dung giải pháp:
Trước mắt công ty phải giải phóng bớt hàng tồn kho này bằng cách điều chuyển hàng hóa cũng như nguyên vật liệu ứ đọng ở các công ty, xí nghiệp thành viên này sang xí nghiệp thành viên khác thiếu hàng hóa, công trình để thực hiện, tạm ngưng
nhập và dự trữ các nguyên vật liệu đang còn dư thừa, tiến hành bán với giá thấp hơn giá hiện tại trên thị trường nhưng phải đảm bảo hòa vốn để thu hồi vốn nhằm tái đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh khác.
Tiếp đến là các biện pháp làm giảm chi phí SXKD dở dang trong kỳ hay nói cách khác là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, giảm thời gian “chết” trong quá trình thi công đồng thời nhanh chóng hoàn tất hồ sơ quyết toán yêu cầu bên kia thực hiện quyết toán đúng hợp đồng.