Những hạn chế

Một phần của tài liệu công cuộc cải cách trong triều đại quang trung thành tựu và hạn chế (Trang 60 - 69)

5. Bố cục luận văn

3.2.Những hạn chế

Dù rằng những chính sách cải cách dưới triều đại Quang Trung là những chính sách cải cách tích cực và tiến bộ, nhưng ngay trong quá trình thực hiện thì những chính sách đó đã gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế, nó chứa đựng nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, về mặt thời gian, triều đại Quang Trung tồn tại quá ngắn ngủi, ông lên ngôi vào ngày 22 tháng 12 năm 1788, thì ngay lúc đó phải tiến quân ra Bắc đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh để bảo vệ bờ cõi và đến đầu năm 1789, sau khi đánh bại quân xâm lược, Quang Trung mới có điều kiện quan tâm đến đất nước và tiến hành những chính sách cải cách của triều đại mình, để chấn hưng và khôi phục lại nền kinh tế nước nhà sau thời kì khủng hoảng và chiến tranh liên miên, nhưng thời gian đã không ủng hộ Quang Trung cũng như triều đại của ông. Để có thể thực hiện những cải cách đề ra một cách triệt để được thì phải có thời gian, nhưng mới chỉ tiến hành cải cách được 4 năm và bước đầu đã đạt những thành tựu nhất định, thì vào ngày lịch sử 29 tháng 7 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời đầy bí ẩn đã khiến cho những dự định và công cuộc cải cách đất nước đang tiến hành tốt đẹp đều phải dừng lại, trở nên dang dở và kết thúc. Triều Quang Toản sau khi kế vị đã tỏ ra bất lực không tiếp nối được những chính sách tích cực và tiến bộ mà Quang Trung đang tiến hành. Không những thế, Quang Toản còn để cho những mâu thuẫn trong nội bộ Tây Sơn phát triển, làm cho thế lực của triều đại Tây Sơn bị chia rẽ và nhanh chóng trở nên suy yếu. Quang Toản lại yếu kém, không đủ khả năng để đảm đương được nhiệm vụ mà Quang Trung để lại, để rồi cuối cùng đẩy triều đại Tây Sơn sụp đổ trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh.

Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, triều đại Quang Trung đã quá phụ thuộc và phần lớn chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi những quyết định của

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 57

Quang Trung. Nếu phụ thuộc vào yếu tố cá nhân quá nhiều, thì sẽ dễ dẫn đến sự thất bại khi người đứng đầu không thể tiếp tục lãnh đạo phong trào được nữa, nên khi Quang Trung đột ngột qua đời, một hệ lụy tai hại đã xảy ra là sự thất bại của công cuộc cải cách và sụp đổ của triều đại Tây Sơn trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Đây cũng là một nhược điểm rất lớn của phong trào nông dân nói chung và phong trào nông dân Tây Sơn nói riêng. Bên cạnh đó, việc quyền lực tập trung tuyệt đối vào trong tay người đứng đầu sẽ dẫn đến việc chuyên quyền và tự quyết về mọi mặt. Do đó, những chính sách của triều đại Quang Trung sẽ do ông đưa ra và ông cũng là người trực tiếp trong coi việc tiến hành các chính sách đó, các quan lại bên dưới chỉ có việc thực hiện. Nên sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, thì công cuộc cải cách đã trở nên khó khăn hơn và cuối cùng phải thất bại cùng với cái chết của ông.

Hơn nữa, ngay khi Quang Trung còn sống, việc thực hiện những chính sách cải cách cũng gặp nhiều hạn chế “vì sự lợi dụng và phá hoại của bọn địa chủ, quan lại ở địa phương”[7]. Một phần, do thời gian quá ngắn nên Quang Trung chưa kịp đào tạo một đội ngũ quan lại trung thành và tận tụy với triều đại mới, dù rằng Quang Trung đã sớm ý thức việc tổ chức thi cử để tuyển chọn quan lại. Vào năm 1789, Quang Trung mở kì thi hương đầu tiên ở Nghệ An để tuyển chọn quan lại, nhưng trong thời gian đầu, khoa cử chưa thể cung cấp kịp số quan lại cần thiết. Vì vậy, cách tuyển chọn quan lại theo lối tiến cử hay cầu hiền vẫn là biện pháp chính, nên trong số sĩ phu, quan lại theo Quang Trung cũng có nhiều người trung thành, phục vụ đắc lực cho triều đại mới như Trần Văn Kỉ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,…nhưng số đông bọn sĩ phu, quan lại cũ quyền lợi gắn liền với những triều đại, những thế lực phong kiến đổ nát đã tìm mọi cách chống đối lại vương triều Tây

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 58

Sơn và thực tế đã có nhiều thế lực âm mưu khởi nghĩa, chống đối hay trốn sang nhà Thanh, chạy theo Lê Chiêu Thống.

