6. Cấu trúc luận văn
2.1. Khái niệm nhân vật và vai trò của nhân vật trong truyện ngắn
Nhân vật là hạt nhân trung tâm của tác phẩm tự sự, đó là “con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học” [39, 61].
Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất văn học là một quan hệ với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của cuộc đời. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các nhân đó. Nói cách khác nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng.
Trước hết, nhân vật văn học có ý nghĩa quan trọng giúp người đọc hiểu rõ các tính cách đa dạng khác nhau trong xã hội loài người. Trong
Nghệ thuật thi ca, Arixtôt viết: “Tôi hiểu tính cách là cái lý do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một tên nào đó”. “Nhân vật sẽ là có tính cách, nếu trong lời nói hay hành động bộc lộ một khuynh hướng ý chí nào đó, bất kể nó tốt
xấu như thế nào” [39, 64]. Tính cách được hiểu là đặc điểm của nhân vật,
khuynh hướng xã hội và quy luật hành động của nhân vật. Những nhân vật khái quát nổi bật những tính cách có ý nghĩa phổ biến sâu xa là những nhân vật điển hình.
Nhưng ý nghĩa của nhân vật không chỉ là thể hiện tính cách. Vì mỗi tính cách là kết tinh của một môi trường, cho nên nhân vật còn là người dẫn dắt ta vào một thế giới đời sống. Việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khoá mở rộng các mảng đề tài mới. Chẳng hạn loại hình nhân vật phụ
nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ cho ta hiểu rõ về thế giới nội tâm của họ với những khát khao yêu thương, suy tư, trăn trở còn những nhân vật kiến trúc sư trong tác phẩm Bão Vũ mở ra thế giới nghèo khổ, thiếu thốn cùng vốn hiểu biết phong phú của họ,…
Bên cạnh vai trò khái quát tính cách và các mảng đời sống gắn liền với nó, nhân vật văn học còn giúp tác giả thể hiện quan niệm về tính cách và các tư tưởng. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện một tư tưởng về cuộc đời. Tìm hiểu nhân vật là thấy được quan niệm, tư tưởng, cái nhìn, tình cảm, thái độ của nhà văn với cuộc sống.
Nếu không có nhân vật, nhà văn không thể tái tạo được cuộc sống “muôn hình vạn trạng”. Nếu không có nhân vật, nhà văn không thể khái quát được quy luật cuộc sống con người. Do đó có thể xem nhân vật là một yếu tố then chốt của tác phẩm tự sự. Một tác phẩm có thể không có cốt truyện hay có cốt truyện đơn giản nhưng không thể không có nhân vật. Tuy nhiên nhân vật trong con mắt của mỗi nhà văn không giống nhau. Trong mỗi tác phẩm thì loại hình nhân vật cũng rất phong phú đa dạng: có nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật loại hình, nhân vật lý tưởng,… Mỗi loại nhân vật như vậy đều có vai trò, vị trí riêng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng mà tác giả muốn đề cập tới.
Tóm lại, nhân vật văn học là hình thức khái quát đời sống. Đọc tác phẩm, cần tìm hiểu hết nội dung đời sống và nội dung tư tưởng thể hiện trong nhân vật.