Quan niệm về yêu nước và phẩm chất yêu nước

Một phần của tài liệu TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC (Trang 61 - 62)

I. PHẨM CHẤT YÊU NƯỚC

1. Quan niệm về yêu nước và phẩm chất yêu nước

1.1. Yêu nước và phẩm chất yêu nước

Yêu nước là tình cảm và tư tưởng phổ biến, vốn có của tất cả dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, sự hình thành chủ nghĩa yêu nước sớm hay muộn, mức độ đậm nhạt, nội dung và hình thức biểu hiện cũng như chiều hướng phát triển, có sự khác nhau, điều đó thường tùy thuộc vào từng dân tộc và trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Phẩm chất yêu nước là cơ sở, nền tảng hình thành chủ nghĩa yêu nước, là phạm trù có tính chất đánh giá mang tính đạo đức đối với chủ thể (cá nhân, cộng đồng) trước nghĩa vụ, trách nhiệm đất nước đặt ra.

Trong tư duy, tình cảm của người Việt Nam, khái niệm “yêu nước” có liên quan đến khái niệm “đất” và “nước”. Tư duy “nước” đi vào tâm thức người Việt Nam một cách tự nhiên (Trần Quốc Vượng). Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng khác với nhiều dân tộc khác, “nước” là khái niệm thuần túy của người Việt có từ xa xưa, xuất phát từ địa lý tự nhiên vùng sông nước và từ điều kiện canh tác đặc thù của trồng lúa nước. Cùng với từ “đất”, từ “nước” và “đất nước” dần dần được dùng với nghĩa bóng quan trọng hơn, là để chỉ vùng đất, khu vực thuộc về một cộng đồng sinh sống, cư trú, làm chủ. Đất nước, hay Tổ quốc, Quốc gia… đều mang hàm nghĩa chung như vậy.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa “nước” và “nhà” trong khái niệm “quốc gia” còn tùy thuộc vào truyền thống mỗi dân tộc (văn hóa Trung Hoa truyền thống đề cao gia đình, dòng họ, thậm chí “gia” nhiều khi cao hơn “quốc”). “Nước” hay “Đất nước” là cách gọi thuần Việt, mang tính cộng cảm, nằm trong cơ tầng sâu sắc của văn hóa Việt Nam, thăng hoa trong tâm thức thành “Tổ quốc”; còn “Quốc gia” (Nhà nước) là cách gọi theo từ Hán Việt-mang ý nghĩa như một khái niệm chính trị nhiều hơn.

Phẩm chất yêu nước trong quan niệm của người Việt được hình thành trên cơ sở nhận thức những mối quan hệ mật thiết:

- Về phương điện thiên nhiên, địa lý: nước chỉ non sông, giang sơn gấm vóc, chỉ lãnh thổ với biên giới, cương vực rạch ròi, chỉ đất nước.

- Nước chỉ cộng đồng người: những tộc người sống trên đó và quan hệ giữa họ với nhau, chỉ dân tộc và sự đoàn kết giữa các dân tộc. Dân tộc, nhân dân, hay

đồng bào (như người Việt Nam quan niệm), là những con người nắm chủ quyền trên lãnh thổ của mình.

- Từ con người - hình thành nên gia đình, xã hội với thiết chế chính trị, kinh tế, bởi vậy, nước còn bao gồm cả làng xã, quê hương, quốc gia, tổ quốc, các tầng lớp, giai cấp với những chế độ chính trị xã hội nhất định trong từng thời kỳ lịch sử.

- Nước còn bao gồm cả những phong tục, tập quán, ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử … đó chính là văn hóa1.

1.2. Nội dung phẩm chất yêu nước

Xuất phát từ quan niệm đất nước, tổ quốc trong phẩm chất yêu nước Việt Nam bao gồm tổng hòa của những yếu tố: đất nước, dân tộc, con người, nhân dân, đồng bào, quê hương, tổ quốc, văn hóa (ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lịch sử truyền thống)…, nên yêu nước tức là yêu tất cả những cái nói trên trong một thể thống nhất.

- Phẩm chất yêu nước xuất phát và gắn với ý thức cộng đồng. Ý thức cộng đồng của người Việt Nam được hình thành khá sớm do điều kiện phải đoàn kết để chống thiên tai và địch họa (tổng cộng người Việt Nam có hơn 12 thế kỷ chống giặc ngoại xâm). Ý thức cộng đồng dần dần được này nở trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái những người có công với đất nước (chống giặc ngoại xâm, truyền nghề); được vun đắp thành giá trị thần trong huyền sử cội nguồn

Con Rồng cháu Tiên. Yêu nước gắn liền với thương nòi, là biểu hiện của tình cảm yêu thương của những con người cùng chung một cội.

- Phẩm chất yêu nước có nội dung cụ thể: yêu quê hương, đất nước, tổ quốc mình; yêu con người, dân tộc, nhân dân, đồng bào mình; yêu thuần phong, mỹ tục cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Yêu nước ở Việt Nam gắn liền với thương nòi. Yêu nước vừa là cảm tính vừa là lý tính. Yêu nước là tình cảm về quê hương, đất nước, đồng bào mình, tình cảm đó xuất phát từ sự hiểu biết của lý trí. Yêu nước không chỉ thể hiện ở tình cảm, mà còn bằng hành động (có khi hy sinh cả tính mạng) để bảo vệ đất nước, bảo giống nòi, phát huy, phát triển tình yêu nước lên một tầm cao mới, bảo vệ độc lập dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Phẩm chất yêu nước của người phụ nữ Việt Nam hiện đại là kết quả của quá trình kế thừa và phát huy, sáng tạo các giá trị yêu nước trong những điều kiện lịch sử mới.

Một phần của tài liệu TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC (Trang 61 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w