Đặc biệt, ngay trong số sĩ phu, quan lại cũ đã tham gia vào chính quyền của Quang Trung cũng có nhiều người tỏ ra chờ thời, hay ngấm ngầm phá hoại, nhất là bọn quan lại hào mục cũ ở địa phương – kẻ thù trực tiếp của nhân dân làng xã. Quang Trung thi hành những chính sách tiến bộ của mình bằng bộ máy ấy, thông qua những con người ấy. Vì vậy, trong khi thi hành nhiệm vụ bọn này thường tìm cách xuyên tạc, hoặc lợi dụng những những chính sách đưa ra để tham ô, nhũng nhiễu nhân dân, biến những chủ trương tích cực thành những việc phiền hà, rắc rối cho nhân dân. Đây là một hạn chế lớn do hậu quả của quá trình phong kiến mang lại, làm cho bộ máy chính quyền mới không đủ khả năng thực hiện triệt để những chính sách cải cách tiến bộ của Quang Trung. Nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị tích cực của Quang Trung qua tay của bọn quan lại này đã bị lợi dụng, xuyên tạc hay không được thực hiện đến nơi đến chốn. Ví như việc ban hành Thiên hạ đại tín bài rõ ràng là một biện pháp tích cực và tiến bộ để kiểm tra dân số chặt chẽ, và trong đó bao gồm một nội dung xã hội tiến bộ là không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nhưng trong khi thực hiện bọn quan lại địa phương đã lợi dụng để ức hiếp, hối lộ làm cho kẻ dân hèn đến nỗi phải lẩn trốn ở hang hố, khổ sở vô cùng. Trong khi làm trấn thủ Nghệ An, Trần Quang Diệu đã từng báo cáo về Phú Xuân tình trạng tham nhũng của quan lại ở địa phương và được Quang Trung cho phép trừng trị. Chính vì vậy, mà trong một bài tấu gửi lên Quang Trung năm 1791, Nguyễn Thiếp đã phản ánh tình hình nhân dân ở Nghệ An như sau: “Nhà nước thì uy võ có thừa, mà ân trạch thì chưa ban ra, khắp tiếng sầu oán dậy đường sá,…”[8].

Những hạn chế trên làm cho những chính sách cải cách của Quang Trung chưa phát huy được hết tác dụng tích cực và tiến bộ của nó. Ý nghĩa

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 59

tiến bộ của những chính sách đó còn nằm trong phạm vi khả năng nhiều hơn là hiện thực. Sau khi Nguyễn Ánh khôi phục lại chế độ phong kiến, thì những chính sách ấy hầu như bị thủ tiêu để thay thế bằng những chính sách thống trị phản động.

Nhưng tất cả những hạn chế đó của triều đại Quang Trung, so với những chính sách cải cách tích cực và những thành tựu đã đạt được thì những cải cách này vẫn được xem là tiến bộ. Triều đại Quang Trung vẫn là một triều đại phong kiến tiến bộ, nó có một vị trí xứng đáng trong lịch sử nước nhà.

Chú thích

[1], [2]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb giáo dục, Hà Nội, 1961, sđd, tr.104

[3]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.85

[4]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), Sđd, quyển 2 tập 2, tr.107

[5]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), Sđd, quyển 2 tập 2, tr.108

[6]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.106

[7]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.106

[8]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.107

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 60

PHẦN KẾT LUẬN

1. Đại Việt trải qua hơn 200 năm, bị các tập đoàn phong kiến Mạc – Trịnh – Nguyễn cát cứ kéo dài, từ chính quyền Nam Bắc triều cho đến chính quyền Đàng Trong – Đàng Ngoài, đã làm cho đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên và không thể thống nhất. Nhân dân phải sống một thời gian dài trong cảnh phân chia và chiến tranh tàn khốc, đời sống ngày càng khốn đốn và khó khăn hơn. Cùng với đó, bộ mặt kinh tế nước nhà ngày càng suy yếu, khủng hoảng trầm trọng. Thực tế đau xót và căm hờn ấy đã nung nấu ý chí nhân dân ta vùng lên đấu tranh, đánh đổ bọn phong kiến phản động, kẻ thù của nhân dân và chính là thủ phạm đã dẫn đến tình trạng phân tranh ấy. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và giành thắng lợi đã thủ tiêu tình trạng cát cứ đó, xóa bỏ ranh giới sông Gianh, chia đôi đất nước hàng mấy thể kỉ, để trên cơ bản đặt nền tảng cho một nhà nước, một quốc gia thống nhất. Đồng thời, phong trào nông dân Tây Sơn còn làm được một việc rất quan trọng là đánh tan tham vọng xâm lược nước ta của bọn Xiêm La và bè lũ Mãn Thanh ở hai đầu biên giới Nam và Bắc của tổ quốc, bảo vệ thành quả thống nhất, bảo vệ nền độc lập, tự do tổ quốc mà cha ông đã để lại, từ đó đã giải quyết yêu cầu đặt ra hàng thế kỉ của dân tộc. Và sau này khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của cả nước, vua Quang Trung đã nhìn thấy những đòi hỏi cấp thiết của xã hội lúc bấy giờ, nên ông đã tiến hành một cuộc cải cách trên tất cả các mặt nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết ấy. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong các chính sách về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục,… Đó chính là những mặt tích cực và tiến bộ mà triều đại Quang Trung đã tiến hành trong khoảng thời gian cai trị ngắn ngủi của triều đại mình, nhằm góp phần khôi phục và chấn hưng lại sự phát triển của nền

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 61

kinh tế nước nhà, đem lại cuộc sống no ấm cho người dân sau thời kì khủng hoảng và chiến tranh kéo dài.

