7. Kết cấu của luận văn
2.2. Chất lượng thông tin trên báo điện tử ở Việt Nam hiện nay
2.2.1. Cách thức khai thác thông tin của các báo điện tử
Như chúng ta đã biết, để cho ra đời một ấn phẩm báo chí dưới bất cứ hình thức nào, điều quan trọng nhất là phải có thông tin. Với đặc điểm riêng của báo điện tử đó là không có giới hạn về dung lượng thông tin, thời lượng và hơn nữa là với thế mạnh về cập nhật thông tin liên tục để đáp ứng nhu cầu của độc giả nên báo điện tử đòi hỏi một lượng thông tin vô cùng lớn. Qua khảo sát trên các báo, số lượng thông tin được cập nhật lên mạng của các tờ báo khác nhau, song trung bình mỗi ngày các tờ báo này cập nhật từ 100 đến 200 tin, bài/ngày. Với lượng thông tin lớn như vậy đòi hỏi các tờ báo này phải đặc biệt chú trọng đến cách thức khai thác nguồn tin để tạo ra bản sắc riêng cho tờ báo của mình.
Cùng với đội ngũ phóng viên trực tiếp viết tin, bài những tờ báo điện tử này còn có hàng trăm cộng tác viên ở khắp mọi nơi trên cả nước, những cộng tác viên có tên tuổi để khai thác tối đa nguồn thông tin nhằm nâng cao vị thế của tờ báo mình.
Như vậy,xét về tổng thể cách thức khai thác thông tin của các tờ báo điện tử trên đều gần như giống nhau, phóng viên tự khai thác thông tin và
xử lý thông tin theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Có thể nói với cách thức khai thác này, các toà soạn có thể khai thác được những nguồn tin chuyên sâu, đầy đủ, kịp thời đăng tải trên mạng và trở
thành tin độc của toàn soạn. Với những thông tin độc của toàn soạn, đầu tin,
bài bao giờ phóng viên cũng viết “theo nguồn tin riêng của toà soạn...”
chính những thông tin độc được cập nhật liên tục và đầy đủ đã tạo nên uy tín
của tờ báo, đưa tờ báo đến gần với độc giả hơn.
Lấy ví dụ về sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra ngày 26/9/2007, Hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn đây là một trong 10 thảm hoạ lớn của thế giới năm 2007. Tờ VnExpress là một trong những tờ báo đầu tiên đã ngay lập tức cập nhật thông tin này đến với bạn đọc, tiếp theo đó hàng loạt những diễn biến xung quanh sự cố này cũng được cập nhật liên tục, trong khi báo in phải đợi đến khi ra báo, truyền hình phải đợi đến giờ phát sóng thì những thông tin dồn dập tại hiện trường sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được phóng viên các báo điện tử khai thác tối đa và cập nhật thường xuyên.
Có thể nói, khi sự kiện xảy ra các báo giấy đều phải chờ đến hôm sau mới có thể đưa đến thông tin cho bạn đọc, còn đối với các báo điện tử bằng mọi cách nhanh nhất cập nhật thông tin, cuộc chạy đua thông tin, đặc biệt là những thông tin nóng hổi là một trong những điều tất yếu của các báo điện tử để nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả.
Trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, hàng nghìn tin, bài xung quanh sự kiện nay đã được các báo khai thác và đưa lên mạng. Để tạo ra sự phong phú trong thông tin, các báo cũng khai thác thông tin của báo bạn nhằm đưa đến cho độc giả cái nhìn sâu và toàn diện hơn. Đôi khi, nhiều báo điện tử, do không thể có tin, bài ngay lập tức cũng khai thác tin, bài của báo khác để cung cấp cho độc giả báo mình.
Ngay sau khi sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra lúc 7h45 phút đến 9h 38 phút thông tin đầu tiên về vụ việc đã được báo VNExpress cập nhật.
Sập cầu Cần Thơ, hàng chục người thiệt mạng
(Thứ tư, 26/9/2007, 09:38)
(VNExpress)- Khoảng 8 sáng nay, cầu dây văng bắc qua sông Hậu, đang thi công bỗng nhiên bị sập 2 nhịp phía đầu Vĩnh Long. Hàng chục công nhân và kỹ sư đang làm việc bị vùi trong đống đổ nát. Theo thông tin ban đầu, khoảng 20 thi thể đã được kéo ra.
