Tình hình tạm giam người.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 52 - 57)

Tạm giam là một trong những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Biện pháp này tước bỏ quyền tự do của con người trong một thời gian nhất định và kèm theo là hạn chế một số quyền và nghĩa vụ nhất định của người bị tạm giam. Đây là một quy định của pháp luật có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khi thực hiện nó. Tuy nhiên, việc giải quyết yêu cầu cấp bách này cũng đang được từng bước khắc phục, bởi áp dụng biện pháp tạm giam, sẽ tác động đến chế độ chính sách đối với người bị áp dụng, đến tình hình quá tải ở các trại giam, đến cách nhìn nhận của xã hội về vấn đề tạm giam và những nhân tố về quyền con người nói chung.

Mục đích của tạm giam: tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự. Vì vây, ngoài mục đích chung, thống nhất là ngăn chặn không để bị can, bị cáo có điều kiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án thì ở mỗi giai đoan tố tụng nhất định, việc áp dụng biện pháp này còn có mục đích riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng tố tụng của cơ quan áp dụng. Chẳng hạn, việc tạm giam đối với bị can trong giai đoạn điều tra tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra có thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can vào bất cứ khi nào nếu thấy cần thiết mà không phải mất thời gian triệu tập nhiều lần, đồng thời giúp cho việc quản lý, giám sát bị can được chặt chẽ, việc tạm giam bị cáo sau khi tuyên án nhằm đảm bảo cho việc thi hành án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật được thuận lợi.

Bảng 2.2 Tình hình bị can bị khởi tố và bắt tạm giam từ năm 2005 – 2008

STT Năm Số bị can bị khởi tố Số bị can bị tạm giam Tỷ lệ 1 2005 87.922 64.088 72,89% 2 2006 85.956 68.967 80,24% 3 2007 99.051 67.088 67,73% 4 2008 108.816 75.129 69,04%

* Theo số liệu thống kê của Cục thông kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2005 đến năm 2008

Qua bảng tổng kết nêu trên có thể rút ra được một số nhận xét sau:

Số lượng bị can bị khởi tố về cơ bản năm sau cao hơn năm (trừ năm 2006), từ năm 2005 có 87.922 người bị khởi tố đến năm 2008 tăng lên 108.816 người, tăng thêm 20.894 người tăng 19,2 %.

Số lượng bị khởi tố và bị bắt tạm giam về cơ bản là tăng nhưng không đáng kể, từ năm 2005 là 64.088 bị can đến năm 2008 là 75.129 bị can, như vậy tỷ lệ tăng trong 4 năm là 14,6%.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tiến độ điều tra, truy tố các vụ án đúng thời hạn luật định, nhất là các vụ án có bị can giam lâu, tồn đọng kéo dài đã được tập trung giải quyết. Chất lượng xử lý trong tạm giam được nâng cao, hạn chế tối đa các trường hợp bị oan sai, tạm giam sau phải đình chỉ điều tra, Tòa án tuyên vì không có tội, giảm đi rõ rệt những vi phạm trong tố tụng để xảy ra các vụ tạm giam, xét xử oan, sai. Số đình chỉ điều tra có bị can, bị cáo tạm giam giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý hoạt động bắt tạm giam còn tồn tại một số những vướng mắc khó khăn nhất định cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, vướng mắc trong quy định về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra. Quy định về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra vẫn không trùng khớp nhau làm cho việc áp dụng trên thực tế gặp những khó khăn nhất định.

Theo quy định tại điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giam để điều tra (kể cả thời hạn gia hạn) là không quá 03 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 06 tháng đối với tội nghiêm trọng; 09 tháng đối với tội rất nghiêm trọng; 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự lại quy định thời hạn để điều tra (kể cả thời hạn gia hạn) là 04 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 08 tháng đối với tội nghiêm trọng; 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng; 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, thời hạn điều tra dài hơn thời hạn tạm giam để điều tra.

Thực tế cho thấy trong đấu tranh phòng chống tội phạm thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều vụ án khi hết thời hạn tạm giam thì thời hạn điều tra vẫn còn mà do tính chất của vụ án không thể trả tự do cho bị can. Trong những trường hợp này thì áp dụng tiếp biện pháp ngăn chặn nào cho thích hợp, hoặc nên quy định thời hạn tạm giam để điều tra và thời hạn điều tra là bằng nhau.

Thứ hai, trong thực tế nhiều trại giam giữ luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy việc phân loại đối tượng tạm giam chưa thực hiện đúng theo quy chế về tạm giữ, tạm giam của Bộ công an. Mặt khác, “tình trạng đàn anh, đàn chị” trong phòng giam, một số hiện tượng mượn tay “đàn anh, đàn chị” để gây sức ép buộc bị can phải khai báo, hoặc việc bị can mới đến phải làm thủ tục nhập

phòng bằng quà cáp, trò vui hay bằng một hình thức nào đó do “đàn anh, đàn chị” đặt ra … vấn đề này rất khó kiểm soát.