2. Phong trào nông dân Tây Sơn là một cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân cả nước, mà nguồn động lực chủ yếu là nông dân. Với những việc mà phong trào Tây Sơn đã làm được như liên tiếp lật đổ những chính quyền phong kiến phản động và bảo thủ trong nước, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia đôi đất nước và đánh tan các cuộc xâm lược của nước ngoài, cũng như tiến hành cải cách về các mặt để khôi phục và chấn hưng nền kinh lại tế nước nhà, điều đó đã cho thấy được tính chất mãnh liệt của phong trào, cũng như nói lên sự uất ức và lòng căm thù của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đối với bọn phong kiến phản động ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Bởi vậy khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, thì ngay từ đầu nó đã trở thành một phong trào kết tinh cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước và lan rộng nhanh chóng. Cũng vì vậy, khác với những cuộc khởi nghĩa nông dân trước đó, phong trào nông dân Tây Sơn có một ý nghĩa xã hội và lịch sử sâu rộng hơn nhiều. Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nông dân ở thế kỉ XVIII, nó đã trở thành một phong trào đấu tranh tiêu biểu cho cả nước về tinh thần quật khởi, lòng căm thù chế độ phong kiến và tinh thần đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm của Đại Việt ta.

Ta thấy xét về mặt tinh thần, phong trào Tây Sơn đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc đấu tranh giai cấp do giai cấp nông dân lãnh đạo, tiêu biểu cho ý chí quật khởi và lòng căm thù của cả dân tộc đối với chế độ phong kiến đã thối nát và phản động đến cùng cực. Mặt khác, phong trào đã phát huy rực rỡ truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc. Nhưng xét về mặt xã hội thì phong trào nông dân Tây Sơn lại thiếu những khả năng khách quan, thiếu một giai cấp mới đại biểu cho một phương thức sản xuất mới lãnh đạo, để có thể đánh đổ

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 62

cơ sở của chế độ phong kiến, để củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, đưa xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XVIII tiến hẳn lên một bước phát triển mới, xóa bỏ đi những tàn tích, những cơ sở của chế độ phong kiến lạc hậu và bảo thủ, để từ đó có thể tiến tới xây dựng một nhà nước mới thống nhất và phát triển.

3. Nhưng những khả năng thực tế, tạo điều kiện cho xu thế vươn lên của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XVIII để thoát khỏi chế độ phong kiến chưa thực sự được hình thành. Điều kiện hạn chế đó của thời đại đương thời và của lịch sử đã chi phối toàn bộ giai cấp nông dân cũng như các thủ lĩnh của mình trong suốt thế kỉ XVIII – thế kỉ trỗi dậy của nông dân, những người đảm đương vận mệnh của dân tộc, của tổ quốc. Cho nên, trong quá trình diễn biến của cuộc khởi nghĩa, các thủ lĩnh Tây Sơn cũng dần dần phong kiến hóa. Sau khi khởi nghĩa giành được những thắng lợi đã tiêu diệt được thù trong, giặc ngoài, họ lại rơi vào vết xe phong kiến, thiết lập một triều đại phong kiến mới, đối lập với quần chúng nhân dân – chỗ dựa và là nguồn động lực rất quan trọng của phong trào trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, nhưng đó là hạn chế của thời đại và của lịch sử nên ta không thể đòi hỏi ở vương triều Tây Sơn hay người anh hùng ảo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ có thể làm khác được. Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành và thực hiện những chính sách cải cách của mình, mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế và cuối cùng phải bỏ dở cùng cái chết đột ngột của vua Quang Trung, cũng như sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh, nhưng những gì triều đại Tây Sơn làm được không một ai có thể phủ nhận. Chính sự đóng góp lớn lao đó, mà mỗi chúng ta không khỏi tự hào khi nhắc đến những người lãnh đạo Tây Sơn, mà đặc biệt người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, đã viết lên những trang sử vẽ vang và hào hùng của dân tộc Đại Việt. Và qua đề tài này cũng tạo tiền đề cho việc nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể hơn về các mặt trong những chính sách cải

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 63 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

cách tiến bộ, cũng như hạn chế trong quá trình tiến hành những chính sách đó của triều đại Quang Trung nếu tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.

SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 64

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Bang, Những khám phá bí mật về hoàng đế Quang Trung, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011

2. Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.

3. Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1961

4. Nguyễn cảnh Minh – Đào Tố Uyên, Một số chuyên đề lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008

5. Nhiều tác giả, Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Sở văn hoá Thông tin Nghĩa Bình, Bình Định, 1983.

6. Nhiều tác giả, Quang Trung – Nguyễn Huệ, tạp chí xưa và nay – Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.

7. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử Việt Nam giản yêu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

8. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.

9. Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), quyển 2 tập 2,

Một phần của tài liệu công cuộc cải cách trong triều đại quang trung thành tựu và hạn chế (Trang 60 - 69)