5. Bố cục luận văn
2.2. Khôi phục và phát triển kinh tế
Trong cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến vào nửa cuối thế kỉ XVIII, nền kinh tế nước ta bị đình trệ và phá hoại nghiêm trọng. Nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ làm cho kinh tế tiểu nông bị uy hiếp, hàng loạt nông dân bị tước đoạt tư liệu sản xuất, bị lệ thuộc vào vòng bóc lột địa tô nặng nề của địa chủ. Mặt khác, nhà nước phong kiến lại tăng cường tô thuế, phục dịch để cung ứng cho nhu cầu xa xỉ của tầng lớp vua chúa, quý tộc và cả một bộ máy quan liêu sâu mọt, thối nát. Thêm nữa, trải qua hàng thế kỉ nội chiến, phân liệt, tiếp đến phong trào nông dân rầm rộ suốt thế kỉ XVIII và kháng chiến chống ngoại xâm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là kinh tế tiểu nông bị phá hoại, hàng ngàn, hàng vạn nông dân bị bần cùng và phá sản, những trận đói khủng khiếp cướp đi không biết bao nhiêu tính mạng người dân, những người còn sống thì phải sống trong cảnh khổ cực, lâm vào tình trạng lưu vong, phiêu tán. “Đồng ruộng bỏ hoang, xóm làng tiêu điều, xơ xác là tình cảnh phổ biến bao trùm khắp nông thôn lúc bấy giờ”[9].
Bên cạnh đó, trong thế kỉ XVII – XVIII, nền kinh tế hàng hoá tuy có từng bước phát triển rõ rệt, nhưng cũng bị kìm hãm gay gắt. Tình trạng cùng khổ của nhân dân, chính sách “ức thương” và thuế khoá nặng nề của nhà nước phong kiến là những trở ngại lớn cho sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Nền kinh tế hàng hoá lúc này còn nhỏ bé nhưng là một bộ phận kinh tế quan trọng, tiên tiến và chỉ có sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hoá mới tạo khả năng đưa đến sự hình thành sức sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới, thì mới có khả năng mở đường giải thoát cho xã hội phong kiến đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Phục hồi nông nghiệp, phát triển công thương nghiệp, mở rộng kinh tế hàng hoá là những yêu cầu
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 35
cấp thiết của xã hội đương thời. Những yêu cầu đó đã được Quang Trung chú ý giải quyết trong những chính sách kinh tế của triều đại mình.
2.2.1. Phục hồi và phát triển nông nghiệp
Phục hồi kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ kinh tế quan trọng bậc nhất của một nhà nước phong kiến tiến bộ vào cuối thế kỉ XVIII. Nhiệm vụ đó đã được Quang Trung tiến hành một cách nhanh chóng. Năm 1789, Quang Trung ban bố Chiếu khuyến nông, đề ra những biện pháp tích cực nhằm giải quyết nạn lưu vong và tình trạng ruộng đất bỏ hoang.
Tình trạng nông dân lưu vong, phiêu tán bỏ hoang đồng ruộng, quê hương đi tha phương cầu thực chứng tỏ rằng nền kinh tế tiểu nông đã bị phá hoại rất nghiêm trọng, sức lao động của nông dân không được sử dụng vào trong sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết tình trạng đó, Quang Trung ra lệnh bắt những người lang thang, ngụ cư ở những nơi nhất thiết phải trở về nguyên quán làm ăn, chỉ trừ trường hợp những người nào đã sinh cơ lập nghiệp ở xã khác được ba đời rồi thì cho nhập tịch vào xã ấy, không bắt buộc trở về nguyên quán. Những xã nào chấp chứa những người trốn tránh, vi phạm pháp lệnh trên thì bản thân người trốn tránh và cả xã trưởng sở tại cũng bị trừng phạt. Bọn lưu manh, côn đồ những người trốn tránh lao động vào ẩn nấp trong các chùa cũng bắt phải “hoàn tục” trở về quê hương làm ăn lương thiện, những nhà sư chân chính có học thức và đạo đức mới được phép làm tăng nhân chủ trì các chùa thờ Phật.
Theo đó, những người dân phiêu tán trở về quê hương đều được cấp ruộng đất để cày cấy làm ăn. Trong Chiếu khuyến nông, Quang Trung giao trách nhiệm cho các quan lại địa phương, các xã trưởng phải gấp rút chấm dứt tình trạng ruộng đất hoang phế. Ruộng đất công thì đem phân cấp cho dân trong xã cày cấy nộp tô cho nhà nước, ruộng đất tư thì giao cho chủ nhân phải khai khẩn sản xuất đầy đủ và nộp thuế cho nhà nước. Quang
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 36
Trung quy định đến tháng 9 năm Quang Trung thứ 2 (năm 1789), các xã trưởng phải lập sổ đinh điền trong đó kê khai rõ số dân đinh phiêu tán mới trở về, số lượng đất còn hoang phế và đã khai khẩn nộp lên trên. Nhà nước hạn trong ba năm mà không thanh toán hết diện tích ruộng đất bỏ hoang, thì nếu là ruộng công sẽ chiếu theo nguyên ngạch thuế điền mà thu gấp đôi, nếu là ruộng tư thì sẽ tịch thu làm ruộng công, ngạch thuế cũng theo như ruộng công.
