5. Bố cục luận văn
2.3. Nâng cao và phát triển văn hoá giáo dục
Có thể nói trong tất cả các chính sách về các mặt của Quang Trung, thì những chính sách về văn hoá, giáo dục có ý nghĩa tiến bộ rất lớn, đánh dấu một bước phát triển mới về truyền thống và văn hoá của dân tộc ta. Trong đó, hai chính sách văn hoá, giáo dục lớn nhất của Quang Trung là việc trọng dụng chữ nôm và mở rộng chế độ giáo dục trong cả nước.
2.3.1. Trong lĩnh vực văn hoá
- Chính sách trọng dụng chữ Nôm
Chữ nôm tuy xây dựng từ chữ Hán theo hai nguyên tắc hình thanh và hội ý, nhưng đã trở thành một thứ văn tự dân tộc, ghi chép lại trung thành tiếng nói của dân tộc. Cùng với quá trình trưởng thành của dân tộc, chữ nôm và văn nôm ngày càng phát triển và phổ biến trong nhân dân. Trong lịch sử
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 41
thời kì phong kiến nước ta, chỉ có hai triều đại biết nhìn nhận tương đối đúng mức vị trí của chữ nôm, đó là triều đại của Hồ Quý Ly và triều của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Hồ Quý Ly tuy trọng dụng chữ nôm, cho dịch văn nôm nhưng vẫn chưa coi chữ nôm như một thứ văn tự chính thức dùng trong thi cử, chỉ đến thời đại Quang Trung chữ nôm mới được nâng lên địa vị xứng tầm với nó.
Trong quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa, các thủ lĩnh Tây Sơn đã thấy rõ tác dụng của chữ nôm, nên từ tờ hịch đến các thư từ, mệnh lệnh đều viết bằng chữ nôm. Năm 1786, trước khi kéo quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh, Nguyễn Huệ đã sai làm một bài hịch bằng chữ nôm để kể tội họ Trịnh và động viên nhân dân Bắc hà nổi lên diệt họ Trịnh. Năm 1788, chính tay Nguyễn Huệ đã viết thư bằng chữ nôm để giục Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô ở Nghệ An.
Sau khi lên ngôi vua, Quang Trung càng mạnh dạn đánh đổ thành kiến độc tôn chữ Hán của các triều đại phong kiến trước, đưa chữ nôm lên địa vị văn tự chính thức của quốc gia. Tất cả các chiếu chỉ, mệnh lệnh cho đến những bài văn tế trời đất trong thời Quang Trung, Quang Toản phần lớn đều viết bằng chữ nôm. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, chữ nôm được Quang Trung đưa vào trong khoa cử. Trong các kì thi quan trường, phải ra đề bằng chữ nôm và đến đệ tam trường các sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ nôm.
Để góp phần phổ biến chữ nôm trong nhân dân và đưa chữ nôm trở thành chữ viết chính thức của dân tộc, vua Quang Trung đã đưa ra chủ trương có ý nghĩa tiến bộ là việc thành lập Sùng chính viện vào cuối năm 1791, do Nguyễn Thiếp làm viện trưởng, phụ trách việc giáo dục và dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Theo lệnh của Quang Trung, Nguyễn Thiếp cùng một số nhà nho Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch,…lần lượt dịch các sách Tiểu học, Tứ thư và các kinh Thi, Thư, Dịch.
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 42
Đến tháng 7 năm 1792, “Nguyễn Thiếp đã dịch xong bộ Tiểu học và Tứ thư, gồm 32 tập”[21] gửi về Phú Xuân và được Quang Trung khen ngợi, ban thưởng cho 100 quan tiền, Quang Trung cũng theo dõi rất sát công việc biên dịch của viện và muốn nhanh chóng hoàn thành kế hoạch, “vừa mới biên xong chưa kịp xem chửa, đã có chiếu đòi nộp liền”. Sau đó, Quang Trung lại sai trấn thủ Nghệ An cấp thêm cho Nguyễn Thiếp “hai ba mươi viên văn thuộc từ lại, giúp việc biên lục cho viện”[22] và giục dịch gấp các Kinh Thi, Thư, dịch trong thời hạn 3 tháng, trước hết là Kinh Thi. Nhưng tiếc rằng, công việc dịch sách ấy đang được tiến hành khẩn trương đã phải bỏ dở vì cái chết đột ngột của vua Quang Trung và không được triều vua sau là Quang Toản tiếp tục.
