Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý nhà nước (Trang 36 - 37)

b) Các chủ thể sử dụng đất đai

3.3.1. Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất

Trong một thời gian dài, suốt từ khi thực hiện Quyết định số 201/CP năm 1980 qua Luật Đất đai 1987 đến Luật Đất đai 1993, việc "Điều tra, khảo sát đất đai" luôn được xếp lên vị trí thứ nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong giai đoạn này, nước ta luôn chú ý đến việc điều tra, khảo sát đất đai; sau đó đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, xây dựng bản đồ địa chính, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bởi vì, chỉ có thông qua việc điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá đất đai mới có thế phân chia toàn bộ quỹ đất đai trong toàn quốc thành các loại, các hạng thích hợp. Việc này hết sức có ý nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung, Căn cứ vào kết quả này, Nhà nước và các cấp, các ngành ở địa phương mới có cơ sở để hoạch định chính sách phát triển nông lâm nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đánh giá đúng số lượng và chất lượng đất cần phải điều tra, đo đạc, khảo sát và phân hạng đất. Điều tra, đo đạc, khảo sát là các biện pháp kỹ thuật nhằm xác định về số lượng đất như: hiện nay tổng diện tích là bao nhiêu? Từng vùng là bao nhiêu? Từng loại đất là bao nhiêu? Tất cả những câu hỏi này cần được cơ quan quản lý đất đai phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời một cách chính xác và đầy đủ. Đồng thời, phải nắm chắc về chất lượng của đất nhưđộ màu mỡ, lý tính, hoá tính đất v.v...

Hoạt động đánh giá và phân hạng đất đai đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp vì căn cứ vào kết quả của đánh giá và phân hạng đất đai mà các nhà khoa học giúp các nhà quản lý định hướng và giúp người sử dụng đất đưa ra quyết định dùng những diện tích đất nông nghiệp cụ thể vào trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả cao. Mặt khác, hoạt động này còn là cơ sở để hàng năm Nhà nước thu thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và quy định giá trị của quyền sử dụng đất làm cơ sở thực hiện khi bồi thường, khi giao đất, khi cho thuê đất, khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, để có cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh tế của đất nước thì không thể thiếu được việc đánh giá, phân hạng đất. Đồng thời, để giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai được tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn thì ngoài việc đánh giá, phân hạng đất còn phải lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Chỉ khi lập được các loại bản đồ này mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý nhà nước (Trang 36 - 37)