Việc giải quyết dân phiêu tán và ruộng đất bỏ hoang là hai biện pháp chủ yếu về nông nghiệp, liên quan khăng khít với nhau và đều được nêu ghi rõ trong Chiếu khuyến nông với những câu như sau: “Ít lâu nay trong nước bị binh lửa, đinh tản điền hoang, số đinh điền so với trước kia, mười phần kém đến bốn năm phần. Nay trong nước đã bình định, cần phải phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, làm cho dân du thủ du thực trở về với ruộng đất. Vậy trước kia người nào ngụ cư ở địa phương khác, hoặc đến ở quê vợ, quê mẹ, hoặc làm nghề buôn bán để trốn tránh lao dịch, thì trừ những người đã ghi tên vào sổ khác được ba đời rồi, còn hết thảy phải trở về nguyên quán, xã khác không được chứa chấp. Những ruộng công từ trước bỏ hoang, nay phải trở về cày cấy, không được bỏ hoang nữa. Lý trưởng sở tại, phải xét số đinh thực tại có bao nhiêu suất, phân tán về làng bao nhiêu suất, ruộng thực khẩn được bao nhiêu mẫu, ruộng hoang mới khai khẩn được bao nhiêu mẫu, hạn đến tháng 9 năm 1789 khai thành sổ để nộp”[10]. “Xã nào ruộng hoang để quá hạn mà không khai khẩn, nếu là ruộng công sẽ chiếu theo nguyên ngạch thuế điền thu gấp đôi, nếu là ruộng tư sẽ tịch thu làm ruộng công, ngạch thuế cũng theo như ruộng công”[11].
Nhờ đó, chỉ trong vòng ba, bốn năm, sản xuất nông nghiệp đã được phục hồi nhanh chóng, đời sống nhân dân dần được ổn định. Sử cũ chép, năm 1791, “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 37
phục lại được cảnh thái bình”[12]. Bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng phản ánh tình hình đó với những câu: “Tới Mậu Thân (1788), từ rỡ vẽ tường vân, sông núi khắp nhờ công đảng địch; qua Canh Tuất (1790), lại tưới cơn thời vụ, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu”[13].
2.2.2. Khuyến khích và phát triển công thương nghiệp
Bên cạnh việc chăm lo phục hồi kinh tế nông nghiệp, Quang Trung cũng rất chú ý phát triển nền kinh tế công thương nghiệp. Trong lần hội kiến với Nguyễn Thiếp tại Nghệ An cuối năm 1788, Quang Trung đã bày tỏ hoài bão của mình là muốn xây dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, đảm bảo cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho nhân dân. Điều này cho thấy Quang Trung là người có tinh thần độc lập và tự cường rất mạnh mẽ. Đồng thời, Quang Trung không chủ trương cắt đứt quan hệ ngoại thương với các nước, mà chỉ muốn nền kinh tế nước nhà không bị lệ thuộc vào nước ngoài. Ông đã bãi bỏ chính sách “ức thương” phản động của họ Trịnh, Nguyễn trước đây và thực hiện chính sách phát triển công thương nghiệp trong nước, mở rộng ngoại thương với nước ngoài.
Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp được phục hồi và do tác dụng của chính sách chăm sóc, nâng đỡ của nhà nước, nên tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỉ nay đã được phục hồi và dần dần đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt. Những xưởng thủ công của nhà nước vẫn duy trì để đúc tiền, đóng chiến thuyền, đúc vũ khí và sản xuất một số sản phẩm đặc biệt cho nhà nước. Kinh tế công thương nghiệp càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là trung tâm kinh tế Thăng Long. Nơi đây đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt và được nhà thơ Nguyễn Huy Lượng ghi lại những nét điển hình trong bài phú Tụng Tây Hồ với những câu như sau: “Ở đây cảnh hoang tàn của những năm cuối thời Lê mạt, buổi ấy cũng góp phần tan hải, sáu thu trời bao xiết nổi hoang khô đã biến mất, để nhường chỗ cho
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 38
những hoạt động công thương nghiệp nhộn nhịp”[14]. Thăng Long đã được sống lại với những hoạt động thủ công nghiệp như: “Lò thạch khối khói tuôn nghi ngút…, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm…lửa đóm ghen năm xã gây lò, chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng, lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co…”[15] và những hoạt động thương nghiệp như “Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát…, rập rền cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen bườm bươm bướm…”[16].