Chủ trương dịch sách trên nói lên hoài bão rất lớn của Quang Trung muốn tiến tới thay thế hoàn toàn tài liệu học tập bằng tiếng mẹ đẻ, thoát ly hẳn sự lệ thuộc vào văn tự của nước ngoài. Chữ nôm đã trở thành văn tự chính thức của quốc gia dưới thời Tây Sơn, đánh dấu một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh và bảo tồn nền văn hoá của dân tộc, chống chính sách đồng hoá của bọn phong kiến phương Bắc, cũng như thái độ coi khinh ngôn ngữ dân tộc của các giai cấp phong kiến trong nước. Chính sách đề cao và trọng dụng chữ nôm của vua Quang Trung làm cho bọn sĩ phu phản động rất ấm ức và chống đối một cách điên cuồng, chúng xuyên tạc ý nghĩa tiến bộ của cải cách, cho rằng “nôm na là cha mách mé” để hòng phủ định một thắng lợi lớn của dân tộc trong lĩnh vực văn hoá. Tiêu biểu cho thái độ chống đối đó, là bài chiếu Tụng Tây Hồ của Phạm Thái với những câu:
“Chữ lối cua bò lăng nhăng thư thảo Thơ rông chó chạy láo nháo xướng thù”[23].
Thái độ đó gắn liền với bản chất phản động, phản dân tộc của tầng lớp phong kiến phản động nhất trong nước lúc bấy giờ. Sau này, Gia Long (niên
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 43
hiệu của Nguyễn Ánh khi lên ngôi) lên nắm quyền đại diện cho tầng lớp phong kiến phản động ấy, đã xóa bỏ những chính sách văn hoá tiến bộ của Quang Trung và khôi phục lại địa vị của chữ Hán.
Tuy nhiên, mưu đồ đen tối của những tầng lớp phản động ấy không thể nào ngăn chặn được một trào lưu văn hoá đang phát triển ở thời đại Quang Trung, nhiều nhà văn, nhà thơ nôm xuất sắc lần lượt xuất hiện và những tác phẩm của họ có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hoá dân tộc như Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Hồ Xuân Hương (được mệnh danh là “Bà chúa thơ nôm”) tiêu biểu cho thơ văn nôm cuối thế kỉ XVIII, và Ngọc Hân công chúa cũng là một người nổi tiếng với những bài thơ nôm ca ngợi sự nghiệp anh hùng của Quang Trung, như trong bài Ai tư vãn:
“… Nghe trước có đấng vua Thang Võ Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình…”[24]
- Chính sách đối với tôn giáo
Chính sách văn hoá tiến bộ của triều đại Quang Trung cũng được thể hiện qua thái độ đối với các tôn giáo. Cũng như các triều đại khác, triều Quang Trung vẫn tôn sùng nho giáo nhưng lại tỏ ra rộng rãi đối với các tôn giáo khác như phật giáo, gia tô giáo hay các tín ngưỡng khác của nhân dân. Đối với phật giáo, từ thời Lê mạt đã trở thành một mối tệ hại trong xã hội. Những kẻ lười biếng trốn vào chùa chiền để tránh sản xuất, sống cuộc đời ăn bám, hủ hoá. Bọn lưu manh, côn đồ cũng tìm nơi thờ phật để tụ tập đảng phái gây rối loạn trong xã hội. Bọn vua – chúa, quan lại thời Lê – Trịnh đua nhau xây dựng chùa chiền, lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân để gieo rắc mê tín dị đoan. Từ đó, Quang Trung muốn chấn chỉnh lại việc tu hành, nhà vua
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 44
bắt tất cả bọn lưu manh, côn đồ trốn tránh trong các chùa phải trở về sản xuất, bắt những nhà sư không xứng đáng phải hoàn tục, chỉ những tăng nhân có đạo đức và thành tâm thờ phật thì vẫn được phép ở lại chủ trì các chùa. Ngoài ra, Quang Trung còn đề ra một chủ trương đáng được chú ý là bỏ bớt một số chùa nhỏ đã hoang tàn ở các làng xã để tập trung vật liệu, tu bổ những ngôi chùa lớn ở phủ, huyện.
