Chiến lược marketing

Một phần của tài liệu phân tích tình hình huy động vốn tại ngân hàng tmcp sài gòn thương tín chi nhánh điện biên phủ (Trang 43 - 44)

Công tác marketing là một trong những công việc chiếm phần quan trọng của bất kì một ngân hàng nào. Khách hàng biết về ngân hàng ở một mức độ nào thì một phần nó sẽ tuỳ thuộc vào sự truyền thông về ngân hàng đến với công chúng. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Điện Biên Phủ cũng đã nhận thức về tầm quan trọng của công tác này và có những hình thức để đẩy mạnh uy tín và sự biết đến của khách hàng đối với ngân hàng như logo, trụ sở mang tính nhận diện rất cao đã in sâu vào tâm trí của khách hàng, tham gia tài trợ cho hàng loạt các hoạt động từ thiện, thể thao…. Trong thời gian tới để thương hiệu NH TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Điện Biên Phủ ngày càng nhiều người dân trên địa bàn biết đến hơn, ngân hàng cần đẩy mạnh công tác Marketing cụ thể :

Về công tác nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của thị trường: định kỳ điều tra, phỏng vấn thu nhập, nhu cầu và khảo sát sự hài lòng của khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ đã triển khai. Các bản khảo sát cần ngắn gọn nhưng chất lượng để không làm mất nhiều thời gian của khách hàng nhưng vẫn thu thập được những thông tin cơ bản, trọng yếu.

Về kênh quảng bá thương hiệu:Ngân hàng có thể tăng cường quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng mình thông qua các trang báo điện tử có uy tín như Vietnamnet, Thời báo ngân hàng… và tại Website của chính ngân hàng, cũng như tài trợ cho các hoạt động xã hội. Những cách thức quảng cáo một cách thường xuyên, đầy ấn tượng như vậy sẽ dễ dàng để người dân biết tới thương hiệu cũng như uy tín của ngân hàng, từ đó góp phần mang lại hiệu quả huy động vốn cho ngân hàng.

Về đối tượng khách hàng: nên tùy vào đối tượng khách hàng mà chi nhánh có những chính sách tiếp thị và chăm sóc khác nhau.

Với khách hàng cá nhân, Chi nhánh cần thực hiện chính sách khuyến mãi, tặng quà thường xuyên hơn vì họ ưa thích những sản phẩm khuyến mãi tặng kèm mỗi khi gửi tiền như áo mưa, túi xách, mũ bảo hiểm, phiếu mua hàng,..Dù là những món quà giá trị nhỏ nhưng lại là sợi dây liên kết bền chặt giữa ngân hàng với khách hàng.

Với khách hàng là doanh nghiệp, thường niên cùng với hình thức tặng quà, có hoạt động giao kết văn hóa, tinh thần; gặp gỡ nhằm phát triển quan hệ và lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, phí dịch vụ cho các doanh nghiệp duy trì tiền gửi thanh toán lớn, quan tâm và ưu đãi về chính sách tín dụng cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Với những khách hàng lâu năm, giao dịch thường xuyên, có số dư tiền gửi lớn, mức độ tín nhiệm cao thì ngân hàng phải có một chính sách thích hợp về lãi suất, kỳ hạn của món vay cũng như việc bảo lãnh các hợp đồng...Còn đối với các khách hàng mới, ngân hàng cần phải có cách phục vụ chu đáo, nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn khách hàng, cung cấp những dịch vụ ưu đãi hợp lý để xây dựng hình ảnh ngân hàng thật tốt.

Và cuối cùng là công tác đánh giá hiệu quả hoạt động marketing: Định kỳ nên có sự điều tra những nhận định từ công chúng về những hình thức huy động tiền gửi của ngân hàng trong đợt huy động qua. Để từ những thông tin phản hồi từ khách hàng mà ngân hàng rút ra những kinh nghiệm cho những đợt huy động tiền gửi tiếp theo.

Một phần của tài liệu phân tích tình hình huy động vốn tại ngân hàng tmcp sài gòn thương tín chi nhánh điện biên phủ (Trang 43 - 44)