VI. Ý THỨC PHÁP LUẬT
1. Quan niệm về ý thức pháp luật và ý nghĩa của việc nâng cao ý thức pháp luật
1. Quan niệm về ý thức pháp luật và ý nghĩa của việc nâng cao ý thứcpháp luật pháp luật
1.1. Quan niệm về pháp luật, ý thức pháp luật
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, là công cụ quản lý xã hội và bảo vệ các trật tự xã hội theo ý chí của Nhà nước, được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Pháp
luật là một dạng quy phạm xã hội bên cạnh những quy phạm đạo đức, tôn giáo, quy phạm của các thiết chế, tổ chức, cộng đồng... để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhưng pháp luật do Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Người vi phạm pháp luật có thể phải gánh chịu những dạng trách nhiệm pháp lý nhất định như trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, dân sự và nghiêm khắc nhất là trách nhiệm hình sự.
Về vai trò của pháp luật, pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý Nhà nước và xã hội, bảo vệ trật tự an toàn và sự phát triển lành mạnh của xã hội. Điều 12 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Pháp luật là phương tiện thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước, của giai cấp nắm giữ quyền lực nhà nước. Đồng thời, pháp luật cũng đặt ra những giới hạn đối với chính Nhà nước, đối với giai cấp, đảng phái nắm giữ quyền lực Nhà nước, pháp luật quy định trách nhiệm của nhà nước đối với xã hội và công dân. Với mỗi công dân, pháp luật là phương tiện ghi nhận và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân và bảo đảm về mặt pháp lý cho các quyền đó được thực hiện trên thực tế. Pháp luật cũng là phương tiện để mỗi công dân thực hiện các quyền tự do cá nhân của bản thân, yêu cầu nhà nước phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, chỗ ở, tài sản... khi các quyền đó bị những tập thể, cá nhân khác xâm phạm.
Tuy nhiên, từ pháp luật với tư cách là các quy phạm, các văn bản pháp luật đến pháp luật được thực hiện trên thực tế là một khoảng cách. Việc pháp luật quy định một khuôn mẫu xử sự nhất định nhưng thực tế có thực hiện theo đúng khuôn mẫu đó hay không (thậm chí thực hiện một cách trái ngược với khuôn mẫu đó) luôn là vấn đề đặt ra và cần phải lường tính đối với bất cứ nhà nước nào, bất kỳ nhà làm luật nào trước khi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khoảng cách trên: sự không tương thích giữa pháp luật với thực tế, sự chồng chéo giữa các quy định trong hệ thống pháp luật, sự hạn chế về kỹ thuật lập pháp... nhưng không thể không kể tới một nguyên nhân rất quan trọng: nguyên nhân về ý thức pháp luật của chủ thể thực hiện pháp luật. Thái độ đúng đối với pháp luật chỉ có thể được hình thành trên cơ sở ý thức pháp luật đúng, ý thức pháp luật có vai trò quan trọng trong việc tuân thủ pháp luật. Và do đó, giáo dục pháp luật chính là giáo dục ý thức pháp luật cho các đối tượng thụ hưởng hoạt động này.
1.2. Ý nghĩa của việc nâng cao ý thức pháp luật
Trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, người phụ nữ Việt Nam có vị thế quan trọng đặc biệt, họ là lực lượng lao động cơ bản chiếm một phần hai dân số ở độ tuổi lao động. Trong một số ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ chiếm tỷ lệ áp đảo so với nam giới. Bên cạnh sự đóng góp trực tiếp cho nền sản xuất xã hội, phụ nữ còn phải thực hiện các thiên chức, các trách nhiệm gia đình, từ trách nhiệm mang tính tự nhiên là sinh nở và nuôi dưỡng con cái đến trách nhiệm xã hội là giáo dục con cái, giáo dục nhân cách cho con cái trở thành những thế hệ kế cận tham gia vào quá trình CNH, HĐH đất nước. Do đó, việc
giáo dục, bồi dưỡng ý thức pháp luật cho phụ nữ không chỉ giúp cho họ tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong gia đình và xã hội, không chỉ giúp cho họ hòa nhập tốt vào các quan hệ xã hội mà còn giúp cho họ chủ động đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, mà còn giúp cho họ nuôi dạy con cái thành những công dân của một xã hội công nghiệp, hiện đại, sống và làm việc theo pháp luật.
Việc giáo dục ý thức pháp luật cho phụ nữ, đặt tiêu chuẩn về ý thức pháp luật của người phụ nữ như một trong những nội dung phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn CNH,HĐH đất nước có mục tiêu là hình thành ở người phụ nữ những tri thức pháp luật, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành và có khả năng sử dụng pháp luật để tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, để chủ động tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Như vậy, giáo dục ý thức pháp luật cho phụ nữ nhằm hình thành:
• Cấp độ thứ nhất, hình thành hệ thống tri thức pháp luật cho phụ nữ;
• Cấp độ thứ hai, hình thành lòng tin vào pháp luật;
• Cấp độ thứ ba, hình thành động cơ, thói quen xử sự theo pháp luật, thái độ không khoan nhượng đối với các vi phạm pháp luật; hình thành hành vi pháp luật tích cực.
Trong các mục đích giáo dục pháp luật như trên, mục đích nào cũng quan trọng, thói quen xử sự theo pháp luật và hành vi pháp luật tích cực là kết quả cuối cùng mà quá trình giáo dục pháp luật hướng tới. Tuy nhiên, việc trang bị hệ thống tri thức pháp luật chính là xây dựng nền tảng nhận thức, tạo nên cơ sở hình thành lòng tin, động cơ và hành vi pháp luật tích cực. Thói quen xử sự theo pháp luật và hành vi pháp luật tích cực là kết quả cuối cùng mà quá trình giáo dục pháp luật hướng tới.
Như vậy, công tác giáo dục ý thức pháp luật cho phụ nữ cần hình thành các cấp độ ý thức pháp luật như trên mà không chỉ dừng lại ở việc trang bị một khối lượng kiến thức pháp luật. Quá trình hình thành thói quen xử sự theo pháp luật và hành vi pháp luật tích cực ở phụ nữ là một quá trình lâu dài, vừa do sự tự ý thức bên trong của mỗi người, từ giá trị thực tế và nhu cầu sử dụng pháp luật của mỗi người, nhưng cũng đồng thời là sản phẩm của quá trình giáo dục, tuyên truyền pháp luật và bồi dưỡng ý thức pháp luật từ bên ngoài một cách lâu dài, bền bỉ với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.