CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN KHU VỰC

Một phần của tài liệu Mô hình tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo khu vực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam (Trang 88 - 99)

3.2.1. Về cơ sở pháp lý

Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đang được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002; Pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002 (sửa đổi, bổ sung). Về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đang thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mô hình Viện kiểm sát nhân dân khu vực, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên liên quan đến tổ chức và hoạt động, các chức danh pháp lý, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khu vực, cụ thể như sau:

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), bao gồm các điều từ Điều 137 đến Điều 140, theo hướng, thành lập hệ thống tổ chức Viện kiểm sát phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xử lý các vấn đề về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, vấn đề giám sát của các cơ quan dân cử đối với Viện kiểm sát theo tinh thần cải cách tư pháp; đồng thời giữ vững nguyên tắc: Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Viện kiểm sát quân sự chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, theo hướng tổ chức lại hệ thống Viện kiểm sát nhân dân phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, trong đó tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

+ Điều 9 (quy định Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân) cần được sửa đổi về chế độ chịu giám sát, trách nhiệm báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trước cơ quan dân cử.

+ Điều 30 (quy định trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) cần được sửa đổi, ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trong hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân.

+ Sửa đổi, bổ sung Điều 36 (quy định về cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) để quy định về Viện kiểm sát nhân dân khu vực thay cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

- Sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 (có thể nhập vào Luật về Viện kiểm sát nhân dân) theo hướng quy định có 4 ngạch kiểm sát viên là kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự để đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp, trong đó có các nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát, cụ thể là:

+ Sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc của tố tụng hình sự liên quan đến hệ thống tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát như: nguyên tắc về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự; nguyên tắc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự; nguyên tắc tranh tụng

tại phiên tòa; nguyên tắc quyền quyết định truy tố của Viện kiểm sát; nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng v.v…

+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với thẩm quyền tố tụng theo hướng tăng quyền hạn và trách nhiệm cho Kiểm sát viên để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình.

+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra theo hướng tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra và trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát.

- Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 theo yêu cầu cải cách tư pháp, tiếp tục khẳng định và đổi mới chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, theo hướng: Viện kiểm sát vừa thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, vừa là người đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong các vụ việc dân sự mà Nhà nước Việt Nam là một bên đương sự; hoặc là người (đại diện Nhà nước Việt Nam) đứng đơn khởi kiện vụ việc dân sự nhân danh lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự và/hoặc không thể tự bảo vệ mình.

- Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và xây dựng Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, trong đó cần sửa đổi các quy định có liên quan đến việc thành lập, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án

nhân dân và Cơ quan điều tra bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát.

- Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong đó cần sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của Viện kiểm sát, bảo đảm phù hợp với tính chất hoạt động và mô hình tổ chức của Viện kiểm sát theo bốn cấp, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

3.2.2. Về tổ chức bộ máy

Để đảm bảo hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân khu vực có hiệu quả khi triển khai trên thực tế cần thiết phải nghiên cứu tổ chức các đơn vị cấp phòng tại Viện kiểm sát nhân dân khu vực, nhất là ở những nơi có sự hợp nhất từ hai hay nhiều đơn vị cấp huyện thành một khu vực hoặc những nơi tuy chỉ thành lập từ 1 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay nhưng khối lượng công việc lớn, số cán bộ đông và địa bàn phức tạp. Việc thành lập các đơn vị cấp phòng tại Viện kiểm sát nhân dân khu vực vừa tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp với dự kiến thành lập các tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và cũng là một giải pháp để bố trí sắp xếp cán bộ.

3.2.3. Về đội ngũ cán bộ

* Về bố trí sắp xếp cán bộ

Từ nay đến năm 2014, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm tăng biên chế, số lượng Kiểm sát viên các cấp để chuẩn bị nguồn cán bộ cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Về việc bố trí, sắp xếp lại cán bộ là một trong những vấn đề khá phức tạp trong quá trình thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Chúng tôi đề xuất giải quyết theo hướng như sau:

Thứ nhất, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý:

- Do quy mô tổ chức bộ máy, cán bộ cũng như phạm vi địa hạt tư pháp lớn hơn, nên việc lựa chọn Viện trưởng của Viện kiểm sát nhân dân khu vực

không nên nhất thiết chỉ lựa chọn trong số cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được hợp nhất vào khu vực, mà có thể lựa chọn từ cán bộ có năng lực hơn của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, hoặc các đơn vị khác.

- Cho phép tăng số lượng phó Viện trưởng trong giai đoạn nhất định đối với những Viện kiểm sát nhân dân khu vực được sáp nhập từ nhiều Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do khối lượng công việc nhiều hơn, mặt khác cũng tạo điều kiện bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trước đây.

- Tổ chức các đơn vị cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Theo đó, một số phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trước đây có thể bổ nhiệm làm trưởng phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân khu vực với chế độ tương đương để đảm bảo chính sách cán bộ.