Một cán bộ đội thi công ở nhịp cầu giữa sông kể lại: "Sáng nay, khi đội của chúng tôi đang làm việc bỗng một tiếng ầm rất lớn vang lên phía công trình đầu cầu. Cả một vùng trời bụi mịt mù kèm theo tiếng la hét của công nhân. Cảnh tượng thật hãi hùng, các khối bê tông khổng lồ đổ xuống đè lên nhóm người phía dưới. Nhiều người chới với bám vào các thanh giằng".
Theo người cán bộ này, đoạn dầm cầu bị sập bắc qua trụ 13, 14, 15 dài 87 m, rộng 24 m, vừa được đổ bê tông ngày hôm qua. Lúc xảy ra sự cố có khoảng 120 công nhân đang làm việc trên đoạn dầm và khoảng 100 công nhân làm việc ở phía dưới. Khi dàn giáo bị sập tất cả công nhân ở phía trên đã bị kéo tuột xuống.
Giám đốc Sở Giao thông công chính Cần Thơ Lê Tấn Học cho biết, thời điểm sự cố xảy ra có khoảng 250-260 công nhân và kỹ sư của liên doanh 3 nhà thầu Nhật Taisei - Kazima - Nipponsteel đang làm việc tại hiện trường.
Nguyên nhân ban đầu được công an tỉnh xác định do hệ thống dàn giáo cao 30 m đỡ đoạn dầm cầu trên bị yếu nên sập, kéo theo dàn bê tông.
Một số nhân chứng cho biết, sau 2 tiếng xảy ra sự cố vẫn còn vài chục công nhân bị kẹt trong các khối bê tông. Gần 100 người đã đưa đi cấp cứu ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Hầu hết bị chấn thương đầu, gãy tay, chân. Nạn nhân bị thương được đưa tới bệnh viện bằng canô hoặc thuyền.
Hoạt động cứu hộ đang được khẩn trương thực hiện. Hầu hết các ban ngành đã được huy động. Các bác sĩ cấp cứu nạn nhân tại chỗ. Hàng trăm nhân viên công ty cổ phần Dược Hậu Giang tham gia hiến máu để ứng cứu nạn nhân. Lực lượng công an và bộ đội phong tỏa khu vực xảy ra tai nạn.
Theo ông Hưng, Đội trưởng Đội xử lý Phòng cảnh sát giao thông đường thủy TP Cần Thơ, công tác cứu nạn hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các biện pháp cứu hộ chỉ thực hiện được từ xa (dùng cần cẩu cẩu bê tông, sắt thép cứu người bị kẹt), do khu vực xung quanh nhiều nhịp cầu có nguy cơ sập tiếp, nên không dám điều thêm nhân lực vào trong cứu trợ. Đất ở khu vực đầu cầu vẫn đang tiếp tục bị lở.
Xã Mỹ Hòa, nơi xảy ra dầm cầu sập và cũng là nơi có nhiều công nhân tham gia công trình này chìm trong không khí tang tóc. Hàng nghìn người tập trung ở chân cầu nghe ngóng thông tin về người thân. Ông Nguyễn Minh Tâm, nhà gần chân cầu đau đớn cho biết, 3 người thân của gia đình ông đã chết tại trụ cầu sáng nay.
Toàn tuyến cầu Cần Thơ dài 16 km. Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km, trong đó nhịp chính dài nhất là 550 m, được khởi công vào tháng 9/2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2008. Đây được xem là cầu dài nhất, hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư là 4.832 tỷ đồng. Toàn bộ là vốn ODA của Nhật, giải ngân thông qua Ngân hàng hợp tác Nhật Bản. Ngay trong ngày khởi công cầu Cần Thơ, cũng đã có 1 công nhân bị thiệt mạng vì sắt đè.
Nhóm phóng viên
*Có thể gửi ảnh, clip hoặc chứng kiến của bạn về vụ tai nạn tại đây.
Tiếp sau đó, hàng loạt những tin, bài về vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ như số lượng người tử nạn, nguyên nhân xảy ra sự cố, trách nhiệm của các đơn vị liên quan…. được cập nhật liên tục đưa đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về vụ việc.
- Trong cuộc chạy đua thông tin, để kịp thời đem đến cho độc giả những thông tin mới nhất về sự kiện, các báo điện tử cùng với những tin, bài do phóng viên viết, cũng khai thác triệt để thông tin từ các mạng khác để làm phong phú thêm thông tin hoặc lấy tin của cộng tác viên.
