THỰC TRẠNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP QUỐC TẾ VIB CHI NHÁNH ĐỐNG ĐA
2.3.2 Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1 Những hạn chế
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận song có thể khẳng định cho vay tiêu dùng của Ngân hàng TMCP VIB chi nhánh Đống Đa trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế sau :
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ cho vay tiêu dùng còn hạn chế về số lượng nên số lượng khách hàng bình quân một cán bộ tín dụng phải quản lý cao, thường từ 60 đến 100 khách hàng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khâu kiểm soát trong và sau quá trình cho vay và thu nợ, đồng thời ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ tín dụng là cán bộ trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều và kỹ năng bán hàng còn yếu nên việc tiếp cận khách hàng để mở rộng thị trường còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, cơ cấu sản phẩm cho vay tiêu dùng chưa hợp lý, thậm chí là nghèo nàn và đang có sự phát triển không đều, chỉ tập trung ở một số sản phẩm tiêu dùng truyền thống như mua nhà đất và sửa chữa nhà ở, mua ô tô trả góp. Các hình thức cho vay khác như cho vay thấu chi, vay du học, vay để đi xuất khẩu lao động chưa được phát triển, mặc dù nhu cầu về các dịch vụ này rất cao và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Việc tập trung phát triển vào một số sản phẩm như hiện nay còn làm cho độ rủi ro của các sản phẩm này tăng lên.
Thứ ba, ngân hàng quy định thời hạn trả lời khách hàng tối đa là 5 ngày kể từ ngày khách hàng có hồ sơ đề xuất vay vốn. Thời gian khách hàng chờ đợi câu trả lời khá lâu có thể làm cho khách hàng nản chí và tìm đến các ngân hàng khác.
2.3.2.2 Nguyên nhân
* Các nguyên nhân chủ quan từ phía chi nhánh
Thứ nhất, chính sách cho vay tiêu dùng của chi nhánh chưa thực sự hợp lý và thông thoáng, điều này dễ làm cho khách hàng giảm thiện chí khi đến với chi nhánh, cụ thể :
+ Chi nhánh chưa xây dựng được chế độ ưu đãi đối với khách hàng truyền thống, trong khi đó các ngân hàng TMCP khác trên địa bàn thực hiện rất hiệu quả, khách hàng truyền thống có thể được hưởng mức lãi suất thỏa thuận, lãi suất ưu đãi và nhiều đặc ân khác. Chính chế độ này góp phần giúp cho ngân hàng luôn luôn giữ vững thị phần cho vay tiêu dùng trên thương trường.
+ Đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng còn bị giới hạn ở những khách hàng có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Trên thực tế người từ các tỉnh khác về định cư tại Hà Nội rất lớn. Chính những người này mới có nhu cầu lớn về vay vốn để trang trải các chi phí mua nhà ở, phương tiện đi lại và các chi phí khác thì họ lại không thuộc đối tượng của khách hàng vay vốn.
+ Tài sản đảm bảo là nhà đất được quy định là phải có sổ đỏ. Do vậy, rất nhiều khách hàng có khả năng trả nợ, nhân thân tốt nhưng tài sản đảm bảo chưa đủ giấy tờ pháp lý cũng bị từ chối cho vay.
Thứ hai, hiện nay Ngân hàng vẫn tập trung ưu tiên cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp hơn khách hàng là cá nhân nhỏ lẻ. Do đặc thù các món vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, khách hàng đa dạng, mất rất nhiều thời gian hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn do lần đầu tiên tiếp xúc với Ngân hàng; Khách hàng thường không có tinh thần tự giác trong việc trả nợ gốc và lãi Ngân hàng; Công tác phối kết hợp giữa
Ngân hàng và các cơ quan hữu quan như : cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký nhà đất, cơ quan công an,… trong quá trình thẩm định đầu tư chưa được nhuần nhuyễn, thủ tục giải quyết lâu dẫn đến giải phóng khách hàng chậm, tốn thời gian, chi phí.
* Các nguyên nhân khách quan.
- Nguyên nhân từ phía khách hàng: Những khách hàng có trình độ và tài chính lành mạnh sẽ đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. Nếu cán bộ cho vay tiêu dùng không đủ kinh nghiệm thẩm định và sự phối hợp giữa các bộ phận không tốt rất dễ làm cho khách hàng phật lòng và có phản ứng tiêu cực. Những khách hàng này luôn có nhu cầu giản tiện thủ tục, luôn có yêu cầu được giải quyết nhanh nhưng lại không hợp tác trong việc cung cấp thông tin gây khó khăn cho việc thẩm định và ra quyết định của cán bộ tín dụng.
Ngoài ra nhiều khách hàng lại có mục đích đầu cơ nhưng hồ sơ lại hoàn chỉnh như một người tiêu dùng thực thụ. Việc này khiến cho cán bộ tín dụng gặp nhiều khó khăn trong công tác thẩm định và phân định một khoản vay tiêu dùng thực sự.
- Sự cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng: VIB chi nhánh Đống Đa đang phải chịu nhiều sức ép lớn từ các đối thủ cạnh tranh trong cho vay tiêu dùng. Ngày xuất hiện càng nhiều các tổ chức tín dụng chính thức hoạt động tại Việt Nam đặc biệt là tại các trung tâm tài chính của đất nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… bao gồm các Ngân hàng TMCP, các Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh của các Ngân hàng nước ngoài. Những ngân hàng nước ngoài này hơn hẳn các NHTM trong nước về vốn, trình độ quản lý, nền tảng công nghệ và đã thực sự trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Họ có thể chấp nhận chi phí hoạt động cao để tạo ra những điều khoản ưu đãi, thu hút các khách hàng mới thiết lập quan hệ với ngân hàng mình. Bên cạnh việc cạnh tranh với các NHTM ngoài hệ thống, Chi nhánh VIB Đống Đa còn phải cạnh tranh với ngay cả các chi nhánh VIB trên địa bàn Hà Nội.
- Môi trường kinh tế - xã hội: Trong những năm qua, tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá cả hàng hoá liên tục gia tăng, lãi suất huy động và cho vay cũng liên tục thay đổi,... Khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Những người làm công ăn lương bình thường thì thu nhập của họ là không cao và chỉ đủ sinh hoạt. Và vì vậy họ thường không có nhu cầu vay tiêu dùng vì e ngại khả năng trả nợ của mình cho ngân hàng.