2 Đánh giá thực trạng thực tập tốt nghiệp của sinh viên khóa 50 Chuyên
2.2.1 Tác động tích cực
Những mặt đạt được ở đây không chỉ xét trên khía cạnh sinh viên mà còn phải xét trên các khía cạnh khác như là Doanh nghiệp và Nhà trường đạt được những gì?
2.2.1.1 Sinh viên
Nhìn chung sinh viên đều có nhận định chung những kiến thức nhận được khi đi thực tập là khá, tốt và rất tốt chiếm đến 72%. Có thể thấy quá trình thực tập đóng góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện kỹ năng của sinh viên chuyên ngành. Quá trình thực tập cho sinh viên một cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về những công việc mà học sẽ phải làm trong tương lai và là cơ hội để tìm hiểu thực tế đang xảy ra tại Doanh nghiệp. Tuy nhiên có 18% số sinh viên nhận thấy quá trình thực tập không mang lại nhiều hiệu quả cho họ. Những sinh viên này cũng thường không tham gia nhiều vào quá trình thực tập, thậm chí không tham gia vào bất cứ công việc nào tại Doanh nghiệp. Điều này là một mối bận tâm của Khoa cũng như Nhà trường vì nó làm giảm tính hiệu quả của quá trình thực tập. Nguyên nhân của vấn đề này có thể do từ phía Doanh nghiệp không muốn chia sẻ thông tin cho sinh viên, cũng có thể do tính ỷ lại, thụ động của một số sinh viên khác không chủ động nắm lấy các cơ hội.
Biểu đồ 14: Đánh giá của sinh viên về kiến thức, kỹ năng nhận được khi đi thực tập
Biểu đồ 15: Tác dụng nổi bật của đợt thực tập sinh viên
52% số sinh viên cho rằng tác dụng lớn nhất của quá trình thực tập là giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường Doanh nghiệp. 35% số sinh viên nhận thấy họ được củng cố và vận dụng kiến thức đã
học ở trường vào thực tế. chỉ có 9% sinh viên nhận thức đúng đắn về nghề Nhân sự và chỉ có 4% sinh viên nhận thấy quá trình thực tập thiết thực để rèn luyện các kỹ năng. Một thực tế không thể phủ nhận là thực
tập là một quá trình chính thức có sự giới thiệu của Nhà trường đến Doanh nghiệp để sinh viên có điều kiên tiếp xúc với môi trường thực tế. Nhưng mong muốn xa hơn của Khoa cũng như Nhà trường đó là giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn hơn về nghề Nhân sự, để sinh viên thấy rõ thực tế Bộ phận Quản Trị Nhân Lực đang làm những gì trong các Doanh nghiệp. Tuy vậy chỉ có 9% số sinh viên đạt được mục đích trên. Đa số còn lại chỉ dừng ở mức “ cưỡi ngựa xem hoa” hay chỉ tiếp xúc thực tế với môi trường Doanh nghiệp mà chưa có sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp Nhân sự trong tương lai.
Anh Nguyễn Quang Huấn – cựu sinh viên K49 Chuyên ngành Quản Trị Nhân Lực chia sẻ “Ngày trước mình thực tập tại ngân hàng và may mắn là được làm nhiều, vì vậy mình có cơ hội tiếp xúc với thực tế, đúc rút một chút kinh nghiệm trước khi đi tìm việc nơi khác. Thật ra khi phỏng vấn tại Công ty hiện tại, mấy kiến thức đó chẳng giúp ích được gì cho mình, nhưng cái quan trọng là mình cảm thấy tự tin hơn với kiến thức mình có, điều đó một phần sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường tìm việc dễ dàng hơn “. Đây cũng là một ý kiến mà sinh viên nên lưu ý khi tham gia vào quá trình thực tập.
Khi sinh viên đi thực tập thực tế tại các Doanh nghiệp thì sẽ có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với công việc mà chuyên ngành mình đang học. Thực tập tốt nghiệp thường được tính điểm một học kỳ, tức là bằng 1/8
(đối với hệ Đại Học 4 năm) hoặc 1/10 (đối với hệ Đại Học 5 năm) kết quả tấm bằng tốt nghiệp của sinh viên. Nhưng thực sự, điểm số chỉ đóng một vai trò nhỏ. Kỳ thực tập này giúp sinh viên được tiếp cận với nghề nghiệp mà họ đã lựa chọn khi bước chân vào trường đại học. Các hoạt động thực tiễn thêm một lần nữa giúp sinh viên hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và mình có thực sự phù hợp với công việc đó hay không. Quá trình áp dụng các kiến thức học được trong Nhà trường vào thực tế công việc giúp sinh viên nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, mình cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu công việc. Thực tế, chương trình đào tạo trong các trường đại học còn một độ lệch nhất định đối với thực tế phát triển của ngành nghề, thường thì kiến thức trong Nhà trường nặng tính lý thuyết và không theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Vì thế, các kỳ thực tập càng trở nên cần thiết đối với sinh viên. Những trải nghiệm ban đầu này khiến bản thân sinh viên tự tin hơn sau khi ra trường và đi tìm việc, giúp bản thân không quá mơ mộng ảo tưởng dẫn đến thất vọng về thực tế khi thực sự tham gia thị trường lao động.