Ví dụ cụ thể, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã khai thác thông tin của tờ báo khác để phục vụ cho độc giả của mình.
Từ ngày 15-10, vào www.vetau.com.vn đặt chỗ vé tàu tết
Ngày 8/10/2008. Cập nhật lúc 10h 15'
Trao đổi với phóng viên báo chí sáng 7-10, ông Đinh Văn Sang, Phó
tổng giám đốc công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn (VTHKĐSSG) cho biết, công ty VtHKĐSSG vừa chính thức thông qua kế hoạch bán vé tàu Tết Kỷ Sửu 2009.
So với dịp Tết năm ngoái, năm nay thời điểm và phương án tổ chức bán vé có nhiều thay đổi. Cụ thể, năm nay Công ty sẽ đưa số chỗ đi tàu lên mạng Internet trước 60 ngày so với ngày khởi hành để hành khách có thời gian đặt chỗ mua vé.
Như vậy, nếu hành khách đi tàu rơi vào 10 ngày cao điểm Tết (từ 15-1 đến 25-1-2009 tức từ 20 đến 30 tháng chạp) thì thời gian đặt chỗ đi tàu là từ ngày 15-11. Ngày 15-10 website www.vetau.com.vn đặt chỗ vé tàu sẽ khởi động và từ ngày này hành khách có thể vào website này để đặt chỗ.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có quy định cụ thể về thời gian tăng và giảm giá vé tàu thời điểm trước, trong và sau Tết Kỷ Sửu. Trong đó, mức tăng cao nhất là 25% và giảm nhiều nhất là 50%. Cũng theo quy định của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, khác với Tết năm ngoái, hành khách trả vé tàu trong dịp Tết Kỷ Sửu sẽ bị khấu trừ 30% tiền vé và phải trả vé trước giờ tàu chạy ít nhất 10 giờ đồng hồ. Trường hợp, hành khách có lý do đặc biệt thì giao Trưởng ga Sài Gòn giải quyết và mức khấu trừ là 10%.
Từ 22 đến 28 tháng chạp âm lịch tăng 25% giá vé tàu chiều chẵn Giai đoạn trước Tết:
- Từ 11-1 đến hết 16-1-2009 (16 đến hết 21 tháng chạp): tăng 10% giá vé chiều chẵn
- Từ 17-1 đến hết 23-1-2009 (22 đến 28 tháng chạp): tăng 25% giá vé chiều chẵn
- Từ 11-1 đến hết 23-1-2009 (16 đến hết ngày 28 tháng chạp): giảm 10% giá vé đối với chiều lẻ (riêng các tàu tăng cường giảm đến 50%) .
Giai đoạn trong Tết:
- Từ 24-1 đến hết 28-1-2009 (29 tháng chạp đến hết mùng 3 Tết): không thay đổi giá vé
Giai đoạn sau Tết:
- Từ ngày 29-1 đến hết 6-2-2009 (mùng 4 Tết đến hết 12 tháng giêng): tăng 25 % giá vé chiều lẻ
- Từ 7-2 đến hết 16-2-2009 (13 tháng giêng đến hết 22 tháng giêng): tăng 10% giá vé chiều lẻ
- Từ 29-1 đến hết 26-2-2009 (mùng 4 tết đến hết 22 tháng giêng): giảm 10% giá vé chiều chẵn (riêng các tàu tăng cường giảm 30%).
Ngoài ra, không áp dụng giảm giá vé đối với hành khách mua vé tàu tập thể đi tàu vào dịp cao điểm từ 17-1 đến hết ngày 23-1-2009 (đối với tàu số chẵn) và từ ngày 29-1 đến hết ngày 6-2-2009 (đối với tàu số lẻ).
(giá vé chuẩn để điều chỉnh tăng, giảm là giá vé áp dụng đến ngày 16- 12-2008).
- Một cách thức khai thác thông tin khác đó là các báo điện tử khai thác của các mạng nước ngoài, sau đó biên dịch và biên tập lại để đăng tải.
125 người chết vì giẫm đạp ở Ấn Độ
Thứ ba, 30/9/2008, 12:27 GMT+7
(VNExpress) Sáng nay, 125 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương khi chen lấn tại một ngôi đền đạo Hindu ở thành phố Jodhpur, miền bắc Ấn Độ.