Đối với đạo gia tô, không như chủ trương của họ Trịnh – Nguyễn cấm đạo một cách gay gắt, dưới triều Quang Trung, việc cấm đạo bị bãi bỏ, việc truyền đạo của các giáo sĩ Tây phương không bị ngăn trở, tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà thờ cũng không bị ngăn cấm. Quang Trung còn “cho người bảo vệ tài sản, nhà cửa của bọn giáo sĩ Tây phương, không ai được phép sát hại họ”. Công việc truyền giáo của bọn giáo sĩ đội lốt thầy tu luôn luôn gắn liền với âm mưu xâm lược, Quang Trung hẳn biết được điều đó, nhưng với chính quyền vững mạnh của triều đại mình, nên ông không sợ những âm mưu xâm lược của bọn chúng. Thái độ rộng rãi với các giáo sĩ truyền đạo của Quang Trung hoàn toàn trái hẳn với chính sách mù quáng của các tập đoàn phong kiến phản động trước đây hòng dập tắt tín ngưỡng của nhân dân bằng bạo lực, tàn sát giáo sĩ và tín đồ, biểu hiện sự bạc nhược, bối rối của nhà nước trước những âm mưu can thiệp nội trị của bọn thực dân phương Tây.
2.3.2. Trong lĩnh vực giáo dục
- Mở rộng chế độ giáo dục
Trong lĩnh vực giáo dục, Quang Trung chủ trương mở rộng chế độ giáo dục xuống tận xã, chỉnh đốn lại chế độ thi cử nhằm đào tạo những viên quan lại có năng lực phục vụ cho công cuộc chấn hưng và mở rộng giáo dục của nhà nước. Theo tờ chiếu lập học thì “các làng xã phải dựng nhà xã học, chọn những nhà nho hay chữ và có đức hạnh trong xã phụ trách việc giảng
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 45
dạy cho học trò (gọi là xã giảng dụ)”[25]. Những thầy học ở xã do xã chọn nhưng được triều đình cấp bằng công nhận. Lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta, trường học được phổ biến xuống tận xã. Đền chùa ở các phủ huyện vẫn do nhân dân địa phương trông coi và Quang trung cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học hàng phủ. Tại trường học hàng phủ này, Quang Trung bổ nhiệm những chức phủ huấn đạo xuống giảng dạy.
Về nội dung giáo dục, Quang Trung rất chú ý chỉnh đốn lại chế độ học tập và thi cử. Ông muốn gạt bỏ lối học từ chương, khuyên sáo, công thức của các thời trước, thay vào đó là lối học thiết thực hơn, có suy nghĩ nhằm đào tạo những người có năng lực hoạt động thực sự theo đúng tinh thần kết hợp học với hành như đề nghị của Nguyễn Thiếp “theo điều học biết mà làm, hoạ may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ đó mà được vững yên”[26]. Chủ trương dịch sách Hán ra chữ Nôm của Quang Trung cũng có tác dụng nhất định trong việc học tập lúc bấy giờ. Ngoài ra, còn cho ta thấy Quang Trung còn có ý định muốn dần dần thay thế tài liệu học tập chữ Hán bằng những bản dịch chữ Nôm. Đó là những ý định cải cách quan trọng và tiến bộ dưới triều Quang Trung, tuy rằng việc đó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn.