Nhất là đối với ngành Nhân lực, quản lý con người trong tổ chức lại là không phải một công việc dễ. Ngành này không giống như các ngành như kế toán hay tài chính ngân hàng đối tượng là các con số mà đối tượng của ngành nhân lực ở đây là con người - những thành viên làm việc trong tổ chức. Chị Nguyễn Thị Thu Nga ( lớp Quản Trị Nhân Lực 50B) chia sẻ” Công việc rất là thú vị. Học ở lý thuyết trong trường rất nhiều nhưng khi áp dụng rất ít. Có gì không biết thì mình có thể hỏi trực tiếp các anh chị trong phòng và các anh chị cũng chỉ bảo rất tận tình. Có gì không hiểu mình hỏi ngay”.
Chính vì thế thực tập không những giúp cho sinh viên làm quen được với môi trường công sở, trau dồi thêm kinh nghiêm sống cho bản
thân mà còn cải thiện các kỹ năng giao tiếp, giúp sinh viên tự tin hơn sau khi ra trường. Tạo dựng được mối quan hệ với mọi người, tăng cơ hội tìm việc làm trong tương lai. Điều đó có thể giúp sinh viên trưởng thành hơn, tự tin hơn khi đi ra ngoài làm việc.
2.2.1.2 Doanh nghiệp
Nếu sinh viên thực tập mà có kết quả tốt thì cũng rất có lợi cho Doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có 5 trường đào tạo ngành nhân lực đó là Đại Học Lao Động Xã Hội, Đại Học Công Đoàn, Đại Học Thương Mại, Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội, và trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân. Điều đó có thể cho thấy số lượng đào tạo ngành này là không nhiều mà trong khi đó nhu cầu về ngành này hiện nay càng ngày càng lớn. Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (tiếng Anh: National Economics University, viết tắt là NEU) là trường đại học đầu ngành Kinh tế và là Đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam duy nhất về Kinh tế ở miền Bắc Việt Nam, được chính phủ ưu tiên giao quyền tự chủ, chuyên đào tạo cán bộ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh bậc đại học và sau đại học. Chính vì thế sinh viên của trường khi ra trường có được ưu thế một ưu thế lớn hơn các trường đại học khác. Khi Doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập là đã đóng góp một phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lao động trong ngành nghề, lĩnh vực mình đang hoạt động. Điều này có thể chưa giúp ích cho Doanh nghiệp ngay trước mắt nhưng về lâu dài thì có tác động tích cực đối với đội ngũ nhân lực phục vụ cho ngành. Thông qua chương trình thực tập, các cơ quan, Doanh nghiệp có thể nhận thấy đâu là những điểm yếu của chương trình đào tạo trong trường đại học, đâu là những yêu cầu của thực tiễn mà sinh viên chưa đáp ứng được để nhận xét, góp ý với Nhà trường. Trên cơ sở đó, các trường đại học sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo của mình để nâng cao chất lượng đầu ra. Khi đó, các cơ quan, Doanh nghiệp
sẽ có cơ hội tuyển chọn nhân sự phù hợp mà không cần tái đào tạo nhiều. Hiện nay, các Doanh nghiệp chủ động xây dựng các chương trình thực tập dành cho sinh viên năm cuối đều được tự lựa chọn các ứng viên phù hợp. Đây là một cách tuyển dụng của nhiều Doanh nghiệp. Điều đó giúp giảm thiểu được một khoản chi phí tuyển dụng cho Doanh nghiệp. Thông qua chương trình thực tập, các Doanh nghiệp được tự tuyển chọn các sinh viên giỏi, thời gian thực tập giống như thời gian thử việc, giúp sinh viên tiếp cận với công việc. Sinh viên nào đạt yêu cầu sẽ được mời, ở lại làm việc sau khi kỳ thực tập kết thúc. Cách thức tuyển dụng này giúp Doanh nghiệp tìm được nhân viên giỏi ngay từ trong trứng nước lại không tốn kém nhiều chi phí. Đồng thời các sinh viên được giữ lại làm việc thường có xu hướng gắn bó hơn với Doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình giúp phát triển mối liên kết giữa công ty với đại học cũng như với sinh viên của trường. Sinh viên sau khi hoàn tất chương trình thực tập trở thành đại sứ quảng bá cho công ty.