Lực lượng biên phòng tuần tra ngăn chặn hàng lậu. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, gần đây một lượng lớn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan do không xuất khẩu được sang Châu Âu, Mỹ đang được tập kết ở biên giới Việt Nam để tìm đường tuồn vào trong nước. Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
Trên tuyến biên giới đường bộ Việt - Trung, hàng nhập lậu chủ yếu là đồ điện tử, điện gia dụng, gia cầm, gia súc, mũ bảo hiểm, điện thoại di động, sợi thuốc lá, pháo... Và hàng xuất lậu như động vật hoang dã, đồng, dầu Diezen, quặng Măng gan, quặng sắt, ngoại tệ... tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu. Đáng chú ý là tình trạng nhập lậu gia cầm giống, hoa quả tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu; hoạt động xuất lậu quặng Măng gan tại Cao Bằng. Các chủ "đầu nậu" dùng thủ đoạn xé lẻ hàng hóa, lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn lối tắt qua lại, thuê người vận chuyển vào ban đêm, tập kết hàng vào các nhà dân, chợ, bến xe ở các xã, phường sát biên giới hoặc gần đường quốc lộ. Thậm chí các chủ hàng lậu còn khoán gọn cho người làm thuê, người vận chuyển, gắn trách nhiệm của họ bằng cách đặt cọc số tiền tương ứng với trị giá số hàng vận chuyển. Đây là một hành vi rất xảo quyệt của các chủ "đầu nậu", bởi một khi bị bắt, những người vận chuyển hàng lậu sẽ chống trả lại lực lượng quản lý rất quyết liệt. Sau khi hàng đã "tuồn" qua biên giới, các chủ hàng sử dụng các phương tiện như ô tô, mô tô phân khối lớn đưa vào nội địa tiêu thụ. Tuyến Việt - Lào nổi lên là hoạt động vận chuyển trái phép gỗ trắc từ Lào về Việt Nam, xuất lậu thuốc lá và xăng dầu sang Lào, chủ yếu qua cửa khẩu Cầu Treo
(Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị). Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: Hàng xuất lậu sang Campuchia chủ yếu là xăng dầu, hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, đường Thái Lan, thuốc tân dược, mỹ phẩm... trọng điểm là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông, Gia Lai.
Trên tuyến biển nổi lên là hoạt động buôn lậu than, gia cầm, pháo Trung Quốc, sắt, thép, quặng, chì, gạch men, đồ điện tử đã qua sử dụng, đồ uống các loại, thuốc lá, rượu ngoại, xăng, dầu DO... với các địa bàn trọng điểm là vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang. Các đối tượng vận chuyển hàng lậu trên biển thường hoạt động về đêm, sử dụng tàu công suất lớn hoặc các tàu đánh cá vượt tuyến sang Trung Quốc mua hàng lậu, sau đó sang mạn vận chuyển vào đất liền để tiêu thụ, khi phát hiện bị đuổi bắt các đối tượng sẵn sàng vứt hàng xuống biển để phi tang. Nếu bị kiểm tra gắt gao ở tuyến biển thì bọn buôn lậu lại di chuyển sang các tỉnh tuyến biên giới đường bộ. Hoạt động xuất lậu than tại địa bàn tuyến biển tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng tiếp tục diễn biến phức tạp, các chủ "đầu nậu" than tổ chức khai thác than trái phép từ các "lò thổ phỉ" hoặc thu gom than từ các nguồn trôi nổi không có nguồn gốc, mua hóa đơn để hợp thức để xuất lậu đi Trung Quốc.
Phương thức, thủ đoạn của hành vi buôn lậu ngày càng tinh vi và sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Thậm chí, các đối tượng được trang bị máy thông tin liên lạc để theo dõi lực lượng chức năng và điều hành buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Điều này gây khó khăn và là một thách thức rất lớn đối với lực lượng kiểm tra, kiểm soát!
Trước thực trạng trên, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện, nhất là các địa bàn phức tạp về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào
Cai, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, An Giang, Tây Ninh; chủ động xác lập các chuyên án, vụ án nhằm phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức buôn lậu có quy mô lớn, xuyên quốc gia như chuyên án đấu tranh chống buôn lậu đường ở An Giang, chống buôn lậu thuốc lá ngoại, than, quặng, gia cầm tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Kiên Giang...
Bộ tư lệnh cũng xác định, thời gian tới, hoạt động buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý. Buôn lậu với quy mô, số lượng lớn sẽ tập trung chủ yếu ở vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Kiên Giang; hàng hóa xuất lậu sẽ là các loại có giá trị cao như xăng dầu và các loại khoáng sản... Tuyến biên giới đất liền các chủ "đầu nậu" sẽ tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận lớn như đường Thái Lan; thuốc lá, rượu và đồ uống ngoại; gỗ, khoáng sản, động thực vật quý hiếm... Ngoài ra, hoạt động vận chuyển trái phép tiền giả, tiền mặt, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới cũng sẽ diễn ra phức tạp. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nâng cao chất lượng nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đúng pháp luật các vụ việc xảy ra; kết hợp hoạt động thường xuyên với mở các đợt cao điểm triệt phá các đường dây, tổ chức buôn lậu xuyên quốc gia; đánh trúng bọn chủ mưu, cầm đầu, không để hình thành các điểm nóng ở khu vực biên giới. Phối hợp tốt với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực biên giới.
Năm 2008, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 2.281
2007), trong đó khởi tố hình sự 31 vụ/175 đối tượng, xử phạt VPHC 776 vụ/1.105 đối tượng, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý 1.499 vụ/1.076 đối tượng. Hàng hóa thu giữ gồm: 8.350 kg pháo các loại; 87.933 lít xăng, dầu các loại; 538.820 kg quặng các loại; 94 chai rượu ngoại; gần 93.000 kg gà thịt; 88.410 bao thuốc lá ngoại; 107.532 kg đường; 900 kg lá thuốc lá; 69 m3 gỗ; 75 kg động vật hoang giã; 380 thùng sữa trẻ em; 600 thùng bia; 9.023 tấn xỉ than; 106.488,995 tấn than; 280 mũ bảo hiểm; 720 nồi cơm điện các loại… Tổng trị giá hàng hóa tịch thu, bán sung quỹ nhà nước gần 70 tỷ đồng. Chủ yếu tại các địa bàn: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho thấy, riêng năm 2007, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 130.787 vụ vi phạm pháp luật (tăng 6,42% so với năm 2006). Theo đó, tổng giá trị hàng hóa vi phạm, xử phạt và truy thu thuế là trên 1.280 tỷ đồng (tăng 136,7% so với năm 2006). Trong đó, xử phạt hành chính là 196,286 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 1.42 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 42,09 tỷ đồng.