9. Bố cục của luận văn
1.4.1. Công ước Bern
Công ước Berne (1886) về bảo hộ các quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật (xin gọi tắt là Công ước Berne) được kí kết lần đầu tiên vào ngày 9/9/1886 tại Berne, Thuỵ Sỹ. Sau đó, Công ước này đã được sửa đổi, bổ sung bảy lần vào các năm 1896 tại Paris, năm 1908 tại Berlin, năm 1914 tại Berne, năm 1928 tại Rome, năm 1948 tại Brussels, năm 1967 tại Stockholm và năm 1971 tại Paris. Văn bản hiện hành của công ước Bern chính là đạo luật Paris của Công ước được thông qua trong lần sửa đổi, bổ sung vào ngày 24 tháng 7 năm 1971, tại Paris, Cộng hoà Pháp.
Công ước Berne gồm có Phần mở đầu, 47 điều khoản chính và Phần phụ lục gồm sáu khoản. Nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của Công ước Berne là các quy định được ghi nhận tại các điều khoản từ Điều 1 đến Điều 21 và Phần phụ lục dành cho các nước đang phát triển.
Các quốc gia tuân thủ công ước Bern công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước này. Quyền tác giả, theo công ước Berne là tự động, không cần phải đăng kí tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền. Ngoài ra, những quốc gia kí công ước Berne không được đặt ra các thủ tục hành chính sách nhiễu các tác giả trong việc thụ hưởng tác quyền. (Các quốc gia kí công ước Bern vẫn có quyền áp đặt các luật lệ riêng cho các tác giả trong nước họ hoặc từ những nước không kí công ước này).
Công ước Berne cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó. Tuy nhiên, các quốc gia tuân thủ công ước được phép nâng thời hạn hưởng tác quyền dài hơn, như Cộng đồng châu Âu đã làm năm 1993. Hoa Kỳ cũng gia hạn tác quyền, như trong Đạo luật Kéo dài Bản quyền Sonny Bono năm 1998.
Một số nước tuân thủ phiên bản cũ của công ước Bern cho phép tác giả được hưởng suốt đời cộng 70 năm. Thời hạn này có thể giảm đối với một số loại tác phẩm nghệ thuật (như điện ảnh) hoặc đối với các tác phẩm là công trình của một cơ quan thì thời hạn tác quyền là 95 năm sau lần xuất bản đầu tiên.
Ngày 7 tháng 6 năm 2004, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã kí quyết định số 332/2004/QĐ-CTN về việc Việt Nam tham gia Công ước Berne, trở thành quốc gia thứ 156 tham gia Công ước và Công ước này có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam từ ngày 26/10/2004.
Việc tham gia Công ước Berne giúp Việt Nam hòa nhập nền kinh tế quốc tế, có điều kiện học hỏi kinh nghiệm cũng như nhận được sự trợ giúp
của các nước khác trong việc quản lí bản quyền tác giả. Khi tham gia công ước Berne, các nhà xuất bản Việt Nam sẽ phải nghiên cứu, cân nhắc kĩ lưỡng khi mua bản quyền tác phẩm nước ngoài, nhờ đó người tiêu dùng sẽ được cung cấp các tác phẩm có giá trị thực sự và chọn lọc. Công ước Berne là công cụ pháp lí để các tác giả Việt Nam được bảo hộ bản quyền trên phạm vi thế giới, bởi vì trong quá khứ cũng như hiện tại, không ít tác giả Việt Nam đã bị phía nước ngoài vi phạm bản quyền.
Mặc dù vậy, khi tham gia Công ước Berne chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác tác phẩm nước ngoài. Trước hết là việc rất khó liên hệ với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vì chúng ta thiếu thông tin. Và khi đã liên hệ được thì thường bị phía nước ngoài đặt yêu cầu cao, như số lượng lớn cho lần xuất bản đầu (phía Việt Nam thường chỉ dám in 2.000-3.000 cuốn lần đầu); tiền đặt cọc trên 1000USD; phí tác quyền lên tới 8% cho lần đầu và sau đó tăng dần lên (tại Việt Nam thì tỉ lệ này chỉ là 6-7%). Một khi đã vượt qua các yêu cầu này thì phía Việt Nam còn đối mặt với thực trạng vi phạm tràn lan trong nước. Một số nhà xuất bản dám tiên phong trong việc mua bản quyền nước ngoài (như nxb Trẻ, nxb Kim Đồng…) nhưng vừa xuất bản chưa thu hồi được vốn thì đã bị các đầu nậu sách “luộc” lại tác phẩm và in với số lượng gấp nhiều lần bản gốc. Do đó, các nxb khác không dám đầu tư kinh phí trong một môi trường kinh doanh còn quá nhiều nguy cơ vi phạm bản quyền như hiện nay. Tất những khó khăn trên dẫn đến việc các tác phẩm nước ngoài được xuất bản ở Việt Nam ngày một ít đi trong khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân lại ngày càng cao.