Khoảng 25.000 người hành hương đã đổ về ngôi đền mang tên Chamunda Devi ở thành phố lịch sử thuộc bang Rajasthan, khi lễ hội lớn của đạo Hindu mở màn sớm nay. Bức tường trên con đường dẫn đến ngôi đền bị sập khiến đám đông bắt đầu hỗn loạn và dẫm đạp lên nhau, dẫn đến thảm kịch.
Đài truyền hình địa phương chiếu hình ảnh những người tình nguyện khiêng xác của các nạn nhân ra xe cảnh sát. Một số người tìm cách sơ cứu cho những nạn nhân bị thương ngay bên lề đường.
Một sinh viên tên là Manish cho biết: "Tôi hẹn bạn đến đây cầu nguyện nhưng đến muộn. Khi đến nơi, tôi thấy cảnh hỗn loạn. Người ta xô đẩy nhau. Mãi sau tôi mới tìm thấy bạn mình, cậu ấy bất tỉnh nhưng không bị thương nghiêm trọng".
Manish cho biết con đường dẫn lên đền rất hẹp và quá nhiều người tìm cách leo lên cùng lúc bởi buổi lễ sắp bắt đầu.
Bên ngoài bệnh viện, người dân địa phương chen vai rà soát danh sách các nạn nhân để tìm người thân. Các bác sĩ hối hả cấp cứu cho số người được đưa vào mỗi lúc một đông.
Tình trạng xô đẩy khiến nhiều người chết tại các ngôi đền xảy ra khá phổ biến ở Ấn Độ, nời thường có hàng nghìn người tập trung ở những khu vực linh thiêng và có diện tích nhỏ. Hồi tháng 8 vừa qua, một vụ chen lấn tương tự xảy ra ở phía bắc nước này đã làm 145 người thiệt mạng.
Trong tin này, VNExpress đã sử dụng hai nguồn tin chính là AP và Reuters. Tuy nhiên, để mở rộng thông tin, cung cấp cho người đọc cái tin sâu
hơn về sự kiện, VNExpress đã có một phóng sự ảnh phản ánh toàn cảnh sự
việc được khai thác từ AP và Reuters.
- Với các báo điện tử, việc tổng hợp tin bài diễn ra khá phổ biến, đó là các phóng viên trên cơ sở hàng loạt tin, bài về sự kiện, vấn đề nào đó, tổng hợp lại thành tin, bài của báo mình và đăng tải. Đây cũng là một trong những cách khai thác tin, bài thường gặp ở các báo điện tử.
Lấy ví dụ về tin khắc phục hậu quả mưa lũ đăng tải ngày 1/1/2008 trên mạng của báo Hà nội mới điện tử
Khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung: Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm
01/10/2008 07:41
Sáng 30-9, chỉ đạo công tác đối phó với bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh khẩn trương sơ tán dân những vùng thấp ven biển, cửa sông và nơi có nguy cơ xảy ra mưa lũ lớn.
Ban chỉ đạo và các địa phương liên quan cần đặc biệt chú ý vấn đề mưa sau bão và nước dâng tại các hồ chứa, sông suối. “Trường hợp bão đi qua và ngớt mưa cũng không được chủ quan, vì khả năng mưa thượng nguồn từ phía Lào đổ xuống sẽ kèm lũ”. Các tỉnh tập trung sơ tán dân ở các vùng ngập lũ và vùng có nguy cơ bị nước chia cắt.
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các lực lượng và địa phương nhanh chóng cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền trên biển. Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng thông báo cho chủ phương tiện tàu thuyền trên biển biết tin về một cơn bão mới đang hoạt động ở Philíppin có khả năng vào Biển Đông để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm
túc công điện số 1627 CĐ/TTg ngày 29-9 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, trên các tuyến ven biển có 31 tàu hải quân, 28 tàu biên phòng cùng 9 máy bay trực thăng thường trực 24/24h, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Ninh Bình đến Khánh Hòa, 3 hải đoàn 18, 38, 48 phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển phòng tránh bão số 7; điều động 2.350 cán bộ chiến sĩ, 170 tàu, xuồng, ô tô các loại thường trực, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa bão
Tại Quảng Bình: Tính đến 16h chiều 30-9, toàn tỉnh có 6 người chết, 1 người mất tích, 15 tàu bị chìm, gần 4.000 ngôi nhà bị tốc mái, 1.105 héc-ta lúa màu bị xói trôi, dập nát; 1.306 héc-ta cây công nghiệp bị gãy đổ; hơn 100 héc-ta rừng phòng hộ bị bão quật gãy; 210 héc-ta nuôi trồng thủy sản bị ngập