6. Cấu trúc luận văn
3.1. Tạo tình huống
Tình huống truyện là sự kiện có khả năng chi phối, sắp xếp các chi tiết khác của câu chuyện, là “cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất” [41, 64].
Tình huống truyện còn được hiểu là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật với môi trường sống, giữa nhân vật với hoàn cảnh và môi trường sống, qua đó nhân vật bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách hoặc thân phận của nó, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng tác phẩm.
Cuộc sống có vô vàn các tình huống, khi nhà văn lựa chọn một tình huống nào đó để đưa vào tác phẩm thì tình huống của đời sống trở thành tình huống nghệ thuật. Đối với các tác phẩm tự sự, tình huống trở thành một yếu tố không thể nào thiếu. Với người sáng tác truyện ngắn thì tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng. Nguyên Ngọc khi bàn về truyện ngắn đã hết sức lưu ý đến vấn đề tình huống. Tác giả cho rằng : “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ
thuật của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt. Trên cơ thể con người cũng như trên cơ thể cuộc đời, có những điểm huyệt nào đó làm rung động tất cả. Truyện ngắn nhằm vào đó, truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày. Nhìn chung, mỗi truyện ngắn bao giờ cũng được xây dựng trên một tình huống, khai thác tình huống ấy” [37, 62].
Sáng tạo tình huống truyện là một trong những vấn đề then chốt của truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn thường chứa đựng một tình huống, tài năng của nhà văn được thể hiện ở khả năng sáng tạo và xử lý tình huống đó. Mỗi nhà văn viết truyện đều ý thức rõ vai trò của tình huống. Tình huống là thời khắc tiêu biểu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Nhà văn cần đến sự nhạy cảm tinh tế để phát hiện trong vô vàn các tình thế của đời sống một thời khắc tiêu biểu để đưa vào tác phẩm văn học. Ở đó cuộc sống hiện lên sáng rõ nhất, tính cách nhân vật bộc lộ sắc nét nhất, ý đồ sáng tạo của nhà văn được chuyển tải thành công nhất. Đó cũng là mấu chốt cơ bản quyết định diễn tiến của câu chuyện.
Trước năm 1975, tình huống truyện thường xoay quanh cuộc giao tranh căng thẳng giữa cái chung và cái riêng, giữa sự sống và cái chết qua đó phẩm chất anh hùng của nhân vật được bộc lộ. Cách tạo dựng tình huống như vậy rất phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, khi mà cuộc sống của con người Việt Nam luôn đặt trong tương quan với sự tồn vong của dân tộc.
Sau chiến tranh các nhà văn có điều kiện suy ngẫm về hiện thực và số phận con người. Con người đời thường phải đối mặt với vô vàn những tình thế phức tạp bất ngờ. Người sáng tác trải qua không ít những trăn trở, băn khoăn khi tiếp cận và phản ánh hiện thực đời sống. Bởi vậy, các tình huống trong truyện ngắn thời kì này phong phú và cũng biến hóa đa dạng hơn.
Đối với các tác giả truyện ngắn sau 1986, tạo tình huống cũng là một tiêu chí đánh giá thành công của tác phẩm. Trong truyện ngắn thời kì này, có khi nhà văn chú ý khai thác những diễn biến trong đời sống tâm lý nhân vật để tạo nên những tình huống giản đơn nhưng giàu ý nghĩa, có khi tác giả lại lựa chọn những xung đột, va chạm trong đời sống để xây dựng những tình huống phức tạp, gay cấn, hoặc nhà văn chú ý đến sự tương phản giữa hoàn cảnh và tính cách, sự đối lập những giá trị thực - giả để tạo những tình huống truyện độc đáo. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét về truyện ngắn thời kỳ này : “Sự bất ngờ ở mỗi thiên truyện ngắn là yêu cầu của thể loại cổ điển vô cùng khắc nghiệt này. Nó là một thứ chướng ngại cho các tài năng vượt qua. Đoản thiên tiểu thuyết có khả năng bộc lộ sự bất tài của mỗi cây bút. Nó quật ngã nhiều cây bút một cách không thương tiếc. Truyện ngắn không phải là trò chơi của những nghệ nhân khéo tay mà là
sân chơi sang trọng của những người nghệ sĩ đích thực” [37, 63].
Trong số những nhà văn của thời kỳ đổi mới văn học, Bão Vũ là một cây bút thành công trong sáng tạo tình huống. Nhờ việc tìm tòi và sáng tạo tình huống, ông đã khẳng định được phong cách riêng của mình ở thể loại truyện ngắn. Ông biết tạo dựng được các chướng ngại đầy khó khăn và chông gai theo một cách riêng, rất Bão Vũ : nhẹ nhàng, lịch lãm và không bị sa vào cái bẫy của thể loại này, đó là sự nhạt nhẽo, vô vị.