Thứ hai, bố trí cán bộ, công chức khác: Về cơ bản, cán bộ thuộc Viện

kiểm sát nhân dân khu vực sẽ trên cơ sở cán bộ thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hợp thành. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lại, trong điều kiện cho phép cần điều chỉnh hợp lý số lượng, chất lượng cán bộ phù hợp với yêu cầu công việc của từng Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

* Về chính sách cán bộ

Khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực, để giải quyết hợp lý vấn đề chính sách cán bộ, chúng tôi đề xuất như sau:

- Phụ cấp trách nhiệm cho các chức danh lãnh đạo, quản lý của Viện kiểm sát nhân dân khu vực phải khác so với mô hình Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay vì trách nhiệm cao hơn. Mức phù hợp là phụ cấp chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực tương đương phụ cấp trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; phụ cấp chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực tương đương phụ cấp phó trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hiện nay.

- Phụ cấp trách nhiệm cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân khu vực (trưởng phòng, phó phòng) nên bằng phụ cấp chức vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay. Mức phụ cấp này vừa phù hợp với cấp độ trách nhiệm; vừa đảm bảo những người đang là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay, nếu không bố trí vào chức vụ Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực thì có thể bố trí chức vụ trưởng phòng hoặc phó phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân khu vực và mức phụ cấp vẫn tương đương với chức vụ cũ.

- Cần xây dựng lại chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đối với cán bộ thuộc Viện kiểm sát nhân dân khu vực, tương xứng với khối lượng công việc, trách nhiệm công vụ, cường độ lao động của cán bộ công tác ở cấp này.

* Về chính sách thu hút cán bộ

Cần sớm ban hành quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đặc thù khác đối với cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhằm bảo đảm cuộc sống và động viên cán bộ, công chức yên tâm công tác. Trước mắt đề nghị quan tâm thực hiện việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân ở những nơi có khoản vượt thu ngân sách của địa phương, theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về lâu dài, để đảm bảo thu hút và thực hiện điều động cán bộ, công chức yên tâm công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, cần bố trí nhà công vụ, có chính sách nhà ở đối với cán bộ công tác ở vùng núi, nơi đặc biệt khó khăn.

3.2.4. Về cơ sở vật chất

Để đáp ứng cơ sở vật chất cho việc xây dựng mô hình Viện kiểm sát nhân dân khu vực, cần thiết phải có kế hoạch và phương án tổng thể về trụ sở làm việc, nhà công vụ; phương tiện công tác và kinh phí hoạt động. Cụ thể như sau:

* Về trụ sở làm việc, nhà công vụ

Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các đơn vị trong ngành kiểm sát cần có sự kế thừa hệ thống trụ sở hiện có, kết hợp với việc đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng, xây dựng mới cho phù hợp, tránh lãng phí; phù hợp với quy hoạch của địa phương, của Ngành và đảm bảo hoạt động bình thường của các đơn vị.

Trên cơ sở số lượng, địa hạt tư pháp và địa điểm đặt trụ sở của các Viện kiểm sát nhân dân khu vực, cần lập dự án đầu tư tổng thể việc quy hoạch, bố trí đất và đầu tư xây dựng trụ sở cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo hướng hiện đại (đảm bảo quy mô và các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, trang thiết bị...). Trong đó, phân loại quy mô trụ sở làm việc, nhà công vụ của Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo nhóm, phù hợp với quy mô biên chế, khối lượng công việc, đặc điểm vùng miền để phù hợp với thực tế.

Để góp phần khắc phục khó khăn cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay, trước mắt cần đầu tư xây mới trụ sở cho những Viện kiểm sát nhân dân khu vực được hợp nhất từ 2 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trở lên, đã xác định rõ được địa điểm, địa hạt tư pháp mà trụ sở chưa có hoặc chưa đáp ứng nhu cầu cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Đối với những nơi giữ nguyên địa hạt hành chính theo đơn vị cấp huyện hiện nay, chỉ đổi tên thành Viện kiểm sát nhân dân khu vực mà trụ sở vẫn đáp ứng nhu cầu trước mắt thì chưa đầu tư xây dựng mới. Đối với những Viện kiểm sát nhân dân khu vực tuy được hợp nhất từ 2 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trở lên, nhưng trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đóng trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trước mắt có thể đáp ứng được thì tạm thời sử dụng, nếu cần thiết thì cải tạo mở rộng để sử dụng trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới theo lộ trình.

Bên cạnh đó, đối với những Viện kiểm sát nhân dân khu vực được sáp nhập từ 2 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trở lên, vì công chức của

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi không đặt trụ sở sẽ phải công tác xa nhà, trực nghiệp vụ... nên nhà ở công vụ cần thiết phải được chuẩn bị khẩn trương trước khi quyết định thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

* Về phương tiện công tác

Tất cả các Viện kiểm sát nhân dân khu vực đều cần được trang bị phương tiện ô tô và các trang thiết bị khác để đáp ứng yêu cầu mới. Tại những đơn vị có quy mô cán bộ lớn, địa bàn rộng, khối lượng công việc nhiều cần được trang bị từ 2 ô tô trở lên để đáp ứng nhu cầu đi lại thường xuyên của cán bộ, kiểm sát viên khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các phương tiện làm việc, phương tiện liên lạc phục vụ nhu cầu công tác của Viện kiểm sát nhân dân

Một phần của tài liệu Mô hình tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo khu vực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam (Trang 88 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)