Để thúc đẩy thêm sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá trong nước, Quang Trung chủ trương mở rộng ngoại thương, đặt quan hệ buôn bán với các nước láng giềng, trước hết là với nhà Thanh và đấu tranh đòi nhà Thanh phải mở cửa buôn bán với nước ta. Quang Trung kiên quyết buộc nhà Thanh phải mở cửa ải, thông chợ búa, làm cho hàng hoá không còn ngưng đọng, để làm lợi cho sự tiêu dùng của nhân dân. Bằng sách lược ngoại giao khôn khéo và tính kiên quyết của Quang Trung, cuối cùng nhà Thanh phải đồng ý để cho nhân dân hai nước được qua lại buôn bán ở một số cửa ải dọc biên giới như Mục Hoá (Cao Bằng), Hoa Sơn, Kì Lừa (Lạng Sơn). Năm 1790, Quang Trung lại đề nghị nhà Thanh cho lập thêm một số cửa ải mới ở Nam Ninh (Trung Quốc) làm cơ quan trao đổi và giới thiệu hàng hoá. Nhờ đó, quan hệ buôn bán giữa hai nước được khôi phục dần.
Còn đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, dành cho họ những điều kiện dễ dàng, mong muốn họ tăng cường quan hệ buôn bán với nước ta. Tuy rằng, triều đại Quang Trung mở rộng ngoại thương với nước ngoài nhưng rất kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Vì vậy, các công ty tư bản phương Tây thích giao thiệp với Nguyễn Ánh ở Gia Định hơn, vì họ biết rằng ở Nguyễn Ánh, những yêu sách của họ có thể thực hiện dễ dàng và họ sẵn sàng giúp Nguyễn Ánh lật đổ Tây Sơn để thực hiện mưu đồ can thiệp và xâm lược Đại Việt.
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 39
Nhiều thương nhân, giáo sĩ người Anh, Bồ Đào Nha, Pháp,… yêu cầu được “viện trợ” cho Nguyễn Ánh đều nhằm mục đích ấy.
2.2.3. Chính sách về tài chính – thuế khoá
Sau khi lên ngôi Quang Trung đã cho đúc một loại tiền đồng mới gọi là Quang Trung thông bảo, cho thi hành những chính sách thuế khoá đơn giản và bãi bỏ nhiều thứ thuế phức tạp trước đây.
Về thuế ruộng được chia làm hai loại, gồm ruộng công và ruộng tư với mức thuế khác nhau. Ruộng công của thôn xã đem chia cho dân trong xã cày cấy nộp tô thuế cho nhà nước với ba hạng như sau:
1. “Ruộng hạng nhất mỗi mẫu nộp thóc thuế 150 bát 3. Ruộng hạng hai mỗi mẫu nộp thóc thuế 80 bát 4. Ruộng hạng ba mỗi mẫu nộp thóc thuế 30 bát”[17]
Ngoài ra, “mỗi mẫu còn phải nộp thêm tiền thập vật 1 tiền và tiền khoán khố 50 đồng tiền”[18]. Số thóc và tiền ấy bao gồm cả tô lẫn thuế.
Ruộng tư cũng được chia làm ba hạng và nộp tô cho nhà nước như sau:
1. “Ruộng hạng nhất mỗi mẫu nộp thóc thuế 40 bát 2. Ruộng hạng hai mỗi mẫu nộp thóc thuế 30 bát 3. Ruộng hạng ba mỗi mẫu nộp thóc thuế 20 bát”[19]
Bên cạnh đó, “mỗi mẫu ruộng tư cũng phải nộp thêm tiền thập vật 1 tiền và tiền khoán khố 30 đồng tiền”[20].
Ta thấy, dưới thời Quang Trung, thuế ruộng đất công nặng hơn thuế ruộng đất tư, hai hình thức tô tiền và tô hiện vật cùng song song tồn tại, trong đó tô hiện vật còn chiếm ưu thế.
Về thuế nhân đinh, thời Quang Trung cũng có phần giảm nhẹ hơn thời các chúa Trịnh, Quang Trung chỉ giữ lại thuế đinh, bỏ hẳn thuế điệu, mỗi suất đinh hàng năm nộp chừng 1 quan 2 tiền (so với thời Trịnh thì mỗi suất
SVTH Lê Minh Đủ - 6095928 Trang 40
đinh nộp 1 quan 2 tiền và 4 bát gạo, lại nộp thêm 6 tiền thuế điệu). Năm 1789, Quang Trung ra lệnh bãi bỏ thuế điệu cho nhân dân từ sông Gianh trở ra (tức khu vực Đàng Ngoài) nhằm mục đích “bớt thuế, thương dân”.
Về thuế thổ sản và thuế công thương nghiệp, Quang Trung cũng bãi bỏ một số mức thuế nặng nề trước đây để tạo điều kiện sản xuất và kinh doanh dễ dàng cho giới công thương. Riêng việc thông thương với Trung Quốc qua vùng biên giới thì được miễn thuế hoàn toàn. Trong thời Quang Trung, thể lệ thu thuế được thi hành thống nhất trong toàn quốc, kể cả vùng Thanh Nghệ, nơi mà trước đây họ Trịnh miễn thuế nhân đinh, miễn thuế ruộng tư, giảm ½ tô thuế ruộng công vì Thanh Nghệ phải cung cấp quân túc vệ cho họ Trịnh.
Chính sách thuế khoá tương đối đơn giản của Quang Trung không những giảm nhẹ phần nào mức độ đóng góp cho nhân dân, mà còn ngăn ngừa bớt tệ nạn tham ô, sách nhiễu của bọn quan lại.