Trong truyện ngắn Bão Vũ, người đọc nhận thấy tác giả thường chú ý xây dựng tình huống truyện là cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật. Thông qua gặp gỡ, câu chuyện xảy ra và các nhân vật thể hiện tính cách, tâm trạng,
suy nghĩ, cái nhìn, thái độ. Cặp mắt đen là câu chuyện đầy bất ngờ. Ở đây,
nhà văn đã xây dựng được tình huống éo le. Bằng - một giám định viên ngành xây dựng đối diện với con gái mình nhưng không nhận ra. Rồi sau đó là cuộc gặp gỡ giữa Bằng và Nga trong hoàn cảnh trớ trêu: Khi Bằng đang có cuộc sống sung sướng và tạm hài lòng với cuộc sống của mình thì hai mẹ con Nga đang khổ sở vì bị người ta uy hiếp chiếm đất. Nga thì ốm
yếu, Ngân phải thay mẹ cầu cứu Bằng. Đây là tình huống đơn giản nhưng nó lại là tâm điểm xuyên suốt câu chuyện. Hiện tại và quá khứ đan xen trong tâm trí Bằng khi anh nhận ra Nga - người yêu mà anh đã bỏ rơi trên chuyến tàu ngày trước khi cô đang mang trong mình giọt máu của anh. Quá khứ đánh thức Bằng, lương tri anh trỗi dậy và anh biết rằng quá khứ sẽ không để anh yên.
Nhân vật “tôi” và Phượng trong ruyện ngắn Kỹ nữ Đồng Nai lại
được tác giả đặt vào một tình huống tự nhiên và giàu cảm xúc. “Tôi” gặp Phượng trong một quán karaoke. Giữa họ như có một định mệnh từ trước. Câu chuyện mà “tôi” kể lại trùng hợp với câu chuyện cuộc đời Phượng. Tiếp xúc với Phượng, những cảm xúc về tình yêu đầu đời của “tôi” với Diễm lại hiện lên trong hồi ức của nhân vật này. Còn Phượng thì cứ ngỡ “tôi” là ba mình. Cô thốt lên tiếng gọi “Ba ! ba ơi !”, nhưng sự thật cuộc đời trớ trêu có như cô nghĩ không ? Nhà văn đã khéo léo để ngòi bút khám phá những cảm xúc sâu kín nhất, mơ hồ nhất trong nhận thức của một cô bé còn bỡ ngỡ trước hiện thực cuộc đời. “Phượng rất tin những gì anh kể. Thậm chí nó còn tin rằng chính nó là con gái anh. Vì, thật tình cờ, mẹ nó cũng tên là Diễm, vì anh đã đưa cho nó một cái ly không, khác với mọi người” [54, 142].
Bão Vũ lựa chọn tình huống truyện tưởng như rất đơn giản nhưng qua đó người đọc vẫn nhận thấy cái tài cái khéo của nhà văn. Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn hòa lẫn trong tâm tâm trí nhân vật. Từ đó nhà văn không chỉ tạo ra cho mình một cốt truyện vững chắc mà còn tìm cho mình một con đường riêng để đi sâu vào tâm lý nhân vật. Xâm nhập được vào thế giới riêng tư bí ẩn kia, nhà văn có thể mặc sức ngụp lặn, khám phá. Bão Vũ đã để cho ngòi bút đi sâu vào tâm lí nhân vật giữa những tình huống giàu tính hiện thực của mình. Đó là thế giới của những suy tư, trăn trở, những dòng hồi tưởng, chiêm nghiệm quá khứ. Hình ảnh của con người cá nhân vì thế được nhận thức rõ hơn.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng : “Có những nhà văn lại cố tình đưa nhân vật của mình vào những va chạm hàng ngày, những tình thế giao tiếp hàng ngày, ai cũng đã nhiều lần trải qua và các tình thế xảy ra lại nằm trong tâm trạng, tính cách nhân vật” [37, 64]. Bão Vũ cũng tạo cho mình những tình huống như vậy. Không chỉ quan tâm đến những biến thái xung quanh đời sống nhân vật, tác giả còn chú ý khai thác những bi kịch, mâu thuẫn, xung đột trong đời sống hàng ngày, đẩy nó thành cao trào gay cấn để rồi kết thúc cao trào và đưa lại cho độc giả cảm giác thỏa mãn khi tìm ra
câu trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc. Truyện ngắn Chúc thư sống đã
xây dựng được những tình huống như vậy. Hậu lấy Khoa do sự sắp đặt của hai bên gia đình. Chưa kịp nhận những tình cảm yêu thương của chồng, Hậu đã mất anh mãi mãi trong một trận đánh ác liệt. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không gây được tò mò chú ý cho người đọc. Vẫn tin chồng mình còn sống, Hậu tiếp tục chờ đợi và hy vọng. Nỗi mong chờ càng lớn dần theo thời gian đến khi cô Hậu xinh đẹp ngày nào giờ đã trở thành một bà cụ. Và sự thật đã không như sự chờ đợi của bà. Tác giả đã tạo nên cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa bà Hậu với Khoa – con trai của chồng bà. Hình ảnh mà bà chờ đợi bao nhiêu năm nay lại không phải là chồng bà, thế là “ngôi kim tự tháp của tình yêu lớn lao và vững chắc tưởng chừng như bất biến, tồn tại rất lâu trong tâm thức của bà Hậu đã sụp đổ tan tành, thảm hại” [53, 221]. Nhưng sự tuyệt vời của phẩm chất con người không phải ở tình huống nào của cuộc sống đã xảy ra với họ mà chính là khả năng ứng xử của họ trước những tình huống đó. Bà Hậu đã không oán trách Khôi mà còn nhận Khoa là con trai của mình, hứa cho Khoa thừa kế tài sản và cưới vợ cho anh, bà nguyện chờ Khoa trở về với tất cả lòng nhân ái bao dung. Tình cảm ấm áp, dịu dàng đó không chỉ làm xúc động người đọc mà ngay chính nhân vật cũng thấm thía “Tất cả những cuốn tiểu thuyết trữ tình, những tập sách nói về những điều thiêng liêng lớn lao được viết bởi những trí tuệ siêu việt đầy lòng nhân ái mà Khoa đã đọc không làm anh xúc động đến cùng
nơi tâm linh như những lời giản dị mà mẹ Hậu nói về ngôi nhà cũ kỹ, mảnh vườn hẻo lánh với một cô gái quê nào đó” [53, 238].