Cũng như các triều đại khác, triều đại Quang Trung cũng sùng đạo nho, lưu tâm yêu kẻ sĩ, trọng người hiền tài, mong được những người có tài ra giúp việc, được thể hiện trong các chiếu cầu hiền của Quang Trung. Bên cạnh việc cầu hiền thì Quang Trung cũng rất chú tâm đến việc đào tạo ra một tầng lớp quan lại mới, trung thành với chế độ mới, phụng sự đắc lực cho sự nghiệp của mình. Nên ngay từ mùa thu năm 1789, sau khi làm chủ được nước nhà thì Quang Trung đã cho mở kì thi Hương đầu tiên ở Nghệ An, khoa thi này do Nguyễn Thiếp làm đệ điệu, vừa tổ chức việc thi, vừa kiêm
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 46
cả chánh chủ khảo. Trong tờ chiếu lập học, Quang Trung quy định rõ “những người đỗ kì thi Hương gọi là Tú Tài, hạng ưu sung vào quốc học, hạng thứ cho vào phủ học”[27]. Sau này Quang Toản có sửa lại lề lối thi cử ấy. Năm 1793, Bùi Đắc Tuyên định thi Hương chỉ có hai kì và ai trúng tuyển gọi là tuấn sĩ. Năm 1794, Quang Toản định 3 năm mở một khoá thi Hương gồm 4 kì, ai trúng tam kì gọi là sinh đồ, ai trúng tứ kì gọi là hương cống. Năm 1795, Quang Toản có định mở khoa thi Hội ở Vĩnh Doanh (Vinh, Nghệ An) và Bắc thành nhưng chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, để thanh toán những hậu quả của chế độ khoa cử thối nát thời Lê mạt, Quang Trung đã đưa ra những chủ trương phù hợp để giải quyết những hậu quả đó. Trước tiên, đối với các ông cống triều Lê, phàm những người tại quán chưa nhận chức gì thì nhà vua đều muốn thu dùng cả. Quang Trung ban lệnh cho họ đến các cửa khuyết đình để lựa chọn bổ sung những chức như huấn đạo hay tri huyện. Còn những “cựu nho sinh, cựu sinh đồ trước kia phải đợi kì thi thi lại, hạng ưu thì công nhận cho đỗ, hạng liệt thì phải về học lại ở các trường xã học”28. Còn như hạng “sinh đồ 3 quan” (dùng tiền mua bằng cấp) thì nhất thiết đuổi về địa phương.
Những chính sách nói trên chứng tỏ Quang Trung là vị vua có hoài bão muốn xây dựng một nền học thuật, giáo dục hoàn toàn dân tộc, nâng cao ý thức độc lập tự cường, thoát ly khỏi sự ràng buộc của nền giáo dục khuôn sáo cũ. Chính bản thân Quang Trung là tấm gương sáng về tinh thần ham học và cầu tiến bộ. Ông được Nguyễn Thiếp hết lòng giúp đỡ, góp ý cho việc học và đồng thời, Nguyễn Thiếp cũng tỏ ra trân trọng tinh thần ham học hỏi của vị hoàng đế xuất thân áo vải, cờ đào này và chân thành khuyến khích.
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 47
Chú thích
[1]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), sđd, quyển 2 tập 2, tr.95
[2]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb giáo dục, Hà Nội, 1961, tr.52 – 53
[3], [4]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), sđd, quyển 2 tập 2, tr.95, tr.96
[5]: Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Quang Trung anh hùng dân tộc 1788 – 1792, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr.276
[6], [7], [8]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), Sđd, quyển 2 tập 2, tr.99, tr.100, tr.100
[9]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.66
[10], [11]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), sđd, quyển 2 tập 2, tr.102 – 103, tr.103
[12], [13], [14], [15], [16], [18], [20], [21], [22]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, sđd, tr.74, tr.74, tr.76, tr.76, tr.76, tr.81, tr.81, tr.87, tr.87
[17], [19]: Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Quang Trung anh hùng dân tộc 1788 – 1792, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr.285, tr.285 - 286
[23], [24], [25], [27]: Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), sđd, quyển 2 tập 2, tr.109, tr.110, tr.110, 109
[26]: Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb giáo dục, Hà Nội, 1961, sđd, tr.90
[28]: Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Quang Trung anh hùng dân tộc 1788 – 1792, sđd, tr.287
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 48
CHƯƠNG 3: NHỮNG THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ TRONG CÔNG CUỘC CẢI CÁCH CỦA TRIỀU ĐẠI QUANG TRUNG