Ví dụ: về tình trạng quá tải ở các nhà tạm giữ, tạm giam tại thành phố Hải Phòng,( theo báo cáo tình hình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng năm 2009) với 15 quận, huyện đều được xây dựng nhà tạm giữ nằm trong khuôn viên của đơn vị. Về lưu lượng giam giữ tại trại tạm giam Hải phòng thường xuyên từ 1200 đến 1300 đối tượng. Lưu lượng giam giữ cao nhất tháng 01 năm 2006 là 1362 đối tượng, lưu lượng giam giữ thấp nhất vào tháng 02 năm 2008 là 811 đối tượng. Về lưu lượng nhà tạm giữ tại thành phố Hải Phòng thường xuyên từ 157 đối tượng, thời điểm cao nhất là 259 đối tượng, thời điểm thấp nhất là 80 đối tượng. So với quy mô giam giữ hiện có tại Hải Phòng thì quá tải 145 đối tượng. So với quy mô giam giữ được quy định tại điều 26 Nghị định 89/NĐ- CP ngày 07/11/1998 của chính phủ quy định về quy chế tạm giữ, tạm giam quy định diện tích tối thiểu nơi giam giữ là 2m2/người thì còn thiếu 163 buồng = 326 chỗ giam giữ. Từ năm 2006 đến nay can phạm nhập trại giam ở Hải Phòng có xu hướng giảm, tuy nhiên đối tượng bị bắt giam giữ là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, đối tượng nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS diễn biến hết sức phức tạp, kết quả xét nghiệm hằng năm trong số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm chiếm tỷ lệ 40 đến 50%, đối tượng chết ở trong trại giam là 150 phạm nhân.

Trong khi đó tại điều 15 Quy chế về tạm giữ, tạm giam đã quy định rất rõ việc giam giữ bố trí theo khu vực và phân loại : Phụ nữ; người chưa thành niên; người nước ngoài; người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; loại côn đồ hung hãn, giết người, cướp tài sản tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người bị tòa án tuyên phạt tử hình; người có án phạt tù chờ chuyển đi trại giam. Không được giam chung buồng với những người

cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử. Việc giam giữ riêng từng người do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Mỗi trại tạm giam có một cơ sở chấp hành hình phạt tù (gọi là phân trại quản lý phạm nhân).

Dựa vào các quy định nêu trên cho thấy thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng giam giữ người không qua phân loại do nhiều lý do khách quan nêu trên mang lại.

Thứ ba, tình trạng để bị can suy kiệt sức khỏe, hoặc bị bệnh hiểm nghèo phải tạm giam đã được kiểm soát chặt chẽ, song việc xác định tình trạng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của bị can gặp khó khăn rất nhiều, quy định này chỉ áp dụng dựa vào tài liệu điều tra thu thập được còn lĩnh vực chuyên môn thì chưa đủ điều kiện để kết luận.

Ví dụ: đối tượng nhiễm HIV, AIDS chủ yếu là do cơ quan điều tra cung cấp thu thập thông tin, còn chuyên môn y tế của trại chưa đầy đủ khả năng để kết luận nên khi phân loại giam giữ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, có trường hợp ngay cán bộ quản lý cũng bị mắc phơi nhiễm, cũng có nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam trong cùng một buồng giam, cùng một trại giam lây truyền bệnh cho nhau. Mặt khác, đối với người bị tạm giữ, tạm giam bị mắc bệnh truyền nhiễm (HIV) ở ngoài xã hội trước khi bị bắt đang điều trị thuốc ARV theo chương trình phòng chống HIV của Liên Hiệp Quốc, theo quy định khi bị bắt tạm giữ, tạm giam cán bộ y tế nhà tạm giữ không được tiếp nhận loại thuốc ARV để tiếp tục điều trị HIV cho người bị tạm giữ, tạm giam bị nhiễm kháng thể HIV vì loại thuốc ARV nếu không điều trị đúng sẽ gây phản ứng phụ, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, hơn nữa trình độ y tế cấp huyện chưa đủ trình độ để xác định chủng loại thuốc ARV. Đối với những vướng mắc này cần có quy định chung cho các nhà tạm giữ, trại tạm giam được nhận thuốc điều trị cho các đối tượng bị giam giữ, những trường hợp nhiễm HIV phải có quy định riêng, để phòng ngừa việc lây nhiễm.

Để hạn chế và kiểm soát được tình trạng này là một vấn đề không đơn giản nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu quan.

Như vậy, dựa vào tình hình thực tế về công tác bắt, tạm giữ, tạm giam trong thời gian qua giúp chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề này, từ đó có những kiến nghị và giải pháp hữu hiệu nhất cho công tác áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đúng trình tự, thủ tục luật định, tránh tình trạng oan sai xảy ra trong quá trình tố tụng.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 52 - 57)