Nhân vật Phi trong Cháu nội nhà tư sản gặp người đạp xe xích lô mà
vì ảo tưởng, anh đã nhầm là “cháu nội nhà tư sản” cỡ bự một thời đang “vi hành”. Từ khi gặp “cháu nội nhà tư sản”, Phi luôn sống trong mơ tưởng sẽ được đổi đời nhờ sự quen biết này. Đến khi tình cờ gặp lại ông xích lô, Phi vẫn không hết ngạc nhiên, bàng hoàng, sửng sốt và cuối cùng nhận ra bài học triết lý nhân sinh sâu sắc là đừng tự huyễn hoặc mình bằng những ảo tưởng, hãy tự bằng lòng với những gì mình có. Như vậy tình huống truyện không chỉ tạo được sự hứng thú ở độc giả mà còn góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng của tác phẩm, gửi gắm thông điệp về cuộc sống của tác giả đến người đọc, tạo chiều sâu mới mẻ cho tác phẩm.
Truyện ngắn Hậu thân của Đêvagaty đã tạo được tình huống đó là
cuộc gặp gỡ giữa “tôi” với cùng một lúc là bức tượng bán thân nàng Đêvagaty và người nữ nghệ nhân tạc bức tượng ấy. Thật tình cờ vì cô gái tạc tượng lại có khuôn mặt, dáng dấp giống hệt bức tượng nàng Đêvagaty khiến “tôi” gọi cô là “hậu thân của Đêvagaty”. Mà “tôi” lại là một người say mê nghệ thuật kiến trúc Chămpa và tình yêu sét đánh đã đến với họ. Tuy nhiên tình yêu đó hình thành trong không gian nghệ thuật thần bí nên kết thúc cũng thật thần bí với sự biến mất của cô gái. Kết thúc truyện, “tôi” vừa tỉnh dậy sau một cơn mê dài nhưng vẫn gọi cô gái như gọi nàng Đêvagaty trong thung lũng hoang vắng của hàng nghìn năm trước. Tình huống truyện ở đây như một cái cớ nghệ thuật để tác giả thể hiện sự say mê nghệ thuật kiến trúc Chămpa của nhân vật, say mê đến mức không phân biệt được gianh giới giữa quá khứ và hiện tại, hiện thực và ảo ảnh, nghệ thuật và cuộc đời.
Có khi trong một truyện ngắn, nhà văn liên tục tạo được những tình huống khác nhau tạo được sự bất ngờ, thú vị hay những suy tư trăn trở về
cuộc sống như ở tác phẩm Mưa phùn. Ở đây, Bão Vũ đã tạo được những tình huống bi hài vốn rất khó trong văn học. Tình huống thứ nhất là lần mẹ thằng bé đánh giày bắt cóc mẹ cái Vui vì ghen tuông đầy hài hước. Tình huống thứ hai là cuộc gặp gỡ giữa thằng bé đánh giày với mẹ con cái Vui trong mưa phùn và buồn tủi. Giả sử không có những tình huống đó câu chuyện sẽ rất nhạt nhẽo vô vị, giọt nước mắt khóc thương cho thân phận người phụ nữ sẽ không thấm thía và lay động lòng người như vậy.
Có thể nói tình huống truyện bao giờ cũng hàm chứa trong nó sự phức tạp kịch tính, những hoàn cảnh có vấn đề, là cái “cớ” để nhân vật xuất hiện, là “bộ khung” vững chắc để chuyển tải nội dung tư tưởng tác phẩm. Đối với nhà văn khi tìm được tình huống truyện là đã tìm ra được con đường tiếp cận đời sống. Còn đối với người đọc tìm được tình huống mà tác giả kỳ công tạo nên là có được điểm tựa, lực hút để khám phá câu chuyện. Tình huống truyện có vai trò vô cùng quan trọng với truyện ngắn, đói với cả người tiếp nhận cũng như người sáng tạo. Đánh giá thành công của truyện ngắn Bão Vũ không thể không khẳng định sự đóng góp của nhà văn trong việc sáng tạo và xử lý tình huống truyện.